Thứ Bảy | 19/04/2014 07:10

Đại khủng hoảng 1929-1933

Phần cuối cùng của báo cáo "Lịch sử tài chính qua 5 cuộc khủng hoảng" sẽ đề cập đến cuộc khủng hoảng quan trọng nhất trong thế kỷ 20 - Đại khủng hoảng 1929-1933 xảy ra tại Mỹ.
Đại khủng hoảng 1929-1933 bắt đầu khi những vấn đề đơn giản lại được xử lý một cách sai lầm bởi một NHTW non trẻ. Tuy nhiên, làn sóng cuốn trôi các ngân hàng như hình minh họa dưới đây lại xuất phát từ bản thân nội tại của nền tài chính - phát triển nóng và vô vàn rủi ro. Ở chiều tác động ngược lại, bản thân cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử cũng giúp định hình nền tài chính hiện đại. Bài học lớn được rút ra từ cuộc khủng hoảng đó là, dẫu cho NHTW đã tồn tại nhưng chốt chặn cuối cùng của nền kinh tế khi các ngân hàng khi sụp đổ phải là một tổ chức khác - bảo hiểm tiền gửi. Cuối cùng, người ta rút ra rằng, thật khó để thay đổi cách đối phó của Chính phủ thời kỳ hậu khủng hoảng - dẫu luôn có cơ hội để thay đổi nhưng lựa chọn phổ biến của các Chính phủ vẫn là sự can dự sâu sắc hơn vào nền tài chính.

gafin

Cho tận đến đêm ngay trước sự sụp đổ năm 1929 - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất mà Mỹ từng phải đối mặt, mọi thứ vẫn còn đang là màu hồng. Công nghiệp ô tô và xây dựng tăng trưởng nhộn nhịp trong những năm 1920 và với việc làm ổn định mà hai ngành kinh tế thịnh vượng nhất tạo ra, tiền lương và tiêu dùng của người dân Mỹ đều đã được cải thiện. Năm 1925, hãng xe hơi Ford đạt sản lượng sản xuất trung bình 9.000 chiếc ô tô mẫu T mỗi ngày và chi tiêu cho xây dựng nhà mới đạt 5 tỷ USD. Dù vẫn xảy ra những va chạm trên đường đi (sự suy giảm vào năm 1923 và 1926) nhưng động lực tăng trưởng vẫn còn rất mạnh mẽ.

Mọi thứ cũng có vẻ tốt trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 1928, bảng cân đối kế toán tổng hợp của toàn bộ 25.000 ngân hàng Mỹ lên tới 60 tỷ USD. Các tài sản được nắm giữ thận trọng với tỷ lệ cho vay ra là 60%, còn 15% được giữ dưới dạng tiền mặt. Ngay cả 20% dùng để đầu tư chứng khoán cũng có vẻ là một lựa chọn hợp lý khi tỷ lệ nắm giữ chủ yếu là trái phiếu và trong đó, lượng trái phiếu "siêu an toàn" được phát hành bởi Chính phủ đã chiếm hơn một nửa. Những tài sản chất lượng cao như vậy đều được ngân hàng bảo vệ khỏi việc mất giá trị bằng số vốn đệm dự phòng.

gafin

Tuy nhiên vào năm 1920, một Cục Dự trữ Liên bang mới thành lập bắt đầu phải đối mặt với một vấn đề hóc búa: khi giá cổ phiếu và giá hàng hóa trong các cửa hàng bắt đầu biến động trái chiều nhau. Thị trường đã bùng nổ đối với cổ phiếu của các công ty khai thác công nghệ mới như radio, nhôm và máy bay - đã trở nên đặc biệt phổ biến. Nhưng một vài trong số đó bắt đầu đạt kỷ lục về chi trả cổ tức và các nhà đầu tư tiếp tục dồn tiền vào cổ phiếu đó với hy vọng chúng sẽ tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, công việc kinh doanh lại yếu đi và giá tiêu dùng sụt giảm. Và đó là thời gian mà một câu hỏi hóc búa được đặt ra và Fed trở nên khó xử giữa hai sự lựa chọn: liệu sẽ tăng lãi suất để thị trường bớt nóng lại hay giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế? Và cuối cùng, những ai không tham gia vào thị trường mới là người giành phần thắng: NHTW quyết định tăng lãi suất vào năm 1928.

gafin
Đó là một sai lầm thảm họa. Biên độ tăng lãi suất từ 3,5% lên 5% là quá nhỏ để đẩy lùi sự nóng lên của thị trường: giá cổ phiếu tiếp tục tăng vọt đến thời điểm tháng 9/1929, khi chỉ số Dow Jones đạt 381 điểm - mức cao nhất lịch sử cho đến thời điểm đó. Không những vậy, lãi suất tăng còn làm tổn thương những ngành kinh tế đang suy giảm của Mỹ. Cho đến cuối mùa hè năm 1929, các ngành sản xuất đã giảm với tốc độ năm là 45%. Cùng với sự xấu đi của nền kinh tế trong nước, những tin tức bất lợi từ bên ngoài cũng ập đến. Vào tháng 9 năm đó, Sàn giao dịch Chứng khoán London sụp đổ khi Clarence Hatry, trùm lừa đảo trong ngành tài chính bị bắt. Và thế là xu hướng bán tháo bắt đầu. Một cách vô cùng mạnh mẽ: chỉ hơn 2 ngày (28/10-29/10), Dow Jones đã giảm gần 25%. Cho đến ngày 13/11, chỉ số này chỉ còn 198 điểm, giảm 45% trong vòng 2 tháng.

Điều tệ hơn tiếp tục xảy đến khi sự sụp đổ của hàng loạt ngân hàng đã cuốn thành những làn sóng. Làn sóng đầu tiên diễn ra vào năm 1930, khởi đầu bằng sự phá sản của các ngân hàng nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước như Arkansas, Illinois và Missouri. Tổng cộng có 1.350 ngân hàng đã phá sản trong năm đó. Làn sóng thứ hai ập đến những ngân hàng Chicago, Cleveland và Philadelphia - sụp đổ vào tháng 4/1931. Áp lực đến từ bên ngoài càng trở nên tồi tệ cùng với những lo lắng trong nước. Vì Anh rút khỏi chế độ bản vị vàng nên lãi suất tại Anh giảm xuống và đặt áp lực lên các nhà xuất khẩu của Mỹ. Những cơn hoảng loạn trong ngành ngân hàng còn xuất hiện ở Áo và Đức. Khi niềm tin mất dần, người Mỹ lại bắt đầu cất trữ tiền ở nhà. Trong khi chiến dịch mua trái phiếu của Fed chỉ mang lại hiệu quả tạm thời bởi các ngân hàng may mắn sống sót đã ở trong tình trạng hết sức tồi tệ.

Điều này trở nên rõ ràng vào tháng 2/1933. Cuộc hoảng loạn cuối cùng và lần này diễn ra trên quy mô toàn nước Mỹ, bắt đầu bằng những ban bố trong tình trạng khẩn cấp của các ngân hàng. Những ngân hàng đầu tiên phải đóng cửa trong làn sóng lần này là tại Nevada, Iowa, Louisiana và Michigan. Các ngân hàng nội địa có khoản tiền gửi liên ngân hàng tại các ngân hàng New York đã mất 760 triệu USD vào tháng 2/1933. Trong hoàn cảnh đó, thông thường các ngân hàng tại thành phố sẽ quay lại nhờ đến sự hỗ trợ cuối cùng của Fed. Nhưng điều không ai ngờ đến đã xảy ra. Vào ngày 4/3, NHTW đã làm chính xác những gì đã thiết lập để ngăn chặn cuộc khủng hoảng. Fed từ chối cho vay và đóng cửa tất cả các ngân hàng còn sống sót. Fed đã thất bại trong nhiệm vụ của mình là hoạt động như một nguồn quỹ trong mọi tình huống khẩn cấp. Quyết định một tuần dài các ngân hàng phải đóng cửa được ban bố trên toàn nước Mỹ.

Đó là tuần đen tối nhất trong những thời kỳ đen tối của nền tài chính Mỹ. Các nhà quản lý kiểm tra sổ sách của các ngân hàng và hơn 2.000 ngân hàng phải đóng cửa trong tuần đó đã không bao giờ mở cửa trở lại. Sau thời điểm tồi tệ nhất, thì cuối cùng mọi thứ bắt đầu được cải thiện. Nhưng di sản để lại của cuộc Đại khủng hoảng là gần 11.000 ngân hàng phá sản trong giai đoạn 1929-1933, cung tiền giảm hơn 30%. Tỷ lệ thất nghiệp, vốn chỉ 3,2% vào đêm ngay trước cuộc khủng hoảng, thì thời điểm đó đã tăng lên hơn 25% và không thể quay trở lại mức thấp như trước cho đến đầu những năm 1940. Và phải mất hơn 25 năm để Dow Jones trở lại mức đỉnh đã từng đạt được vào năm 1929.

Rõ ràng, cài cách là vô cùng cần thiết trong lúc này. Bước đầu tiên là loại bỏ rủi ro khỏi hệ thống ngân hàng. Trong ngắn hạn, mục tiêu này được thực hiện thông qua lượng cung tiền lớn để cung ứng vốn cho toàn bộ nền kinh tế. Với 1 tỷ USD - tương đương một phần ba quy mô vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng - được cung cấp cho hơn 6.000 ngân hàng trong số 14.000 ngân hàng còn tồn tại. Rủi ro trong tương lại đã bị vô hiệu hóa bởi điều luật mới, những quy tắc Glass-Steagall đã tách các nghiệp vụ trên thị trường chứng khoán ra khỏi những khoản cho vay đơn thuần và trao cho Fed một quyền lực mới để điều tiết đối với các ngân hàng có khách hàng sử dụng tín dụng để đầu tư.

Một cơ quan chính phủ mới được thành lập để đối phó khi một ngân hàng phá sản hoặc các ngân hàng đồng loạt phá sản: Ủy ban Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) ra đời vào ngày 1/1/1934. FDIC giúp làm giảm chi phí khi ngân hàng phá sản bằng cách bảo vệ 2.500 USD tiền gửi của mỗi khách hàng (người gửi tiền). Việc hạn chế mất mát của người gửi tiền sẽ bảo vệ cho thu nhập của họ, cung tiền, cũng như sức mua. Vì người gửi tiền có thể tin vào FDIC nên họ sẽ không xếp hàng đòi rút tiền mỗi khi một rúng động tài chính nhỏ nào đó xảy ra.

Với nhiệm vụ như vậy, FDIC đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình. Các ngân hàng nhanh chóng quảng cáo với người dân rằng, họ đã được FDIC bảo hiểm và khách hàng có thể đến gửi tiền mà không chịu bất kỳ rủi ro nào. Trong 70 năm sau đó, chuyện các ngân hàng phá sản đã trở thành quá khứ. Ngân hàng có thể giảm duy trì thanh khoản vốn gây ra nhiều tốn kém và giảm tỷ lệ vốn đệm theo từng năm. Một hệ thống không hiệu quả của nghiệp vụ tự bảo hiểm đã qua đi và thay thế bằng sự chia sẻ rủi ro với chi phí thấp cho các NHTW và tổ chức bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò như chốt chặn cuối cùng.

Tuy nhiên, đây không phải những gì mà Hamilton đã hy vọng. Ông mong muốn có một hệ thống tài chính giúp cho Chính phủ ổn định hơn, các ngân hàng và thị trường hỗ trợ cho việc vay nợ của Chính phủ để tài trợ cho cơ sở hạ tầng và chi tiêu quân sự ở mức lãi suất thấp. Nhưng vào năm 1934, một hệ thống đối lập với mong muốn của Hamilton đã được tạo ra và bây giờ, công việc của Nhà nước là đảm bảo cho nền tài chính vận hành ổn định chứ không phải điều ngược lại. Bằng việc đặt rủi ro lên vai của những người nộp thuế, sự phát triển của nền tài chính đã tạo ra một thứ trợ cấp bóp méo nền kinh tế, ngay tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản.

Số phận gần đây của những ngân hàng lớn nhất của Mỹ và Anh cho thấy chi phí thực của những khoản trợ cấp này. Năm 2008, trợ cấp Chính phù dành cho Citigroup và RBS Group là rất lớn, khi tổng tài sản của hai tập đoàn này đạt gần 6 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của 150 nước kém phát triển nhất thế giới cộng lại. Trong khi đó, tỷ lệ vốn đệm lại vô cùng mỏng. Khi một ngân hàng phá sản, gói cứ trợ dành cho nó phải lên đến hơn 100 tỷ USD. Tổng chi phí cho cuộc khủng hoảng trong ngành ngân hàng thậm chí còn lớn hơn nhiều khi nền kinh tế lâm vào những rắc rối khác như tăng trưởng chậm lại, nợ cao hơn và ít triển vọng việc làm cho những người nghèo kéo dài nhiều thập kỷ tại một số quốc gia.

Nói vậy không có nghĩa các gói cứu trợ là sai lầm. bởi để cho các ngân hàng khổng lồ phá sản sẽ còn gây tốn kém nhiều hơn thế. Vấn đề không phải là Chính phủ làm gì mà nằm ở việc bàn tay can thiệp của họ thực sự có sức mạnh hay không. Cần phải hiểu rằng, các Chính phủ buộc phải cứu trợ các ngân hàng nghĩa là nhiều bộ phận trong nền tài chính đã được đặt trong sự đánh cược một chiều. Nợ của các ngân hàng là một ví dụ điển hình. Theo ước tính gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng lớn nhất trên thế giới đã được lợi từ những khoản trợ cấp ngầm của chính phủ, với giá trị tổng cộng là 630 tỷ USD trong năm tài khóa 2011-2012. Điều này khiến cho các khoản nợ rẻ hơn và thúc đẩy việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Trong khi đó tại Mỹ, xuất hiện một vài đề xuất đối với Chính phủ - cần hoạt động như chốt chặn cuối cùng trên thị trường thế chấp, vốn đã chịu suy giảm đến 90% trong cuộc khủng hoảng. Một lần nữa, rủi ro này lại được phó thác cho túi tiền quốc gia.

Giải quyết vần đề này đồng nghĩa với việc đặt rủi ro trở lại cho lĩnh vực tư nhân và điều đó yêu cầu sẽ phải đưa ra những sự lựa chọn khó khăn. Loại bỏ khoản nợ cấp mà các ngân hàng đang được hưởng sẽ làm chi phí vay nợ của họ tăng lên, có nghĩa là chủ sở hữu sẽ phải chấp nhận cổ tức ít đi và chi phí tín dụng có thể tăng lên. Còn cắt giảm bảo hiểm tiền gửi quá mức thì đồng nghĩa với việc, các nhà đầu tư cả tin đang đặt số tiền dự trữ của mình vào những ngân hàng khéo thoái thác và có thể sẽ phải gánh chịu thua lỗ lớn.

Vì các nhà quản lý đang thực hiện vòng cải cách mới sau cuộc khủng hoảng gần đây nhất cho nên, họ có một cơ hội để đảo ngược xu hướng cố thủ trong vị thế chi phối nền tài chính của Nhà nước. Nhưng cắt đứt sự hỗ trợ của Chính phủ trong ngành tài chính không phải là điều dễ dàng. Như những câu chuyện về những cuộc khủng hoảng được đề cập trong báo cáo này cho thấy, một trăm năm lịch sử nền tài chính đã được đẩy sang một hướng rẽ khác.

Nguồn Gafin/The Economist/DVO


Sự kiện