Đến năm 2100, dân số châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm 21% so với mức đỉnh điểm năm 2020, đánh dấu mức suy giảm lớn nhất trong bất kỳ châu lục nào. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 12/07/2024 17:25

Dân số thế giới sẽ giảm 200 triệu người trong thế kỷ này

Tuy dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ tác động tích cực đến môi trường, nhưng lại gây thêm áp lực lên tài chính công.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ giảm 200 triệu người đến cuối thế kỷ này so với dự kiến ​​trước đây, đồng thời nhấn mạnh tác động đáng kể của việc giảm tỉ lệ sinh đối với dân số toàn cầu.

Phiên bản mới nhất của Triển vọng dân số thế giới, một báo cáo do Liên Hợp Quốc công bố 2 năm một lần, cho biết dân số sẽ tăng từ 8,2 tỉ vào năm 2024 lên mức tối đa khoảng 10,3 tỉ vào năm 2080, trước khi giảm xuống còn khoảng 10,2 tỉ vào cuối thế kỷ này.

 

Báo cáo vào năm 2022 tương tự ước tính dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh 10,4 tỉ vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. 

“Bối cảnh nhân khẩu học đã thay đổi rất nhiều. Ở một số quốc gia, tỉ lệ sinh hiện thậm chí còn thấp hơn dự đoán trước đây và chúng tôi cũng thấy tốc độ giảm nhanh hơn một chút ở một số khu vực có tỷ lệ sinh cao”, ông Li Junhua, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội tại Liên Hợp Quốc, cho biết.

Báo cáo cho biết, trên toàn cầu, trung bình phụ nữ sinh ít hơn một con so với năm 1990.

Tại hơn một nửa số quốc gia trên thế giới, số con trung bình của một phụ nữ nằm ở mức dưới 2,1, mức mà dân số ổn định. Trong gần 1/5 của tất cả các khu vực pháp lý được báo cáo đề cập, bao gồm Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc và Tây Ban Nha có ít hơn 1,4 ca sinh con trên một phụ nữ, một mức được Liên Hợp Quốc mô tả là "cực thấp".

Ông Wolfgang Lutz, Giám đốc sáng lập Trung tâm Nhân khẩu học và Vốn con người toàn cầu Wittgenstein tại Vienna, cho biết tỉ lệ sinh giảm có thể liên quan đến những thay đổi về quan điểm giá trị ở thế hệ trẻ, việc có con đối với họ không còn là yếu tố quyết định sự thành công như các thế hệ trước đó hay định nghĩa nữa.

Liên Hợp Quốc báo cáo rằng tại 63 khu vực pháp lý chiếm 28% dân số thế giới vào năm 2024, bao gồm Trung Quốc, Đức và Nhật Bản, quy mô dân số đã đạt đỉnh trước năm 2024.

 

Đến năm 2100, dân số châu Âu dự kiến ​​sẽ giảm 21% so với mức đỉnh điểm năm 2020, đánh dấu mức suy giảm lớn nhất trong bất kỳ châu lục nào.

Sự sụt giảm dân số có thể giúp làm giảm biến đổi khí hậu, bằng cách giảm nhu cầu đối với các hoạt động thải nhiều carbon, chẳng hạn như bay hoặc sản xuất năng lượng được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch. Việc này cũng có thể đóng vai trò trong giảm nạn phá rừng, thường được thực hiện để mở đường cho sản xuất lương thực, nhà ở và việc làm.

Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình một người thải ra 4,3 tấn CO₂, mặc dù lượng khí thải này không phân bổ đều khi người dân ở các quốc gia phương Tây vốn có lượng khí thải carbon lớn hơn nhiều.

Ông Junhua cho biết, mức tăng trưởng dân số toàn cầu sớm hơn và thấp hơn là "một dấu hiệu đáng mừng" cho thấy áp lực lên môi trường có thể giảm bớt.

Một số nhà kinh tế, chẳng hạn như ông David Miles, Giáo sư kinh tế tài chính tại Trường Kinh doanh Imperial College, đã nhấn mạnh cách dân số giảm làm giảm áp lực lên nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Những người khác cho rằng các quốc gia có thể tận dụng nhiều hơn "cổ tức tuổi thọ" của họ, tận dụng các thế hệ già khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm và tỉ lệ người cao tuổi cao hơn sẽ gây thêm áp lực lên tài chính công.

Ông Charles Goodhart, Giáo sư tại Trường Kinh tế London, cho biết: "Vấn đề là với ít lao động hơn, sẽ ít tăng trưởng và ít thuế hơn, và với nhiều người già mất khả năng lao động hơn, cần cung cấp nhiều dịch vụ chăm sóc, thuốc men và phúc lợi hơn". Ông Goodhart cho biết: “Nếu y học và khoa học y tế không thể giải quyết được các bệnh của người già, chúng ta sẽ có rất nhiều người già mất khả năng lao động với ít người trẻ chăm sóc họ, và điều đó sẽ trở nên rất khó khăn”.

Liên Hợp Quốc kêu gọi các xã hội đang già hóa nhanh chóng sử dụng công nghệ để cải thiện năng suất, thúc đẩy việc học tập suốt đời và tạo ra các cơ hội kéo dài thời gian làm việc.

Có thể bạn quan tâm: 

Nhật Bản sẽ thiếu hụt 970.000 lao động nước ngoài vào năm 2040

Nguồn FT