Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng tìm cách giảm chi phí phần cứng bằng cách tự thiết kế chip và tận dụng máy cũ tốt hơn. Ảnh: Getty Images
Đám mây so găng
Sau bao nỗ lực, Google đã có được chỗ đứng trong thị trường điện toán đám mây tăng trưởng nhanh. Theo Synergy Research, Google Cloud Platform (GCP), bộ phận đám mây của Google, đang xếp thứ 3 với 10% thị phần trong quý II/2022 (tăng từ mức 8% của quý II/2020), theo sau Amazon Web Services (AWS) của Amazon với 34% và Azure của Microsoft với 21%. Nhưng cái giá phải trả cũng rất lớn: Google đang lỗ hoạt động 3,3 tỉ USD ở mảng đám mây trong 12 tháng qua do cạnh tranh khốc liệt trước các đối thủ lớn mạnh như AWS, Azure, Alibaba, IBM, Kyndryl, Oracle.
Cũng đáng để Google tranh đua một phen khi theo dự báo của Gartner, doanh số bán đám mây toàn cầu sẽ vượt 495 tỉ USD trong năm nay và có thể đạt hơn 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Hiện chỉ mới có 30% khối lượng công việc của doanh nghiệp (các ứng dụng, chương trình phần mềm hoặc những công việc được chạy trên máy chủ địa phương) được chuyển lên đám mây, cho thấy dư địa tăng trưởng rất lớn cho những người chơi trong ngành này.
Biên lợi nhuận béo bở luôn hấp dẫn người chơi. Cuối tháng 7 AWS - đơn vị tiên phong khai phá thị trường đám mây từ năm 2006 - cho biết biên lợi nhuận hoạt động đạt 29%, gấp 4 lần mảng bán lẻ của Amazon. AWS hiện chiếm tới 3/4 lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này.
Tốc độ tăng trưởng nhanh, phần cứng được cải thiện và rào cản trong việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ là những lý do cho biên lợi nhuận cao của ngành này. David Linthicum thuộc Deloitte cho biết doanh nghiệp có khả năng đổi sang dịch vụ đám mây của nhà cung cấp khác nhưng họ hiếm khi làm vậy vì lợi ích không đáng kể trong khi chi phí lại cao (như việc nhà cung cấp tính phí đối với dữ liệu rời khỏi đám mây của họ).
Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cũng tìm cách giảm chi phí phần cứng bằng cách tự thiết kế chip và tận dụng máy cũ tốt hơn. Chẳng hạn, Microsoft cho biết đang tăng tuổi thọ máy chủ thêm 6 năm, giúp Công ty tiết kiệm 4 tỉ USD vào năm 2023. Một yếu tố khác hỗ trợ biên lợi nhuận là các công ty đám mây thường nhắm đến những thị trường khác nhau. Chẳng hạn, xuất phát điểm của AWS là một dịch vụ dành cho các nhà phát triển và nhiều khách hàng của AWS là startup công nghệ. Còn Microsoft tập trung hơn vào các tổ chức lớn khi sử dụng phần mềm doanh nghiệp có tiếng lâu nay để bán chéo dịch vụ Azure.
Tuy nhiên, áp lực thu hẹp biên lợi nhuận đang hiện hữu khi các công ty đang “nhòm ngó” khách hàng của nhau. AWS và GCP đang phát triển đội ngũ bán hàng hùng hậu nhằm tiếp cận các doanh nghiệp lớn. Microsoft thì đang lôi kéo nhóm khách hàng công nghệ, thậm chí còn cung cấp dịch vụ Azure miễn phí cho các startup. Trong khi đó, tâm lý của nhiều khách hàng doanh nghiệp hiện nay là muốn sử dụng nhiều hơn 1 dịch vụ đám mây để phòng ngừa rủi ro.
Đã vậy, mức phí đối với dữ liệu chuyển ra khỏi đám mây có có thể giảm xuống, thậm chí tiến tới xóa bỏ. Nghĩa là rào cản trong việc thay đổi nhà cung cấp đang dần tháo dỡ. AWS đã giảm nhẹ mức phí này vào tháng 12 vừa qua.
Đáng lo hơn là tăng trưởng sẽ chậm lại khi ngành này trưởng thành. Một nhà điều hành cho rằng cạnh tranh sẽ làm giảm biên lợi nhuận trong trung hạn. Quý II/2022 Baidu, China Telecom, China Unicom, Huawei, Fujitsu, NTT, Snowflake, SAP, Rackspace đã có xấp xỉ 1% thị phần đám mây, theo Synergy.
Đối mặt với triển vọng biên lợi nhuận giảm dần, các công ty đang cố gắng lên leo chuỗi giá trị cao hơn, bán các sản phẩm/dịch vụ có biên lợi nhuận tốt hơn và làm cho dịch vụ của họ càng gắn kết với khách hàng.
Một lĩnh vực hứa hẹn là xây dựng phần mềm chạy trên các máy chủ của họ dành cho các ngành cụ thể nào đó. Rõ ràng, bán phần mềm mang lại mức sinh lời cao hơn so với bán phần cứng trong khi tạo sự gắn kết với khách hàng tốt hơn. Ví dụ, một bệnh viện sẽ dễ dàng thay đổi nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu hơn là nhà cung cấp cơ sở dữ liệu về hồ sơ y tế. Xu hướng này thấy rõ qua việc Amazon, Microsoft và Google đã và đang ráo riết tuyển dụng các nhà điều hành cấp cao từ những ngành khác nhau với mục tiêu bán dịch vụ đám mây ngược trở lại cho các doanh nghiệp mà họ từng lãnh đạo hoặc có mối quan hệ.
Đối tượng khách hàng nhắm đến đã đa dạng hơn từ các công ty gaming, chính phủ cho đến tổ chức tài chính. Cuối tháng 6/2022 AWS đã ký kết hợp tác với Nasdaq. Theo đó, sàn chứng khoán này sẽ chuyển lên đám mây của AWS. Đặc biệt, các khách hàng của Nasdaq có thể sử dụng các công cụ phân tích tiên tiến của AWS như máy học cho việc đầu tư của mình.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2021, GCP ký hợp tác chiến lược tương tự trong 10 năm với CME, một trong những sàn chứng khoán phái sinh lớn nhất thế giới. Trước một ngày diễn ra thương vụ của GCP và CME, Azure đã công bố ra mắt dịch vụ đám mây tài chính cung cấp cho những khách hàng lớn như Morgan Stanley và HSBC.
Các công ty cũng đang tìm cách đặt chân vào mảng chăm sóc y tế. Năm 2021, Microsoft công bố thương vụ thâu tóm Nuance, một công ty cung cấp dịch vụ đám mây chăm sóc sức khỏe, với giá 20 tỉ USD. Vào tháng 6/2022 AWS đầu tư vào 2 startup y tế Oben Health và PeerCapsule. Cùng tháng, Oracle chốt thương vụ 28 tỉ USD mua lại Cerner, công ty chuyên phát triển phần mềm hồ sơ y tế điện tử.
Các công cụ phân tích cấp cao, sử dụng các kỹ thuật như trí tuệ nhân tạo và máy học cũng được các công ty đẩy mạnh tiêu thụ. Microsoft cung cấp 26 dịch vụ như vậy, Amazon là 25, Google là 12. Google và Microsoft cũng đầu tư mạnh tay vào máy tính lượng tử. Mục đích là làm cho các sản phẩm/dịch vụ của họ trở nên khó thay thế, khiến khách hàng không dễ đổi sang nhà cung cấp khác.
Dù cạnh tranh khốc liệt và còn nhiều thách thức nhưng trước mắt các công ty đang thoải mái hưởng thụ trái ngọt mà ngành này mang lại. Quý vừa qua, doanh số bán của AWS đã tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Azure và GCP tăng trưởng lần lượt 40% và 36%. Amazon và Google đều sở hữu lượng đơn hàng lớn với các hợp đồng ký nhiều năm dự kiến mang về doanh số lần lượt là 100 tỉ USD và 50 tỉ USD
Nguồn Tổng hợp