Thứ Hai | 21/01/2013 16:52

Dân số già: Quả bom nổ chậm đe dọa xếp hạng tín dụng các quốc gia

Tuổi thọ trung bình ngày càng cao sẽ làm trầm trọng thêm các cú sốc tài chính và khiến nợ chính phủ ngày một chồng chất, Fitch cảnh báo.
Các chuyên gia tài chính từ lâu luôn quan đến những hệ quả khi những người thuộc thế hệ "bùng nổ dân số" trong quá khứ bắt đầu bước vào tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chỉ đến khi báo cáo của hãng xếp hạng Fitch được công bố, các nước mới lần đầu tiên có thể định lượng được những ảnh hưởng của tình trạng này tới xếp hạng tín dụng.

Theo báo cáo, Fitch dự báo "quả bom dân số già" có thể làm tổn thương xếp hạng tín dụng của Mỹ, và khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới bị hạ ít nhất 1 bậc tín nhiệm trong năm 2030

Trong khi đó, tỷ lệ "người già phụ thuộc" trên toàn thế giới do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố, được dự báo sẽ tăng từ mức 14% trong năm 2012 lên hơn 33% vào năm 2050.

Fitch cho biết xu hướng già hóa dân số sẽ làm tăng gánh nặng ngân sách của chính phủ thêm 0,6% trong vòng 8 năm. Đến năm 2050, gánh nặng ngân sách dành cho các chương trình lương hưu và chăm sóc sức khỏe người già của các nước sẽ tăng 4,9%.

"Nếu không có cải cách hợp lý, xu hướng nhân khẩu học trên sẽ làm tăng áp lực ngân sách đáng kể cho chính phủ các nước trong dài hạn", Fitch cho biết.

Trong số các quốc gia trên thế giới, các nước châu Âu có rủi ro cao nhất, Fitch nhận định. Nếu không nhanh chóng cải cách, số nợ trung bình trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng lên 6,9% vào năm 2020, và gần 12% vào năm 2050, do chi phí dành cho lương hưu tăng cao, Fitch ước tính.

Nếu không khắc phục được hậu quả của tình trạng dân số giáà, xếp hạng tín dụng của nhiều nước phát triển sẽ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực, Fitch cảnh báo.

Ngoài châu Âu, Nhật Bản, Ireland và Síp là những nước phải đối mặt với thách thức lớn nhất do dân số già. Trong khi đó, Luxembourg, Bỉ, Malta và Slovenia sẽ bị tác động nghiêm trọng nhất nếu không cải cách, Fitch cho biết.

Mặc dù vậy, một số quốc gia ngoại vi EU như Bồ Đào Nha, Italia và Hy Lạp được cho là sẽ vượt qua thách thức nhân khẩu học tốt hơn các nước khác, do cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (eurozone) buộc những nước này phải thay đổi hệ thống lương hưu và các quy định trên thị trường lao động.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện