The Economist

 
Bá Ước Chủ Nhật | 06/05/2018 22:39

Đàm phán thương mại nêu bật bất đồng Mỹ - Trung

Những thứ mà hai bên theo đuổi quá khác biệt và quá mâu thuẫn, thật khó để họ có thể thỏa hiệp với nhau.

Mở đầu với tin tốt từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau nhiều tuần đe dọa thương mại lẫn nhau, đại diện từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cuối cùng đã ngồi vào bàn đàm phán. Trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Bắc Kinh kết thúc vào hôm 4.5 vừa qua, các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã chỉ ra những điều bất công và đặt ra các yêu cầu. Thật không may, đó là lúc mọi thứ chuyển biến xấu đi. Những thứ mà hai bên theo đuổi quá khác biệt và quá mâu thuẫn, thật khó để họ có thể thỏa hiệp với nhau. Cho đến bây giờ, những lời khẩu chiến giữa hai bên có thể dễ dàng được chuyển thành một cuộc chiến thương mại chính thức.

Hai nước đã công bố những kết quả tích cực. Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận chính thức của nhà nước Trung Quốc, mô tả các cuộc đàm phán là thẳng thắn và mang tính xây dựng. Tờ báo này lưu ý rằng cả 2 đã đồng ý về một số vấn đề và công nhận "sự khác biệt đáng kể" của một bên đối với phía còn lại. Vào buổi tối, các cuộc đàm phán đã kết thúc, Tổng thống Donald Trump đã đăng một dòng tweet đầy cảm xúc, rất thông cảm: "Thật khó cho Trung Quốc rất vì họ đã nhún nhường Mỹ”.

Nếu những tuyên bố công khai đó diễn ra chính xác bầu không khí chung của cuộc hội đàm, thì chúng ta có thể kết luận các cuộc đàm phán đã thành công. Tuy nhiên, những chi tiết của cuộc đàm phán đã bị rò rỉ. Và rõ ràng, hai bên đã tranh luận với nhau chứ không phải thảo luận với nhau.

Yêu cầu lớn nhất của Mỹ  là Trung Quốc sẽ cắt giảm thặng dư thương mại song phương lớn của nước này thêm 200 tỷ USD vào cuối năm 2020. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải giảm khoảng 60% thặng dư với Mỹ trong vòng 3 năm, điều này thật là không thể tin nổi. Nhưng ít nhất con số này vẫn có thể thương lượng.

Nhưng rắc rối lớn hơn là những yêu cầu liên quan đến chính sách kinh tế của Trung Quốc. Người Mỹ yêu cầu Trung Quốc ngừng cung cấp trợ cấp cho một loạt các lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đã coi là chiến lược, từ robot đến xe điện. Họ yêu cầu mức thuế mà Trung Quốc áp lên các sản phẩm của Mỹ không cao hơn mức thuế của Mỹ áp lên các sản phẩm Trung Quốc. Và họ yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, và đặt ra một thời hạn là ngày 1.7.

Trước khi đến Bắc Kinh, Robert Lighthizer, Đại diện thương mại Mỹ, đã nói mục tiêu của ông không phải là thay đổi hệ thống Trung Quốc mà là mở nó ra. Mặc dù vậy, những đòi hỏi của Mỹ thực tế lại khiến Trung Quốc phải thay đổi mô hình kinh tế. Vì thế, việc Lighthizer, một người từ lâu đã luôn chống lại Trung Quốc, đã đưa ra một lập trường cứng rắn là không đáng ngạc nhiên. Nhưng với những gì mà giới quan sát mong đợi thì đó là một sự bất ngờ. Một số người đã nghĩ rằng các thành viên ôn hòa trong phái đoàn Mỹ, đặc biệt là Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính, sẽ giúp trung hòa lập trường cứng rắn trên. Thật là ngoài sức tưởng tượng.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đã đưa ra một loạt các yêu cầu khó có thể đáp ứng. Để có thể tăng cường mua hàng từ Mỹ, họ yêu cầu chính phủ Mỹ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu các công nghệ có thể có các ứng dụng quân sự. Những biện pháp kiểm soát này, vốn đã được thực thi trong gần ba thập niên, sẽ không được nới lỏng vì nước Mỹ đã xem Trung Quốc như một đối thủ lớn. Trung Quốc thi yêu cầu Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm công nghệ thông tin của Trung Quốc. Thực tế, Mỹ lại đang hành động ngược lại và rất quan ngại sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ công nhận nước này như là một nền kinh tế thị trường tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và giảm phạm vi trừng phạt trong các tranh chấp thương mại. Nếu Mỹ không làm như vậy, Trung Quốc cho rằng nước này cũng sẽ đối xử với Mỹ như một nền kinh tế phi thị trường tại WTO. Nếu các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh diễn ra tốt đẹp, người ta hy vọng rằng chủ tịch Tập Cận Bình, hay phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn, sẽ gặp phái đoàn thương mại của ông Trump. Thực tế, không có cuộc họp nào như vậy diễn ra.

Câu hỏi đặt ra là những yêu sách của hai bên có thể dẫn tới các hành động quá khích tới mức nào. Hai bên có thể có thể xoa dịu lẫn nhau khi các cuộc đàm phán tiếp tục. Nhưng hai nước hiện mâu thuẫn với nhau về các vấn đề nền tảng. Trung Quốc quyết tâm trở thành một cường quốc công nghệ, và không ngần ngại sử dụng nhiều chính sách công nghệ để đạt được điều đó.

Mỹ thì xem bước tiến của Trung Quốc như một mối đe dọa và tin rằng các chính sách của nước này đã gây hại cho các công ty Mỹ. Việc Mỹ xem Trung Quốc là một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát quá khác biệt với quan điểm của Trung Quốc rằng nước này đã là một nền kinh tế thị trường. Thời gian dành cho 2 bên không còn nhiều. Bắt đầu từ ngày 23.5, Mỹ có thể áp dụng một cách hợp pháp mức thuế quan đầu tiên chống lại Trung Quốc, ảnh hưởng tới khoảng 50 tỷ USD hàng hóa. Trung Quốc cũng sẽ ngay lập tức trả đũa.

Nhìn thoáng qua thì cả hai bên cũng đạt được một vài đồng thuận, nhưng là rất giới hạn. Cả hai nước đều nói họ muốn gặp nhau thường xuyên. Cả hai đều nói về việc muốn có một mối quan hệ thương mại cân bằng, trong đó Trung Quốc mua hàng nhiều hơn từ Mỹ. Nhưng để giải quyết các bất đồng về những vấn đề nền tảng thì cần sự nhún nhường từ cả 2 bên. Tuy nhiên, ông Trump và ông Tập thực đã thể hiện họ là những người bảo vệ trung thành vì lợi ích quốc gia của mình. Bây giờ với những bất đồng khi đàm phán đã được công khai, cả hai nhà lãnh đạo này sẽ khó mà thay đổi hình ảnh mạnh mẽ đó của mình.

Nguồn The Economist