Thứ Sáu | 03/04/2015 18:21

Đàm phán hạt nhân Iran đã tìm được lối thoát

Sau 8 ngày đàm phán "nước rút", cuối cùng Iran và Nhóm P5+1 cũng đạt được những điểm cơ bản về chương trình hạt nhân tại Iran.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngay sau buổi đàm phán, trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) - bà Federica Mogherini khẳng định, đây là bước tiến mang tính quyết định trong mối quan hệ của các bên.

Trên Twitter, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết: "Đã tìm ra cách giải quyết, sẵn sàng viết dự thảo hiệp ước ngay lập tức". Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry "tweet" rằng: "Một ngày quan trọng. Sẽ sớm trở lại để bàn bạc về thỏa thuận cuối cùng".

Ngày 30/6 sẽ là hạn chót để Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hoàn thiện bản hiệp ước hạt nhân, các quan chức tham gia đàm phán cho biết.

Nếu có thể đi đến một hiệp ước cuối cùng thì đồng nghĩa với việc EU và Mỹ sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Ngược lại, Iran không được làm giàu urani quá mức cần thiết (3,67%) để duy trì hoạt động của một nhà máy hạt nhân trong vòng 15 năm. Nói cách khác, Iran phải cắt giảm 97% dự trữ urani được làm giàu (từ 10.000 kg xuống 300 kg) và ngừng hoạt động 2/3 máy ly tâm (dùng để làm giàu urani) trên tổng số 19.000 máy.

Lò phản ứng hạt nhân tại Arak sẽ được tái thiết lại và ngừng sản xuất chất pluton dùng để chế tạo vũ khí. Fordow sẽ chuyển thành khu vực nghiên cứu và không liên quan đến vật liệu phân hạch. Natanz sẽ là nơi duy nhất được phép hoạt động các máy ly tâm.

Ngoài ra, các thanh tra của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ có quyền tiếp cận với toàn bộ cơ sở vật chất liên quan đến hạt nhân, mỏ và chuỗi cung ứng urani, các giao dịch liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Cũng trong đợt đàm phán này, Iran bác bỏ lời cáo buộc của phương Tây rằng, nước này đang chế tạo vũ khí hạt nhân.

Sau thông báo này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng cho rằng, bản hiệp ước phải hạn chế được khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân của Iran cũng như ngăn chặn nạn khủng bố và tham vọng xâm lược của nước này.

Nguồn DVO/ BBC