Thứ Bảy | 24/11/2012 07:10

Đàm phán ngân sách dài hạn của EU đổ vỡ

Theo đó, các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn hàng nghìn tỷ euro của EU trong giai đoạn 2014-2020 sẽ bị hoãn sang đầu năm 2013.
Hội nghị thượng định Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 2 ngày đã kết thúc vào hôm qua 23/11 mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

"Hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận" về việc cắt giảm 80 tỷ euro (tương đương 103,2 tỷ USD) trong đề xuất ngân sách 1.000 tỷ euro (1.300 tỷ USD) ban đầu, chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết trong một cuộc họp báo.

Hội nghị thượng đỉnh có dấu hiệu cho thấy thỏa thuận ngân sách sẽ đạt được vào đầu năm tới, chủ tịch Rompuy nói thêm.

Trong khi đó, Anh tiếp tục phản đối bất kỳ thỏa thuận nào liên quan đến việc tăng ngân sách EU. Thủ tướng Anh nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu vẫn chưa đủ và cho rằng đề xuất của chủ tịch Van Rompuy không mang lại lợi ích cho Anh và những nước khác.

Các nước đóng góp ngân sách chính cho EU như Anh, Đức, Pháp muốn giới hạn chi tiêu của EU một cách nghiêm ngặt bằng chương trình thắt lưng buộc bụng 100-200 tỷ euro để giảm nợ.

Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm 100-200 tỷ euro lại bị Ba Lan và các nước thụ hưởng chính của quỹ EU phản đối với lý do đề xuất này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Không những thế, các nước trong EU còn bất đồng về lĩnh vực cắt giảm ngân sách. Trong đó, Pháp yêu cầu không cắt giảm về nông nghiệp trong khi Anh, Thụy Điển và các nước khác muốn đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện tại, khoảng 3/4 ngân sách EU đang dành để trợ cấp cho nông dân và xây dựng đường cao tốc, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trong các khu vực nghèo nhất của khối.

Chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, ngân sách EU tương đối nhỏ so với tổng chi tiêu công của châu Âu, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề này luôn gây ra bất đồng do nước nào cũng muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình.

Thất bại của việc đàm phán ngân sách phản ánh cuộc xung đột về lợi ích quốc gia giữa các nước thành viên, cũng như những bất đồng về việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và giải cứu tương lai của châu Âu.

Nếu không đạt được thỏa thuận ngân sách vào năm tới, mức trần ngân sách 2013 sẽ được triển khai vào năm 2014 với mức điều chỉnh lạm phát 2%.

Trước đó, cuộc đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 9/11 giữa các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu (EP) về ngân sách năm 2013 của tổ chức này đã thất bại sau khi một số nước ủng hộ chủ trương "thắt lưng buộc bụng" từ chối lấp đầy phần thiếu hụt trong những quỹ dành cho các nước thành viên nghèo hơn trong năm 2012.

EC và EP muốn tăng ngân sách 2013 thêm 6,8%, lên 138 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, song những nước đóng góp chính lại tìm cách cắt giảm mạnh với lý do để đáp ứng những mục tiêu cắt giảm chi tiêu và chương trình "thắt lưng buộc bụng" ở hầu hết các nước thành viên EU. Pháp, Phần Lan và Đức muốn giảm 5 tỷ euro trong khi Anh đưa ra con số cao hơn.

Nguồn Tân Hoa xã/Khampha


Sự kiện