Thứ Sáu | 15/06/2012 15:22

Đằng sau căng thẳng giữa Đức và Hy Lạp

Quan hệ giữa Berlin và Athens ngày càng căng thẳng với những hiểu lầm liên tiếp, các lời hứa bị phá vỡ và các cuộc công kích ngày càng gia tăng.
Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng tài chính Đức Philipp Roesler mang theo rất nhiều hy vọng khi đặt chân đến Athens sau chuyến bay cùng với các chủ doanh nghiệp. Theo vị bộ trưởng trẻ tuổi, Đức và các doanh nghiệp hàng đầu nước này sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp vượt qua khủng hoảng nợ và hối thúc Hy Lạp yêu cầu gói cứu trợ thứ hai từ EU và IMF. Theo lời của những người tham dự cuộc gặp gỡ này, buổi họp tràn đầy không khí phấn chấn.

Roesler cũng cam kết những tranh chấp thương mại giữa Hy Lạp và các doanh nghiệp Đức sẽ sớm được giải quyết, dòng vốn đầu tư từ Đức sẽ được phục hồi và tập trung vào lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, chỉ một vài tuần sau chuyến thăm của bộ trưởng Tài chính Đức, cựu Thủ tướng George Papandreou đã gây sốc cho các đối tác ở châu Âu khi tỏ thái độ thờ ơ với gói cứu trợ mới trị giá 130 tỷ euro. Động thái này mở đầu cho quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Berlin và Athens với những hiểu lầm liên tiếp, các lời hứa bị phá vỡ và các cuộc công kích ngày càng gia tăng.
 
Hơn 6 tháng sau, người Hy Lạp sắp tiến tới cuộc bầu cử trọng đại quyết định nước này có tiếp tục ở lại eurozone hay không. Người Đức ngày càng thất vọng với những gì đang diễn ra và hy vọng Hy Lạp sẽ quay trở lại ngày càng mong manh.

Rất nhiều quan chức Đức đã cho rằng việc Hy Lạp phá vỡ các thỏa thuận kéo theo nhiều quyết định bị trì hoãn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, ngẫm lại thì chính người Đức cũng đã từng thừa nhận không thể đổ hết rắc rối lên vai Hy Lạp.

Nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay còn có sự thờ ơ các của nước châu Âu, trong đó có Đức. Đáng lẽ ra Hy Lạp phải được nhận gói cứu trợ từ 2 năm trước. Thay vào đó họ làm ngơ và đến tận cuối năm 2011 mới hành động. Lúc này kinh tế Hy Lạp đã rơi vào cảnh thảm hại kèm theo chính trị bất ổn.

Chuyến thăm của Roesler chỉ diễn ra 1 năm rưỡi sau khi Đức thực hiện cho Hy Lạp vay tiền đồng thời đây cũng là lần đầu tiên một thành viên trong nội các của Thủ tướng Angela Merkel tới thăm Hy Lạp. Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso còn chưa từng tới Hy Lạp trong 3 năm nay trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy chỉ đến thăm Hy Lạp 1 lần duy nhất vào tháng 4 năm 2011.

Trên thực tế, quan hệ giữa Hy Lạp và Đức là khá sâu sắc. Có hơn 300.000 người Hy Lạp đang sống ở Đức, và gần như cứ 10 người Hy Lạp thì có 1 người đã từng làm việc, học tập và sinh sống tại Đức. Trong quá khứ, người Đức chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các khách du lịch đến Hy Lạp. Tuy nhiên, ẩn sau mối quan hệ này lại là sự đối lập mạnh mẽ về văn hóa. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa của sự thất vọng giữa 2 bên trong suốt những năm qua.

Người Hy Lạp chú trọng các cuộc gặp gỡ trực tiếp, trong khi người Đức lại tin rằng mọi vấn đề có thể được giải quyết từ xa thông qua điện thoại và email. Một số người Đức cũng chỉ ra rằng mô hình quan liêu với niềm tự hào rằng các quyết định từ cấp trên sẽ nhanh chóng được cấp dưới thực hiện cũng là một nguyên nhân. Phải mất một thời gian, người Đức mới hiểu ra rằng điều tương tự như vậy không hề tồn tại ở Hy Lạp.

Từ năm 2011 đến nay, các chính trị gia Hy Lạp bắt đầu chậm trễ trong việc hoàn thành các điều kiện để có thể được thông qua gói cứu trợ. Các chính trị Đức lại bắt đầu trừng phạt họ một cách công khai. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble luôn là người dẫn đầu, thậm chí thỉnh thoảng còn gọi Hy Lạp là “hố không đáy”.

Hồi cuối tháng 1, các quan chức của bộ Tài chính Đức đưa ra ý tưởng áp đặt một ủy ban tư vấn ngân sách sẽ kiểm soát tài chính của Hy Lạp. Ý tưởng này ngay lập tức bị phản đối gay gắt và bị bác bỏ. Tuy nhiên, khi 2 hãng tin lớn là Reuters và  Financial Times đưa tin này vào ngày 27/1, Hy Lạp như chìm trong cơn bão phẫn nộ. Những tuần sau đó, người Hy Lạp đốt cờ Đức và báo chí bắt đầu đăng tải hình ảnh bà Merkel được chỉnh sửa đang mặc bộ đồng phục của thời phát xít Đức.

Kể cả khi ý tưởng trên được thực hiện và đem lại kết quả ở chừng mực nào đó, chắc chắn đã là quá muộn để xóa bỏ mớ hỗn độn về kinh tế và chính trị đang và sẽ tiếp tục đè nặng lên Hy Lạp. Nếu đảng phản đối gói cứu trợ của Alexis Tsipras giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, Hy Lạp rất có thể sẽ rời eurozone.

Giống như một cặp vợ chồng đã chán ghét nhau những vẫn phải sống chung vì lợi ích của những đứa con, Đức và Hy Lạp vẫn phải gắn chặt với nhau thêm một thời gian nữa. Đây là thông điệp mà bà Merkel cần phải truyền đạt và áp đặt lên người dân Đức sau khi cuộc bầu cử Hy Lạp kết thúc. Người Đức nên nhận ra rằng họ không thể bán hàng hóa và có thặng dư thương mại khổng lồ như hiện nay nếu như không nhận lấy trách nhiệm là người đứng đầu châu Âu.

Nguồn CafeF


Sự kiện