Đại sứ quán Mỹ bị tấn công ở nhiều quốc gia
Các nhân chứng cho biết những người biểu tình đã đập vỡ cửa sổ của cơ quan an ninh bên ngoài đại sứ quán trước khi xông vào cổng chính khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt ở phía đông thủ đô Sanaa của Yemen. Những nhân viên bảo vệ đã cố trấn giữ đại sứ quán bằng cách bắn vào không khí.
Trước đó, tối ngày 11/9, hàng trăm người biểu tình ở Libya đã tấn công và phóng hóa tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi khiến 1 đại sứ Mỹ và 3 nhân viên lãnh sự quán thiệt mạng.
Cũng trong ngày 11/9, một nhóm người biểu tình đã tấn công đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo của Ai Cập, xé cờ Mỹ và thay bằng một lá cờ Hồi giáo màu đen.
Sau những vụ tấn công trên, ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng cái chết của đại sứ Mỹ “là cú sốc với lương tâm” của mọi dân tộc thuộc mọi tôn giáo, nhưng nói đó chỉ là hành động “tàn bạo của một nhóm nhỏ” và khẳng định Washington sẽ không quay lưng lại với Libya.
Bên cạnh đó, Mỹ đã cử hai tàu khu trục tới vùng biển Libya đồng thời tổng thống Obama cũng ra lệnh tăng cường an ninh tại các điểm ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới.
Các cuộc biểu tình tấn công đại sứ quán Mỹ được cho là đều xuất phát từ một bộ phim do những thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất có nội dung xúc phạm đạo Hồi, làm dấy lên lo ngại biểu tình lan rộng sang các nước theo Hồi giáo khác.
Không những thế, các cuộc biểu tình, đặc biệt là vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Libya đã làm chấn động thế giới, thách thức khái niệm Mùa xuân Ảrập và ám ảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trước tình trạng này, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 12/9 đã cực lực lên án các vụ tấn công nhằm vào đại sứ quán Mỹ. Các ủy viên Hội đồng Bảo an nhấn mạnh cần nhanh chóng đưa các thủ phạm gây ra vụ sát hại dã man đại sứ Mỹ ra trước công lý, đồng thời khẳng định không gì có thể biện minh cho hành động đó ở bất cứ đâu với bất kỳ lý do và hình thức nào.
Hội đồng Bảo an cũng nhắc lại rằng tất cả các quốc gia phải đảm bảo quyền bất khả xâm phạm đối với các cơ quan đại diện ngoại giao và các cán bộ nhân viên cơ quan ngoại giao nước ngoài đóng tại nước sở tại, đồng thời tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến vấn đề này được nêu trong Công ước Vienne 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Vienne 1963 về quan hệ lãnh sự.
Cùng ngày 12/9, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Ramussen cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công trên, đồng thời hoan nghênh "sự lên án và chia buồn của tổng thống Libya cùng cam kết sẽ hợp tác đầy đủ của Chính phủ Libya".
Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton cho biết bà "vô cùng bàng hoàng trước vụ tấn công hèn hạ" này và hối thúc Libya "có những biện pháp không chậm trễ" để bảo vệ tính mạng của tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên nước ngoài làm việc tại nước này.
Cùng lên án vụ tấn công, ngoại trưởng Anh William Hague nêu rõ không thể biện minh vụ sát hại đại sứ Mỹ tại Libya, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Libya cải thiện an ninh và truy cứu những ai chịu trách nhiệm.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng lên án vụ tấn công và yêu cầu nhà chức trách Libya đưa ra ánh sáng tội ác ghê tởm và không thể chấp nhận này.
Bộ trưởng ngoại giao Canađa John Baird cho biết nước này "lên án mạnh mẽ và vô cùng thương tiếc" trước vụ tấn công trên và hối thúc giới chức Libya đảm bảo những kẻ cực đoan chịu trách nhiệm phải được đưa ra xét xử nhanh chóng.
Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert gọi vụ bạo động nhằm vào các cơ sở ngoại giao "không xứng đáng để mang ra tranh luận chính trị".
Tuyên bố của bộ ngoại giao Nga ngày 12/9 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ tấn công trên và nêu rõ Matxcơva coi mọi hành động tấn công các nhà ngoại giao là "hình thức khủng bố".
Tại Trung Quốc, người phát ngôn bộ ngoại giao nước này Hồng Lỗi bày tỏ sự bàng hoàng của Bắc Kinh trước vụ tấn công và lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực.
Theo một phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Độ, nước này đã tăng cường các biện pháp an ninh cho các phái bộ ngoại giao Mỹ trên khắp Ấn Độ, đồng thời lên án mạnh mẽ vụ tấn công bạo lực nhằm vào người Mỹ ở Libya.
Bộ ngoại giao Cuba cùng ngày đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công. chính phủ Cuba nhấn mạnh lập trường phản đối mọi hành động bạo lực nhằm vào các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, đồng thời nêu rõ nước này hoàn toàn chia sẻ trước vụ việc đáng tiếc trên bởi Cuba đã từng là nạn nhân của rất nhiều âm mưu tấn công vào cơ quan đại diện và cán bộ ngoại giao ở nước ngoài.
Nguồn Reuters/Khampha