Đã tới lúc để quên đi “Thế kỷ châu Á”?
Nhiều người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, đã từ lâu rất hứng thú với triển vọng đầu tư vào phương Đông, với nhiều dự đoán rằng sớm muộn rồi cũng sẽ có một “thế kỷ châu Á” đánh dấu bằng đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng và sự thống lĩnh thị trường của các nền kinh tế Á Đông. Tuy vậy, nhà tư vấn người Mỹ A. Gary Shilling, vốn có 50 năm kinh nghiệm và nhiều lần dự báo đúng các diễn biến của thị trường, gần đây đã bày tỏ ý kiến trên Bloomberg rằng ông rất nghi ngờ rằng liệu điều này có còn khả thi hay không.
Nhật Bản đã từng khiến người phương Tây kinh ngạc với tốc độ phục hồi thần kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Việc các công ty Nhật mua lại hàng loạt bất động sản siêu sang tại Mỹ như sân golf Pebble Beach ở California và Rockefeller Center ở Manhattan vào những năm 1980, cộng thêm đà tăng giá chóng mặt khi đó của bất động sản và chứng khoán ở Nhật Bản, đã khiến nhiều người cho rằng Nhật Bản sẽ sớm thống lĩnh thế giới.
Việc nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái vào đầu những năm 1990 đã khiến nhiều người không còn lạc quan như vậy nữa về nước Nhật, nhưng nó cũng không làm giảm đi sức quyến rũ của Châu Á. Nó chỉ đơn giản chuyển sự chú ý sang những nền kinh tế tăng trưởng nhanh, còn được mệnh danh là “những con hổ châu Á”. Ban đầu nhóm này có 4 nước là Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, về sau thêm Malaysia, Thái Lan, Phillippines, Trung Quốc, và gần đây lại có tiếp Pakistan, Việt Nam, Indonesia và Bangladesh. Cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối những năm 1990 cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến kỳ vọng về “thế kỷ Châu Á”.
Đại suy thoái những năm 2007-2009 và khủng hoảng tài chính đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng nhanh tại các nước phương Tây, và từ đó kéo theo đà sụt giảm xuất khẩu của các nền kinh tế đang phát triển. Tuy nhiên, sự hào hứng của giới đầu tư phương Tây với các nước châu Á vẫn còn đó, với niềm tin rằng các nước mới nổi sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bù đắp lại sự trì trệ tại Mỹ và châu Âu. Theo Shilling, điều này là “chẳng có lý do logic gì cả”.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế thực hàng năm của Trung Quốc đã lao dốc từ mức hai con số xuống 6,3% trong giai đoạn suy thoái sau khủng hoảng tài chính 2008, sau đó tăng trưởng trở lại nhờ chương trình kích thích khổng lồ năm 2009. Điều đáng lo ngại với Trung Quốc là dư nợ tín dụng tăng lên đã đẩy giá bất động sản và lạm phát lên cao, chi tiêu hạ tầng vô tội vạ trở thành động lực tăng trưởng thay thế cho xuất khẩu. Cũng như trường hợp nhiều “con hổ châu Á” khác trước đây, nhiều người cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn bền vững và không có liên hệ với tình trạng kinh tế trì trệ tài Mỹ và Châu Âu, đặc biệt sau khi GDP của Trung Quốc vượt qua Nhật Bản vào năm 2009.
Theo Shilling, đây là 5 lý do cho thấy chặng đường phía trước của Châu Á sẽ rất khó khăn:
1. Quá trình toàn cầu hóa gần như đã hoàn tất
Hoạt động sản xuất tại Mỹ và Châu Âu đã giảm xuống ngưỡng tối thiểu, và họ không còn nhu cầu chuyển tới các nền kinh tế đang phát triển nhằm tận dụng lợi thế chi phí thấp. Đồng thời, thị trường phương Tây đang bão hòa với hàng hóa xuất khẩu từ Châu Á, dẫn tới sự cạnh tranh gắt gao để giành được thị phần nhập khẩu. Kể từ năm 2014 tới nay, kim ngạch nhập khẩu hàng châu Á vào Mỹ đã bắt đầu giảm, từ mức 1.017 tỷ USD năm 2014 xuống còn 985 tỷ trong năm 2016.
Hoạt động xuất khẩu tại châu Á cũng đang có sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước nghèo hơn như Pakistan và Bangladesh, tương tự như những gì đã xảy ra với Nhật Bản nhiều thập kỉ trước. Ngoài ra, khi một nền kinh tế trở nên phát triển hơn, phần lớn chi tiêu là dành cho dịch vụ, còn chi tiêu cho hàng hóa sẽ ít đi. Điều này sẽ giảm tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của các nước Châu Á, ngay cả khi kinh tế Mỹ và một số nước phương Tây khác ở trên đà phục hồi.
2. Chuyển dịch động cơ tăng trưởng từ xuất khẩu sang chi tiêu nội địa đang diễn ra rất chậm
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đang muốn thực hiện sự chuyển dịch này, nhưng thực tế tốc độ diễn ra rất chậm. Chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc chỉ chiếm 37% GDP, thấp hơn rất nhiều các nước phát triển như Mỹ với 68,1%, Nhật (58,6%), và ngay cả Nga (51,9%).
3. Bất ổn chính trị
Tại Malaysia, thủ tường Najib Razak vẫn đang vướng vào vụ bê bối trị giá hàng tỷ USD quanh công ty đầu tư quốc doanh 1MDB. Tại Philippines, tội phạm và buôn lậu ma túy đang hoành hoành, tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của “tổng thống cao bồi” Rodrigo Duterte. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thì vừa bị phế truất vì các cáo buộc tham nhũng, và mới bị bắt giam vào cuối tuần qua.
4. Vấn đề về dân số
Mặc dù nhu cầu nhân công tại Nhật Bản tăng lên do dân số nước này giảm và tỷ lệ người già gia tăng, phụ nữ Nhật vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong quá trình tìm việc, bên cạnh đó nước Nhật vẫn không hào hứng gì với lao động nước ngoài và người nhập cư. 83% các doanh nghiệp tại Nhật Bản gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, so với mức trung bình trên toàn thế giới là 38% trong 5 năm trở lại đây.
Trung Quốc cũng đang thiếu hụt nhân công, do ảnh hưởng của chính sách một con trước đây khiến khoảng 400 triệu đứa trẻ không được chào đời. Tỷ lệ sinh thấp cũng làm giảm dân số tại Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc. Trong khi đó, dân số vẫn đang bùng nổ tại một số nước Châu Á như Indonesia và Ấn Độ, vốn được cho là sẽ qua mặt Trung Quốc vào năm 2022.
5. Nguy cơ xung đột tăng cao
Tình hình mâu thuẫn trên biển Đông vẫn còn đó, dẫn tới sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Cùng lúc đó, chính phủ Nhật Bản đang từng bước cải thiện năng lực quân sự, và tìm cách dỡ bỏ các rào cản hiến pháp về hoạt động quân sự ở nước ngoài. Nga cũng đang gia tăng chi tiêu quân sự. Châu Á hiện đã có 4 nước có vũ khí hạt nhân là: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, và CHDCND Triều Tiên.
Theo Shilling, “thế kỷ châu Á vẫn có thể sẽ đến”, nhưng đừng hy vọng nhiều. Các nước phương Tây đã mất hàng trăm năm để xây dựng thể chế, luật lệ và tầng lớp trung lưu đủ lớn để có thể hỗ trợ kinh tế trong nước, những điều mà nhiều nước châu Á hiện vẫn chưa có.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg