Dân số già hóa: Khủng hoảng lương hưu toàn cầu đang cận kề
Nhiều người sẽ bị buộc phải tiếp tục làm việc qua độ tuổi nghỉ hưu truyền thống 65 – 70 tuổi hoặc thậm chí lâu hơn. Mức sống sẽ giảm, và tỷ lệ hộ nghèo có người cao tuổi sẽ tăng lên ở các nước giàu – những nước đang xây dựng mạng lưới an sinh xã hội cho người cao niên sau Thế chiến II . Ở các nước đang phát triển, người dân sẽ ngày càng cảm thấy thất vọng nếu các chính phủ không thể đủ khả năng duy trì hệ thống lương hưu để thay thế cho truyền thống con cái chăm sóc cho cha mẹ già.
Nhiều vấn đề đang nổi lên khi thế hệ sinh ra sau chiến tranh thế giới II bắt đầu nghỉ hưu.
Cuộc khủng hoảng hưu trí toàn cầu là sự hội tụ của ba yếu tố:
- Các nước đang cắt giảm lương hưu và nâng độ tuổi nghỉ hưu. Nhiều nước đang ngập trong nợ nần sau khi bội chi trong thập kỷ qua và có mức thâm hụt ngân sách rất lớn kể từ khi suy thoái kinh tế diễn ra. Hiện nay, những quốc gia này đang phải đối mặt với thảm họa nhân khẩu học do người nghỉ hưu sống lâu hơn và tỷ lệ sinh giảm - đồng nghĩa với việc số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm đi.
- Các công ty đã loại bỏ kế hoạch lương hưu truyền thống (người lao động không chịu bất cứ chí phí gì và được đảm bảo một khoản thu nhập hàng tháng khi về hưu)
- Người lao động tự do chi tiêu và không dành dụm tiền trước thời điểm suy thoái kinh tế, do vậy tài sản của họ đã biến mất khi suy thoái kinh tế bùng phát.
Những yếu tố này được nghiên cứu riêng rẽ. Tuy nhiên, kết hợp của chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.
Mikio Fukushima, 52 tuổi ở Tokyo, là ví dụ điển hình của những người phải đối mặt với khoản lương hưu không ổn định. Fukushima, làm việc cho một công ty tư nhân, lo ngại ông có thể phải chuyển tới một nơi có chi phi sinh hoạt rẻ hơn, có thể là Malaysia, ở độ tuổi 70 để có sống thoải mái bằng thu nhập từ các khoản đầu tư của mình do lương hưu nhà nước chỉ vỏn vẹn có 10000 USD/năm .
Ông Jean-Pierre Bigand , 66 tuổi, đã nghỉ hưu ngày 01/9, được hưởng tất cả những lợi ích của hệ thống hưu trí Pháp do ông nghỉ hưu trước thời điểm cắt giảm lương ưu. Bigand sống ở nông thôn ngoại ô thành phố Rouen ở Normandy. Ông còn có ngôi nhà thứ hai ở Provence. Ông hiện đang tận hưởng kỳ nghỉ trên đảo Oleron ngoài khơi bờ biển Đại Tây Dương và đang có kế hoạch du lịch 5 tuần tới Guadeloupe. "Du lịch là chi phí lớn nhất của tôi hiện nay", ông nói .
Ở Rochester, Minnesota , Elaine Case, 58 tuổi, và chồng bà, Bill Wiktor , 61 tuổi, đã nghỉ hưu ở tuổi 56 sau ba thập kỷ làm việc cho IBM. Họ được hưởng lương hưu của công ty và sẽ nhận được trợ cấp xã hội trong một vài năm. Cả 2 vợ chồng đều thích đi du lịch. Ông Wiktor có chuyến du lịch leo núi Kilimanjaro trong năm ngoái. "Chúng tôi đang tận hưởng cuộc sống thứ hai của mình" bà Case cho biết.
Thời kỳ hoàng kim của nghỉ hưu
Thời kỳ nghỉ hưu nhàn nhã, giống như ông Bigand, Case và Wiktor đang tận hưởng, là khái niệm tương đối mới. Thủ tướng Đức Otto von Bismarck đã thành lập hệ thống lương hưu nhà nước đầu tiên trên thế giới vào năm 1889. Mỹ bắt đầu thực hiện chính sách an sinh xã hội từ năm 1935.
Trong những năm phát triển thịnh vượng sau chiến tranh thế giới II, chính phủ các nước giàu mở rộng hệ thống hưu trí. Ngoài ra, các công ty bắt đầu thực hiện chính sách lương hưu – cam kết trả một khoản tiền hàng tháng cho nhân viên sau khi nghỉ hưu - trợ cấp lương hưu.
Chính sách lượng hưu thậm chí còn tốt hơn trong những năm 1980. Nhiều quốc gia bắt đầu khuyến khích nhân viên lớn tuổi nghỉ hưu để tạo công ăn việc làm cho những người trẻ. Chính phủ các nước đã giảm độ tuổi nghỉ hưu của người lao động để có thể nhận được trợ cấp hưu trí đầy đủ của chính phủ. Độ tuổi nghỉ hưu trung bình đã giảm từ 64,3 tuổi của năm 1949 xuống còn 62,4 tuổi vào năm 1999 tại các quốc gia tương đối giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Điều này tạo ra một khái niệm mới và không thực tế về thời kỳ nghỉ hưu: "nghỉ hưu là một thời gian dài nghỉ ngơi, thư giãn”, theo chuyên gia tư vấn Mercer của Dreger."Bạn sẽ có một kỳ nghỉ dài (sau khi nghỉ hưu). Đây là thời kỳ hoàng kim."
Tăng độ tuổi nghỉ hưu
Trong những năm 2000, chính phủ - và các công ty – nhìn vào bảng thống kê bảo hiểm và tỷ lệ sinh đẻ và thấy rằng họ không đủ khả năng chi trả lương hưu như đã cam kết.
Tuổi thọ của người lao động cao hơn: Một người bình thường tại 30 quốc gia thuộc tổ chức OECD sẽ sống 19 năm sau khi nghỉ hưu. Trong khi đó, con số này chỉ là 13 năm vào 1958 - thời điểm nhiều nước đang xây dựng kế hoạch lương hưu hào phóng.
OECD cho biết độ tuổi nghỉ hưu trung bình phải tăng lên mức 66 - 67 tuổi từ mức 63 tuổi hiện nay, để có thể "kiểm soát chi phí lương hưu" khi tuổi thọ trung bình cao hơn.
Tỷ lệ sinh giảm và sự gia tăng số người sinh ra sau chiến tranh thế giới II nghỉ hưu tại các nước phát triển khiến cho vấn đề lương hưu trở nên trầm trọng hơn .
Kết quả là dân số đang già đi nhanh chóng . Tỷ lệ người cao tuổi càng cao, các nước càng gặp nhiều khó khăn trong việc tài trợ cho hệ thống lương hưu vì số lượng người trong độ tuổi lao động giảm bớt.
Ở Trung Quốc, năm 2010 số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 11% tổng số người trong độ tuổi lao động, và sẽ tăng lên 42% vào năm 2050. Tại Hoa Kỳ , tỷ lệ này sẽ tăng từ 20% - 35%.
Để đối phó với tình trạng này, chính phủ các nước đã tăng tuổi nghỉ hưu và cắt giảm phúc lợi. Tại 30 quốc gia OECD, độ tuổi trung bình mà người lao động được hưởng đầy đủ lương hưu sẽ tăng lên 64,6 tuổi trong năm 2050, từ mức 62,9 tuổi trong năm 2010 với nam, và sẽ tăng lên 64,4 tuổi từ mức 61,8 tuổi đối với nữ. Ý đã tăng tuổi nghỉ hưu từ 59 tuổi lên 65 tuổi.
Nghiên cứu về các nước giàu thuộc tổ chức OECD cho thấy, các cải cách lương hưu trong những năm 2000 sẽ cắt giảm trợ cấp hưu trí khoảng 20%.
Ngay cả Pháp, nơi từ lâu có mức lương hưu cao, đã từng bước cải cách lương hưu để giảm chi phí. Pháp đã nâng độ tuổi nghỉ hưu để có thể nhận được đầy đủ tiền trợ cấp từ 41,5 tuổi lên 43 tuổi. Cải cách lương hưu nhiều khả năng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những năm tới.
" Pháp hiện nay là một thiên đường nghỉ hưu" Richard Jackson, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.
Lương hưu của chính phủ đóng vai trò rất quan trọng bởi vì nó là nền tảng của thu nhập hưu trí. Tại 34 quốc gia OECD, chính phủ cung cấp 59% lương hưu. Lương hưu của chính phủ chiếm tới 86% ở Hungary. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, con số này vào khoảng 38%.
Theo tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor, nếu các nước giàu không đẩy mạnh cắt giảm chi phí lương hưu, nợ chính phủ/GDP sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050. Trái phiếu chính phủ của hầu hết các nước sẽ trở thành trái phiếu rác.
Khủng hoảng tài chính làm trầm trọng hóa vấn đề lương hưu
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi hệ thống ngân hàng toàn cầu rơi vào tình trạng hoảng loạn trong năm 2008 và đẩy cả thế giới vào tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ những năm 1930.
Thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên ở châu Âu và Mỹ. Nguồn thu từ thuế sụt giảm và chính phủ phải bơm tiền để cứu các ngân hàng đồng thời tăng cường trợ cấp thất nghiệp và các chương trình phúc lợi khác.
Điều này gia tăng áp lực khiến chính phủ phải cắt giảm chi tiêu cho lương hưu hoặc phải tăng thuế. Hungary áp dụng các chính sách khắc khổ nhất : quốc gia này yêu cầu công dân giao tài khoản hưu trí của mình cho chính phủ quản lý hoặc không được nhận trợ cấp lương hưu từ chính phủ. Ba Lan giảm một phần tài khoản lương hưu của người dân. Ireland áp dụng thuế đối với các tài khoản hưu trí.
Cuộc Đại Suy thoái đã khiến hàng chục triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới. Đối với nhiều người không bị thôi việc, việc tăng lương bị đình trệ trong 5 năm qua, ngay cả khi chi phí sinh hoạt gia tăng. Điều này khiến cho việc tiết kiệm tiền cho hưu trí trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, trợ cấp hưu trí của chính phủ dựa trên thu nhập suốt đời đang sụt giảm.
Tiền trợ cấp của chính phủ sụt giảm không phải là yếu tố tiêu cực duy nhất đối với người nghỉ hưu trong tương lai. Khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ 5 năm trước đây, ngân hàng trung ương trên thế giới cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để ngăn chặn kinh tế rơi tự do. Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới những người gửi tiền để hưởng lãi suất tiết kiệm.
Cuộc khủng hoảng cũng khiến nhiều người lo ngại việc đầu tư vào cổ phiếu. Cổ phiếu có thể rủi ro hơn so với khoản đầu tư khác, nhưng đem lại lợi nhuận cao hơn trong dài hạn. Nhiều nhà đầu tư không mua cổ phiếu trong khi thị trường chứng khoán thế giới đã tăng mạnh. Tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng gần 150% kể từ 3/2009. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 56% chỉ trong năm nay.
Các vấn đề lương hưu ở châu Á
Ở châu Á, người lao động phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới lương hưu - sản phẩm phụ của sự tăng trưởng kinh tế.
Theo truyền thống, tại Trung Quốc và Hàn Quốc, người già có thể mong đợi con cái sẽ chăm sóc mình khi trưởng thành. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi thành đạt ngày càng muốn sống độc lập. Họ cũng có nhiều cơ hội chuyển đến sống tại các thành phố khác để có công ăn việc làm, và rời bỏ cha mẹ. Các quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc đang ở trong giai đoạn "khó khăn": Truyền thống chăm sóc cha mẹ đang dần biến mất trong khi hệ thống chăm sóc người già lại chưa phát triển.
Yoo Tae-we, 47 tuổi, giám đốc của một công ty thương mại Hàn Quốc, không mong đợi con trai sẽ chăm sóc mình như ông đã từng chăm sóc cha mẹ. "Chúng tôi phải chuẩn bị cho tương lai của chính mình chứ không phụ thuộc vào con cháu", ông nói .
Lương hưu nhà nước ở Hàn Quốc chỉ vào khoảng 744 USD/tháng. Hàn Quốc có tỷ lệ người cao tuổi sống trong nghèo khổ cao nhất thế giới. Đây cũng là quốc giá có tỷ lệ người già tự tử cao nhất trên thế giới.
Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với vấn đề lương hưu. Trung Quốc phải trả lương hưu hậu hĩnh cho công chức và người lao động thành thị làm việc trong các nhà máy nhà nước kém hiệu quả. Người lao động có thể nghỉ hưu sớm với đầy đủ quyền lợi – 60 tuổi đối với nam và 50 hoặc 55 tuổi đối với phụ nữ, tùy thuộc vào công việc của họ. Lương hưu của họ sẽ là gánh nặng đối với Trung Quốc do tỷ lệ người về hưu tăng lên so với những người trong độ tuổi lao động. Người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng ở Trung Quốc vì chính sách một con chỉ vừa mới được nới lỏng.
Ngân hàng Thế giới cho biết chi phí lương hưu của Trung Quốc sẽ tăng lên gấp đôi GDP. Theo đó, số tiền chi trả cho lương hưu sẽ lên tới hơn 16 nghìn tỷ USD.
Trung Quốc đang xem xét tăng độ tuổi nghỉ hưu. Nhưng điều này có thể sẽ vấp phải sự phản đối . "Tôi nghe nói các nhà chức trách có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng tôi không hy vọng điều này xảy ra vì tôi đã làm việc được gần 42 năm , " Dong Linhua , 59 tuổi, cựu công nhân nhà máy Thượng Hải và hiện nay là một nhà đầu tư bất động sản, cho biết.
Bắt buộc tiết kiệm hưu trí
Một số quốc gia đang cố gắng để buộc người lao động phải tiết kiệm nhiều hơn cho việc nghỉ hưu.
Australia là nước áp dụng biện pháp này sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Quốc gia này đã thông qua một đạo luật vào năm 1993 quy định việc tiết kiệm hưu trí là bắt buộc. Bên sử dụng lao động phải đóng góp 9,25% tiền lương của người lao động vào tài khoản hưu trí. (Các khoản đóng góp bắt buộc sẽ tăng lên 12% vào năm 2020). Người lao động không được rút tiền trong tài khoản hưu trí trước khi nghỉ hưu. Trong khi các chính trị gia đang tranh luận về kế hoạch này, chỉ có khoảng một nửa người dân Australia ủng hộ.
Trong 10/2012, Anh yêu cầu các công ty phải đăng ký kế hoạch hưu trí cho hầu hết các nhân viên. Khoản đóng góp ban đầu bằng ít nhất 2% thu nhập của người lao động, một nửa chi phí do công ty chịu. Vào năm 2018 , khoản đóng góp tăng lên 8%, trong đó bên sử dụng lao động đóng góp 3%.
Tác động tiêu cực giảm bớt
Giá phiếu cổ phiếu trên toàn thế giới phục hồi và giá nhà đất tăng chậm giúp các hộ gia đình phục hồi giá trị tài sản của mình. Tại Mỹ, tài sản của các quỹ hưu trí đạt mức kỷ lục 12,5 nghìn tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2013 và đang tiếp tục tăng cao.
Tuy nhiên, tổng giá trị tài sản chỉ bằng mức đỉnh của năm 2007. Boston College's Center for Retirement Research cho biết sự phục hồi giá nhà ở và giá cổ phiếu vẫn khiến cho 50 % hộ gia đình Mỹ phải đối mặt với nguy cơ không có khả năng duy trì mức sống hiện tại của mình khi nghỉ hưu. Con số này thấp hơn so với 53% trong năm 2010 nhưng lại cao hơn so với mức 44% trước thời điểm Suy thoái bùng nổ trong năm 2007.
Chỉ khoảng 1/2 người lao động Nhật Bản cho biết họ có kế hoạch tiết kiệm khi nghỉ hưu. Và 63% có phần lớn thu nhập dựa vào hệ thống lương hưu của chính phủ đang dần cạn kiệt.
Các chuyên gia cho rằng kế hoạch lương hưu của chính phủ sẽ tiếp tục thay đổi và độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của người lao động:
- Cắt giảm lương hưu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết mọi người, đặc biệt là đối với những người giàu có. Các chính phủ có thể sẽ chi tiêu nhiều hơn cho những người cao tuổi có thu nhập thấp, cũng như những người già nhất, những người có nguy cơ không thể sống bằng tiền tiết kiệm của mình.
- Những người có kế hoạch làm việc sau tuổi 65 biết rằng họ sẽ khỏe mạnh hơn so với những người nghỉ hưu trước đây. Họ cũng sẽ được làm những công việc không đòi hỏi nhiều sức mạnh thể chất. Tại 34 quốc gia OECD, tuổi thọ của những người sống qua 65 tuổi trong những năm 80, đã tăng khoảng 5 năm so với cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước.
Nguồn Dân Việt/AP