Dân London ra kênh sống
Mặc dù giá một chiếc tàu rẻ hơn nhiều so với một căn nhà ở Anh nhưng đổi lại, cuộc sống sông nước không hề đơn giản như mọi người vẫn nghĩ.
Phương án thay thế
Ông Andy Thorneycroft, một kỹ thuật viên camera, nói với báo The Guardian (Anh) rằng sống trên tàu là một lựa chọn thay thế khả thi nếu muốn ở London. Thay vì phải chi 465.000-620.000 USD mua căn hộ chỉ có 1 phòng ngủ thì giá đắt nhất của một con tàu cũng chỉ 150.000 USD. Chính vì vậy, đây được xem là cách tiết kiệm tài chính.
Thế nhưng, xu hướng này cũng đem đến cho cư dân vùng kênh rạch không ít phiền toái từ việc sinh hoạt, vệ sinh, hư hỏng động cơ đến mâu thuẫn giữa các chủ tàu và người sở hữu bãi neo đậu.
Cô Emily Morus-Jones, một người chọn cuộc sống trên dòng kênh ở London, cho biết: “Nếu sống trên tàu, chúng ta phải lưu ý đến pin, điện, lượng nước dự trữ và các nguồn nước ngọt gần nhất. Chắc chắn việc dọn dẹp vệ sinh mỗi tuần không phải là ý tưởng tuyệt vời với mọi người”.
Một phụ nữ 28 tuổi khác đang loay hoay sửa máy bơm nước đáy tàu bị hỏng ở khu Camden cũng cho rằng cuộc sống sông nước không phù hợp với mọi người, nhất là những ai thích sự tiện nghi.
Ngoài việc tập thích nghi với cuộc sống trên tàu, có lẽ người dân còn phải học cách giành chỗ neo đậu trong bối cảnh 3.000 tàu thuyền thường tranh nhau 2.000 bến đỗ trong thành phố.
Theo quy định, thời hạn lưu lại của tàu ở các chỗ neo đậu không được quá 14 ngày. Thế nhưng, thực trạng tàu thuyền neo đậu quá hạn diễn ra phổ biến. Trong khi đó, các bãi neo đậu vĩnh viễn hiếm hoi ở thành phố lại có giá hàng trăm ngàn USD, vượt quá tầm với của hầu hết chủ tàu.
Nhức đầu chuyện quản lý
Canal and River Trust (CRT) - cơ quan quản lý mạng lưới đường thủy ở Anh và xứ Wales cũng như cấp phép cho tàu thuyền - cho biết rất khó xác định chính xác số dân cư vùng sông nước. CRT ước tính hiện có hơn 11.000 người sống trên các kênh rạch khắp nước Anh.
Paul Convery, một ủy viên hội đồng khu Islington tại London, cho rằng dân cư ở kênh rạch chỉ muốn sống, làm việc và giải trí trong một không gian gói gọn trên tàu thay vì tìm một căn nhà giá rẻ. “Các chủ tàu sử dụng những dịch vụ công cộng mà không phải đóng thuế cho hội đồng địa phương”- quan chức này phàn nàn. Ông Convery cũng bất bình trước việc một số người còn cố tình phớt lờ các quy định về neo đậu và môi trường, đồng thời chỉ trích CRT không thể kiểm soát được tình hình.
Bà Hilary Norris - một người mắc bệnh tim, sống cùng chồng trong một căn hộ gần kênh tại khu King’s Cross, nơi tàu thuyền neo đậu tấp nập - cho biết họ cảm thấy bị làm phiền vì tiếng ồn và tình trạng ô nhiễm từ những người sống trên tàu. Vợ chồng bà và nhiều người xung quanh đã kêu gọi chính quyền hạn chế số lượng tàu neo đậu để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân ven kênh.
Từ đầu năm nay, CRT đã bắt đầu điều động các tàu tuần tra trên kênh, cảnh báo sẽ từ chối gia hạn giấy phép hoặc trục xuất những con tàu nào nằm ỳ một chỗ. Ngay lập tức, khoảng 20.000 người đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi những người dân sống trên tàu tập hợp lại để ngăn chặn việc trục xuất. Họ cũng cáo buộc CRT tìm cách đẩy nhiều gia đình vào cảnh vô gia cư.
Nguồn Người lao động