Dân Trung Quốc nín thở chờ cứu chứng khoán
Theo báo Chứng Khoán Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán Shanghai Composite giảm 1,27% vào phiên giao dịch cuối ngày, đứng ở ngưỡng 2.927,29 điểm, trong khi chỉ số Shenzhen Composite cũng giảm 3,05% khi thị trường đóng cửa. Tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng mất 144,6 điểm (0,68%).
Thiệt hại nặng nề
Dán mắt vào chuyên mục chứng khoán trên tờ Tin Tức Bắc Kinh, nhà đầu tư Khổng Thanh Tuyền lộ rõ vẻ mệt mỏi và thất vọng khi biết giá chứng khoán vẫn giảm. Điều này đồng nghĩa với nguy cơ phá sản vì anh đã dồn hết 20.000 USD tiền tiết kiệm đổ vào cổ phiếu.
Số cổ phiếu của Khổng hiện nay chỉ có giá trị không tới 30% giá trị ban đầu. “Việc mà tôi có thể làm bây giờ là chờ đợi chỉ số chứng khoán hồi phục trở lại” - Khổng rầu rĩ cho biết.
Còn ông chủ Lý Hiểu Hoan phải đóng cửa nhà hàng sau một năm hoạt động. Trong hai tháng qua, thực khách thưa dần do chứng khoán rớt giá, nhiều người mất tiền nên không còn ra ngoài ăn uống rôm rả như trước đây. Khách hàng chính của ông Lý là những người về hưu đầu tư chứng khoán thông qua các công ty môi giới.
“Nhiều công ty môi giới trong khu vực này bị phá sản, khách hàng của tôi mất hết” - ông Lý than thở.
Giới nhà giàu Trung Quốc và quốc tế một lần nữa lại thiệt hại khá nặng nề trong “ngày thứ hai đen tối” vừa qua. Theo báo South China Morning Post, tài sản của tỉ phú Vương Kiện Lâm - người giàu nhất châu Á và là chủ tịch tập đoàn bất động sản Đại Liên Vạn Đạt - đã bốc hơi 3,6 tỉ USD chỉ trong ngày 24-8.
Tỉ phú Bill Gates cũng mất 3,2 tỉ USD và tỉ phú chuyên nghề đầu tư Warren Buffett mất 2 tỉ USD. Nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg tổn thất 1,7 tỉ USD và ông trùm bất động sản Hong Kong Lý Gia Thành cũng chịu thiệt 1,5 tỉ USD.
Điều tra hàng loạt công ty môi giới
Báo Tài Tân ngày 26-8 cho biết giới chức trách đã bắt giữ tám người của Công ty chứng khoán Trung Tín (CITIC), trong đó có giám đốc quản lý Từ Cương, do bị nghi ngờ “bán khống cổ phiếu”. CITIC là một công ty môi giới chứng khoán hoạt động trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Tạp chí Tài Kinh cũng xác nhận một phóng viên họ Vương của tờ này bị điều tra do nghi ngờ đã lan truyền tin đồn “tiêu cực” khiến thị trường chứng khoán thêm hỗn loạn.
Ngoài CITIC, bốn công ty Hải Thông, Quảng Phát, Hoa Thái và Phương Chính ở Thượng Hải cũng đang bị Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) soi vì đã tắc trách khi xem xét lý lịch của khách hàng mua chứng khoán. CSRC cũng có hai nhân viên bị bắt vì dính nghi án giao dịch ngầm, thao túng thị trường chứng khoán.
Không khí lo lắng bao trùm các sàn chứng khoán ở Trung Quốc. Nhiều nhà đầu tư lẻ ở Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa hiểu chuyện gì đã khiến thị trường tan chảy. Họ vẫn cho rằng do người nước ngoài khiến chứng khoán rớt giá. Báo Chứng Khoán Trung Quốc cho biết hàng triệu người vẫn đang chờ đợi chính phủ “hà hơi tiếp sức” vực dậy thị trường.
Trong khi đó tối 25-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố cắt giảm lãi suất cho vay xuống 4,6% và lãi suất tiền gửi còn 1,75%. Một động thái mà giới chuyên gia cho rằng nhằm ngăn chặn hiện tượng bán tống bán tháo trên thị trường chứng khoán nội địa.
Cùng lúc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xoa dịu mối quan ngại của giới đầu tư quốc tế bằng khẳng định “Trung Quốc sẽ không phá giá thêm đồng nhân dân tệ”.
Cùng ngày, PBOC cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và các tổ chức tài chính, nhằm bình ổn tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cũng như bù đắp các khoản thất thoát tài chính trong những tháng vừa qua.
Truyền thông Trung Quốc tránh nói về chứng khoán Trong bốn ngày thị trường chứng khoán chao đảo, một số cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc không đả động gì tới tình hình này. Tờ Nhân Dân Nhật Báo không đề cập tình hình chứng khoán trong nước trên 24 trang báo. Hãng tin Tân Hoa xã trong ngày 26-8 cũng chỉ đưa tin về tình hình chứng khoán của Mỹ, không nhắc đến chứng khoán Trung Quốc đang tuột dốc như thế nào. Đài truyền hình quốc gia CCTV trong bản tin kinh tế tối 24-8 cũng đã phớt lờ tình hình chứng khoán như “đang ngồi trên lửa” của nước nhà. Trước đó, chính các cơ quan truyền thông này đã đưa tin, đăng bài về chứng khoán lên giá hồi trước tháng 6-2015, góp phần “khuyến khích” người dân Trung Quốc đổ tiền vào chứng khoán. Theo chuyên gia Lỗ Văn Kiệt làm việc tại Ngân hàng UBS, làn sóng quan ngại mới đang xuất hiện trong giới đầu tư xuất phát từ việc Tập đoàn Tài chính chứng khoán Trung Quốc bỗng “im hơi lặng tiếng” trong đợt thị trường chao đảo này, trong khi các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không được lệnh mua lại cổ phiếu cũng khiến mọi người lo lắng. |
Nguồn Tuổi trẻ