Thứ Bảy | 05/01/2013 16:53

Đà phục hồi kinh tế Mỹ sau suy thoái 2008 chậm nhất 60 năm

Trải qua 4 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn khá yếu.
Đầu tàu kinh tế Mỹ đã trải qua tổng cộng 10 cuộc suy thoái trong giai đoạn 1950-2012. Sự suy giảm trung bình tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của các cuộc suy thoái này là 1,7%. Trong đó, cuộc suy thoái năm 2008-2009 có mức suy giảm GDP lớn nhất với 4,6%.

Nếu như sau 9 cuộc suy thoái trước, kinh tế Mỹ nhanh chóng lấy lại đà phục hồi thì sau cuộc suy thoái gần đây nhất, đà phục hồi kinh tế chậm lại đáng kể.

Mỹ là nước bắt nguồn đồng thời là trung tâm của cuộc suy thoái năm 2008. Theo cách xác định suy thoái là 2 quý liên tục có GDP giảm thì kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái bắt đầu từ quý III năm 2008 với mức giảm lớn kỷ lục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuộc khủng hoảng bắt nguồn ở Mỹ đã nhanh chóng lan sang các nước phát triển khác, trong đó Đức và Nhật Bản là những nước có tốc độ GDP giảm mạnh nhất và rơi vào suy thoái kể từ quý II/2008. Năm 2009, GDP của Đức giảm 6,2% trong khi của Nhật Bản giảm 6%.

Các nước châu Á cũng là những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất do phát triển kinh tế theo định hướng xuất khẩu. Suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới đã làm GDP của các nước này đang từ chỗ tăng tới 5,1% trong năm 2007, chỉ tăng 1,5% trong năm 2008.

Trung bình, đà phục hồi GDP thực tế trong 9 cuộc suy thoái đầu tiên nhanh hơn đáng kể so với cuộc suy thoái năm 2009.
Trung bình, đà phục hồi GDP thực tế của Mỹ trong 9 cuộc suy thoái đầu tiên nhanh hơn đáng kể so với cuộc suy thoái năm 2009.

Sau 4 năm, kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm với tốc độ tăng trưởng thực tế của Mỹ quý I/2012 đạt mức 2,4% (so với cùng kỳ năm trước), giảm xuống 2,1% trong quý II/2012.

Không chỉ đà phục hồi của Mỹ yếu đi mà nhìn chung sau 4 năm kể từ cuộc suy thoái 2008, bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn bao phủ một màu u ám. Trong khi tốc độ phục hồi của những nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... còn rất mong manh thì các nền kinh tế mới nổi ở châu Á - khu vực vốn được xem là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, bắt đầu chững lại do chịu sự tác động của tình trạng suy giảm chung.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dự báo kinh tế châu Âu sẽ tiếp tục ảm đạm trong hai năm tới với tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) giảm 0,5% năm 2012 và giảm 0,3% năm 2013 trước khi có thể tăng nhẹ 1,2% vào năm 2014 nhờ chính sách lãi suất thấp, lòng tin được cải thiện và nhu cầu toàn cầu tăng.

Trong khi châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng nợ công, tốc độ phục hồi của nền kinh tế Mỹ chậm hơn nhiều so với dự báo, thậm chí nền kinh tế số một thế giới hiện đang bên bờ vực của sự suy thoái.

Cùng lúc đó, số liệu của văn phòng nội các Nhật Bản xác nhận rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đã tăng trưởng âm trong quý III năm nay càng làm dấy lên những lo ngại rằng nước này đang trượt dần vào suy thoái.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nỗi lo về đà phục hồi kinh tế chậm lại của Mỹ, nguy cơ suy thoái tại Nhật Bản, đà hồi phục kinh tế toàn cầu chậm lại, cộng thêm những thách thức về cơ cấu, đầu tư yếu đi và sản lượng dư thừa đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguồn Tổng hợp/Khampha


Sự kiện