Trang Lê Thứ Năm | 31/01/2019 16:52

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung khó có đột phá

Các cuộc nói chuyện giữa quan chức hai nước kéo dài trong 2 ngày đã diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ).

Khác biệt sâu sắc trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc mở vòng đàm phán thương mại quan trọng hôm thứ 4, 30.1, giữa lúc hai bên có những khác biệt sâu sắc về yêu cầu của Washington đòi Bắc Kinh cải cách cơ cấu kinh tế. Mối bất đồng này sẽ cản trở hai bên đạt được thỏa thuận trước khi Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc vào ngày 2.3.

Hai bên gặp nhau ngay bên cạnh Nhà Trắng, trong cuộc đàm phán cấp cao nhất kể từ tháng 12.2018.

Những người nắm thông tin về cuộc đàm phán và các chuyên gia theo dõi sự kiện này cho rằng đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các yêu cầu cốt lõi của Mỹ đòi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chấm dứt chính sách ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc phủ nhận các chính sách của nước này ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Họ nhấn mạnh đã có các bước được thực hiện, gồm giảm thuế ô tô và đưa ra dự thảo luật đầu tư nước ngoài, giúp các công ty nước ngoài cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, và hứa hẹn sẽ ban hành luật kiểm soát việc “các biện pháp hành chính ép buộc chuyển giao công nghệ”.

Theo các quan chức hàng đầu trong chính phủ Mỹ, một thành phần quan trọng của cuộc đàm phán để đánh giá về mức độ tiến triển của đàm phán là thỏa thuận về cơ chế xác minh và yêu cầu Trung Quốc phải thực thi mọi cam kết cải cách mà nước này đã đưa ra. 

Dam phan thuong mai My-Trung kho co dot pha
 


Một số nhóm doanh nghiệp theo dõi đàm phán không đặt quá nhiều kỳ vọng vào một bước đột phá trong tuần này. Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung, cho rằng tại thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến hạn chót, ít có khả năng hai bên sẽ đưa ra những đề xuất tốt nhất trong hai ngày đàm phán.

Bà Ennis nói: “Tôi không nghĩ sẽ có kết quả gì lớn. Hy vọng họ sẽ đạt một số tiến bộ tốt đẹp giúp hai bên hoàn tất vào cuối giai đoạn 90 ngày”.

Hôm 29.1, lần thứ nhì trong hai ngày liền, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, một trong những Bộ trưởng trong chính quyền Tổng thống Trump ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận với Trung Quốc, đã đưa ra những bình luận lạc quan về cuộc đàm phán.

Ông Mnuchin nói với Fox Business Network rằng ông hy vọng sẽ có “tiến bộ đáng kể” về vấn đề tiếp cận thị trường và chuyển giao công nghệ.

Dam phan thuong mai My-Trung kho co dot pha
Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Ross gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ở Washington, 30.1.2019

Vẫn đang căng thẳng

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài được 7 tháng với thỏa thuận đình chiến 90 ngày cùng hạn chót cho việc đạt được thỏa thuận cuối cùng là 1.3. Tuy nhiên các cuộc đàm phán diễn ra trước đây không có nhiều bước tiến. 

Đây là cuộc họp cấp cao nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Argentina nhất trí “đình chiến” trong vòng 90 ngày bằng cách không áp thuế mới lên hàng hóa của nhau và nỗ lực đạt thỏa thuận. Kể từ khi cuộc xung đột thương mại song phương bùng nổ vào tháng 7.2018, Mỹ áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ trị giá 110 tỉ USD.

Thông tin chi tiết về cuộc đàm phán đang diễn ra chưa được tiết lộ. Tuyên bố chung có thể sẽ được công bố sau khi hai bên kết thúc cuộc họp vào ngày 31.1.

Cuộc gặp lần này được cho là căng thẳng vì cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của Washington là bảo vệ đầy đủ quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ và những chính sách mà Washington cáo buộc ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.

Tổng thống Trump đe dọa tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25% lên khối hàng hóa Mỹ trị giá 200 tỉ USD vào ngày 2.3 nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Chủ nhân Nhà Trắng còn đe dọa đánh thuế lên thêm số hàng hòa Trung Quốc còn lại được xuất khẩu sang Mỹ.