Dân Trung Quốc biểu tình vì nhà đất mất giá
Trong khi đó, Giám đốc Kinh doanh tại Greentown cho biết việc cắt giảm mạnh giá nhà là nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ China Vanke - hãng bất động sản nhà ở lớn nhất Trung Quốc.
Tại nhiều thành phố khác ở Trung Quốc, xung đột giữa người mua và các công ty bất động sản còn biến thành bạo lực. Tại Tế Nam, nhiều người mang khẩu hiệu cũng đứng kín một tuyến phố để biểu tình để phản đối chính sách cắt giảm 25% giá một dự án nhà ở địa phương, theo Life Daily.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực bất động sản, vốn đóng góp 16%-20% GDP nước này. Do các quy định kiểm soát vốn chặt chẽ và thị trường bất động sản hay biến động, người Trung Quốc rất chuộng đổ tiền vào bất động sản. Tỷ lệ người dân nước này có sở hữu nhà lên tới 90%, cao hơn nhiều so với 65% tại Mỹ.
Chính quyền địa phương cũng thường cho vay các hãng bất động sản, để các hãng này sau đó đổ tiền vào thép, xi măng, nhiều ngành khác, nhằm tăng GDP. Hệ quả là giá bất động sản ngày càng bị đẩy lên cao, và rất nhiều tòa nhà tại Trung Quốc bị bỏ hoang do không có người ở, làm dấy lên lo ngại bong bóng nhà đất.
Để hạ nhiệt thị trường bất động sản và ngăn chặn đầu cơ, từ năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt biện pháp như hạn chế mua nhà, kiểm soát giá, cải cách thuế địa ốc và áp trần vay mua bất động sản. Các biện pháp này nhanh chóng có hiệu quả khi hoạt động đầu tư vào bất động sản đã suy yếu đáng kể từ đầu năm.
Theo báo cáo công bố tuần trước, giá nhà mới tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7, với tốc độ nhanh gấp đôi tháng 6. Nguyên nhân là các hãng bất động sản hạ giá khi thị trường đi xuống.
Giá trị số nhà bán ra 7 tháng đầu năm cũng giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới phân tích dự đoán con số này còn giảm nữa khi nguồn cung căn hộ vẫn dồi dào và tín dụng bị thắt chặt.
Nguồn VnExpress