Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: FT
Đại dịch COVID-19 sẽ thay đổi vĩnh viễn trật tự thế giới
Tổng hợp/ lược dịch bài viết của tác giả Henry Kissinger đăng trên VOLTAIRE NETWORK
Bầu không khí khác lạ của đại dịch COVID-19 khiến tôi nhớ lại cảm giác của mình khi còn là cậu lính trẻ thuộc sư đoàn 84 bộ binh Lục quân Hoa Kỳ tại chiến trường Bulge. Thế giới hiện giờ, cũng giống như thời điểm cuối năm 1944, lơ lửng một mối nguy hiểm đang phôi thai, không nhằm vào một cá nhân cụ thể nào, nhưng có thể chộp giữ bất kỳ ai, với tác hại khôn lường. Tuy nhiên, thời xa xưa đó với thời điểm hiện tại của chúng ra có một sự khác nhau rất quan trọng. Sức chịu đựng của nước Mỹ lúc đó được hun đúc bởi một mục đích quốc gia tối thượng. Giờ đây, tại một quốc gia bị chia rẽ, cần thiết phải có một chính phủ hiệu quả và có tầm nhìn xa để có thể khắc phục được các trở ngại chưa từng có trong lịch sử, cả về quy mô toàn cầu lẫn tầm quan trọng. Duy trì được niềm tin của công chúng là vô cùng quan trọng đối với sự đoàn kết của mỗi quốc gia cũng như với mối quan hệ giữa các quốc gia với nhau cùng với hòa bình và ổn định quốc tế.
Các quốc gia gắn kết và phồn vinh bởi niềm tin rằng thể chế của họ có thể dự báo trước các thảm họa, hạn chế ảnh hưởng của chúng và thiết lập lại sự ổn định. Khi đại dịch COVID-19 kết thúc, các thể chế của rất nhiều quốc gia sẽ được coi là đã thất bại. Lời phán xét này có công bằng một cách khách quan hay không không có ý nghĩa gì ở đây. Thực tế là thế giới sẽ không bao giờ được như cũ sau đại dịch COVID-19. Lúc này mà còn tranh luận về quá khứ chỉ khiến việc thực hiện những việc cần phải làm khó hơn.
Virus Corona lây nhiễm, tác động đến loài người với quy mô và tác hại chưa từng có. Đại dịch đang bùng phát theo cấp số mũ: số ca nhiễm ở Mỹ cứ 5 ngày tăng lên gấp đôi. Tại lúc tôi đang viết bài này, vẫn chưa có thuốc chữa. Thiết bị y tế không còn đủ để đương đầu với các đợt nhiễm mới đang lan rộng. Các phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) đã thực sự quá tải. Xét nghiệm hiện còn chưa đủ sức để thực hiện được nhiệm vụ xác định mức độ lây nhiễm trong cộng đồng, chứ đừng nói đến việc ngăn chặn lây nhiễm. Vaccine, nếu thành công, cũng phải mất 12 đến 18 tháng nữa mới có.
Chính phủ Mỹ đã làm tương đối tốt (a solid job) việc tránh một thảm họa tức thời. Bài kiểm tra cuối cùng sẽ là liệu sự lây lan của virus có được kiềm giữ, sau đó được khắc phục và với quy mô đủ khiến công chúng còn giữ được niềm tin vào khả năng tự quản trị của người Mỹ. Các nỗ lực xử lý khủng hoảng, dù to lớn và cần thiết đến đâu, cũng không nên chiếm mất trọng tâm của một nhiệm vụ khẩn thiết khác: đồng thời bắt tay chuẩn bị cho việc quá độ sang trật tự mới của thời hậu virus Corona.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang xử lý khủng hoảng một cách riêng lẻ từng quốc gia. Nhưng với bản chất phân hủy xã hội, virus không phân biệt biên giới. Mặc dù sự tấn công vào sức khỏe loài người của virus Corona có thể chỉ là tạm thời (hy vọng vậy), sự biến động về chính trị và kinh tế mà nó gây ra có thể kéo dài nhiều thế hệ. Không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể khắc phục hậu quả của virus này hoàn toàn bằng nỗ lực của riêng quốc gia mình. Thực hiện các việc cần phải làm, cuối cùng, sẽ phải đi cùng với một tầm nhìn và chương trình hợp tác toàn cầu. Nếu chúng ta không làm hai việc đó đồng thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với hậu quả xấu nhất của cả hai!
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh: CNBC |
Đúc rút từ những bài học của Kế hoạch Marshall và Dự án Manhattan, chính phủ Mỹ có nhiệm vụ phải nỗ lực hành động trên 3 mặt:
THỨ NHẤT, ủng hộ các nỗ lực chống đại dịch toàn cầu. Những thành tựu khoa học trong ngành y như tìm ra vaccine chống bại liệt, triệt bỏ bệnh đậu mùa, hoặc những huyền thoại trên cơ sở thống kê kỹ thuật về khả năng chẩn đoán bệnh bằng A.I (trí tuệ nhân tạo) đã ru chúng ta vào sự tự mãn nguy hiểm. Chúng ta cần phát triển các kỹ thuật và công nghệ mới trong việc kiểm soát lây nhiễm và có đủ vaccine cho số đông dân chúng. Thành phố, tiểu bang và khu vực cần nhất quán chuẩn bị cho việc bảo vệ người dân của mình nếu xảy ra đại dịch như: tích trữ thuốc, trang thiết bị, lên kế hoạch hợp tác và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
THỨ HAI, nỗ lực hàn gắn các vết thương của kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã học được những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay phức tạp hơn thế: sự co giảm kinh tế do virus Corona gây ra, với tốc độ và quymô toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử. Các biện pháp y tế cộng đồng như giãn cách xã hội, đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh góp phần làm nặng thêm vết đau kinh tế. Cần có các chương trình tìm cách cải thiện ảnh hưởng của đại dịch đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm ngăn chặn sự hỗn loạn đang chờ chực.
THỨ BA, bảo vệ các nguyên tắc của trật tự thế giới tự do. Nền tảng của chính phủ hiện đại khởi nguồn từ một thành phố được tường lũy bao bọc, được bảo hộ bởi những nhà cai trị quyền lực, có thời tàn ác, có thời nhân từ, nhưng luôn đủ mạnh để bảo vệ dân mình khỏi giặc ngoại bang. Các nhà tư tưởng Khai Sáng đã khái quát hóa lại khái niệm này với lập luận rằng mục đích của một nhà nước hợp pháp chính là để đáp ứng các nhu cầu căn bản của con người: an ninh, trật tự, công lý và phúc lợi kinh tế vì tự mỗi cá nhân không thể có được những điều này. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một bước lùi của nhân loại, làm sống lại một thành phố bị cô lập bởi tường lũy bảo vệ trong thời đại sự thịnh vượng chung phụ thuộc vào thương mại toàn cầu và sự di chuyển tự do của con người.
Các quốc gia dân chủ của thế giới cần bảo vệ và duy trì những giá trị Khai Sáng của mình. Sự thoái lui toàn cầu khỏi mục tiêu cân bằng quyền lực và tính chính danh sẽ khiến các giao kết xã hội tan rã tại cả từng quốc gia lẫn quốc tế. Tuy nhiên vấn đề của thiên niên kỷ hiện tại về tính chính đáng và quyền lực không thể được đồng thời giải quyết cùng lúc với nỗ lực khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. Tất cả các bên đều cần phải kiềm chế, trên chính trường trong nước lẫn chính trường ngoại giao quốc tế. Chúng ta cần thiết lập các ưu tiên của mình!
Chúng ta đã bước từ trận chiến Bulge vào một thế giới ngày càng thịnh vượng và nhân phẩm con người ngày càng được coi trọng. Giờ đây chúng ta đang sống trong thời khắc mở ra một kỷ nguyên mới. Thách thức lịch sử đối với các nhà lãnh đạo thế giới hiện nay là phải quản lý được khủng hoảng cùng lúc với tạo dựng tương lai. Thất bại trước thách thức này sẽ làm thế giới bùng cháy.