Đại gia Thái xây dựng đế chế hàng tiêu dùng nhờ học hỏi người Nhật
Năm 1955, một chàng trai Thái Lan 18 tuổi cảm thấy hoàn toàn choáng ngợp trước sự nhộn nhịp của thành phố Osaka. Một phút trước, anh thấy lóa mắt trước rừng đèn neon ở khu mua sắm nhộn nhịp Shinsaibashi, một phút sau, anh tận mắt nhìn thấy tàu điện ngầm lần đầu tiên trong đời.
Chỉ mới một thập kỷ sau thất bại trong Thế chiến thứ hai, kinh tế Nhật Bản đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
"Tôi nghĩ Thái Lan cũng có thể đạt được những thành tựu kinh tế như vậy bằng cách học hỏi Nhật Bản", Boonsithi Chokwatana, Chủ tịch tập đoàn Saha, đã nói như vậy khi hồi tưởng lại những gì ông đã thấy về sự hồi sinh của Nhật Bản sau chiến tranh. Saha giờ là tập đoàn hàng đầu của Thái Lan trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Kiến thức và kinh nghiệm mà Boonsithi có được trong 6 năm sống tại Nhật để giúp cha mua hàng hóa bán buôn đã trở nên cực kỳ hữu ích: từ đó, ông đã xây dựng nên đế chế kinh doanh bán nhiều loại sản phẩm khác nhau, từ mì ăn liền đến chất tẩy rửa quần áo.
Cha của Boonsithi đã nhận thấy tài kinh doanh của con trai từ sớm. Vì vậy ông đã đưa con đến Nhật để đặt hàng bút mực và thắt lưng kiểu Tây, rồi sau đó chuyển về bán ở quê nhà.
Sau khi trở về Thái Lan, Boonsithi được giao nhiệm vụ dẫn dắt việc mở rộng doanh nghiệp của cha sang hoạt động sản xuất. Năm 1962, Boonsithi tham gia vào việc thiết lập một nhà máy sản xuất dầu gội đầu ở Thái Lan với nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu Nhật Bản Lion.
Kể từ đó, ông đã trở thành đối tác và cố vấn chính cho nhiều công ty Nhật Bản mở rộng sang Thái Lan. Vì các công ty phương Tây tỏ ra ít quan tâm đến một doanh nghiệp nhỏ của Thái Lan, nên Boonsithi đã tập trung xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Quan trọng hơn, ông đã rất ấn tượng với nền đạo đức doanh nghiệp của giới kinh doanh Osaka, những người đặt ưu tiên hàng đầu trong việc chiếm được lòng tin và duy trì chúng trong lòng khách hàng cũng như đối tác.
Sau khi mở rộng sang hoạt động sản xuất, Boonsithi đã phát hiện được nhu cầu về đồ lót của phụ nữ Thái, vốn cũng đang ngày càng ưa chuộng mỹ phẩm. Ông cảm nhận được rằng thẩm mỹ của người Thái đã thay đổi.
Sử dụng các mối quan hệ mà ông đã xây dựng được trong những năm ở Osaka, Boonsithi đã gặp được Koichi Tsukamoto, người sáng lập Wacoal Holdings, hãng sản xuất đồ lót hàng đầu của Nhật Bản.
Boonsithi đã mất ba năm mới thuyết phục được Tsukamoto đồng ý thành lập liên doanh với công ty của ông ở Thái Lan, mang tên Thai Wacoal. Tuy nhiên, sau khi hợp tác, việc kinh doanh đồ lót của Boonsithi với Wacoal đã có một khởi đầu ảm đạm. Hóa ra phụ nữ Thái Lan không có cùng thị hiếu và sở thích giống phụ nữ Nhật Bản. Vì vậy, doanh số bán hàng của công ty đã bị ảnh hưởng.
Ông nhận ra rằng phụ nữ Thái Lan lúc đó thích cơ thể họ trông đẫy đà hơn so với bình thường. Ông bắt đầu đến các khu nghỉ mát để lấy số đo cơ thể họ. Hàng trăm người đã đồng ý yêu cầu này.
Cuối cùng, Thai Wacoal đã đưa ra một dòng sản phẩm đồ lót mới phù hợp với thị hiếu người Thái. Doanh số bán hàng dần tăng trưởng. Các cửa hàng bách hóa lớn, vốn chỉ quan tâm đến đồ lót của châu Âu, đã bắt đầu bán các sản phẩm của Boonsithi.
Ngày nay, Thai Wacoal vẫn là một trong những nhà sản xuất đồ lót hàng đầu của Thái Lan.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, Boonsithi đã thành lập hơn 80 liên doanh với các công ty Nhật Bản, trong số này có hãng Kewpie nổi tiếng với sản phẩm sốt mayonnaise; nhà sản xuất đồ thể thao Mizuno và chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson.
Tháng trước, ông đã hợp tác với World, một công ty may mặc hàng đầu của Nhật, để mở cửa hàng Takeo Kikuchi đầu tiên tại Thái Lan.
"Ông ấy nuôi dưỡng các hoạt động kinh doanh trong dài hạn", Makoto Iida, người sáng lập công ty cung cấp dịch vụ an ninh Secom, đã nói như vậy về Boonsithi. Ông Makoto cũng thấy Boonsithi có chung điểm này với người Nhật.
Một nhân tố quan trọng đằng sau sự thành công của Saha là tình cảm của nhiều người Thái Lan đối với Nhật Bản.
Trong cuộc điều tra do Viện Hakuhodo về Lối sống ASEAN tiến hành vào năm ngoái, 60% số người Thái được hỏi cho biết họ thích Nhật Bản, so với 30% thích Hàn Quốc và 20% người thích Trung Quốc.
Nhưng thời đại mà Nhật Bản là hình mẫu phát triển của châu Á đã qua đi. Giờ đây, châu Á đã phát triển hơn, Saha cũng mở rộng phạm vi hợp tác. Doanh nghiệp này đang hợp tác sản xuất thiết bị gia dụng với Samsung Electronics của Hàn Quốc và sẽ mở cửa hàng tại Thái Lan đầu tiên cho thương hiệu Yishion, thường được gọi là Zara hay Uniqlo của Trung Quốc.
"Trong thời đại có nhiều hướng đi để phát triển, Nhật Bản không nhất thiết phải là giải pháp tốt nhất", Takamasa Fujioka, giám đốc Trung tâm Sasin Nhật Bản tại Đại học Chulalongkorn nói.
Nhật Bản giờ đây không còn giữ được sự thống lĩnh về cạnh tranh và công nghệ với các nước châu Á khác như trước. Tuy vậy, Boonsithi vẫn coi đất nước này là một đối tác quan trọng của Đông Nam Á vì những điểm tương đồng về văn hoá. Ông chỉ ra rằng, ở cả Nhật Bản và Đông Nam Á, điều tối quan trọng là đặt niềm tin ở nhau.
Thời kỳ tới sẽ có một Nhật Bản bình đẳng hơn với các nước đang phát triển ở châu Á. Ông Boonsithi nói: "Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ phải hợp tác nhiều hơn với các nước ASEAN để cùng tham gia vào tiến trình hội nhập toàn cầu. Chúng ta đang trong một kỷ nguyên hòa hợp và thịnh vượng".
An Phong
Nguồn Nikkei