Thứ Tư | 06/06/2012 13:58

Đã đến lúc Chính phủ Trung Quốc mở hầu bao cứu nền kinh tế

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang khó khăn về nguồn vốn, do đó, để duy trì tăng trưởng, chính phủ nước này cần hỗ trợ họ.
Sau gần 2 thập kỷ kinh tế Trung Quốc tăng nóng, đà tăng trưởng này bắt đầu chững lại. Chính phủ Trung Quốc và các hộ gia đình ở đây thận trọng hơn về vấn đề tài chính, bớt chi tiêu, tăng tiết kiệm. Trong khi đó, số doanh nghiệp mắc nợ ở Trung Quốc lên cao nhất từ trước đến nay.

Vay nợ ở khu vực tư nhân tính trên GDP đến cuối năm ngoái là 131%, theo số liệu của Standard & Poor’s (S&P). Mặc dù tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với 200% ở Mỹ hay Anh, nhưng lại cao bất thường đối với một nước đang phát triển – nơi mà tỷ lệ này chỉ gần 50%.

Đáng lo ngại hơn, là  tốc độ gia tăng nợ ở Trung Quốc - một chỉ báo quan trọng cho tình hình tài chính quốc gia. Tỷ lệ tín dụng trên GDP ở khu vực tư nhân của Trung Quốc tăng khoảng 25% trong vòng 3 năm qua, khiến Trung Quốc đối mặt với rủi ro tín dụng cao, S&P cảnh báo.

Chính phủ Trung Quốc không phải không nhận thấy những rủi ro này. Họ đã dùng mọi công cụ trong năm vừa qua để thắt chặt tiền tệ. Những chính sách này một mặt có hiệu quả, thể hiện ra là, hoạt động cấp vốn qua ngân hàng năm qua giảm mạnh. Tuy nhiên, mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ lại tìm đến các nguồn vốn vay không chính thống với lãi suất cắt cổ để duy trì hoạt động trong ngắn hạn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn hơn, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thép chấp nhận đi vay với mức ký quỹ cao gấp nhiều lần thông thường hoặc gian lận bảo lãnh tín dụng.

Các cách lách kiểm soát cho vay đối với doanh nghiệp nêu trên giải thích tại sao tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chững lại.

Khi nguồn vốn vay giảm, các doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu tìm cách hoàn tất nghĩa vụ trả nợ không phải thông qua tái cấp vốn mà bằng cách bán tài sản. Chuyên gia phân tích ngân hàng đầu tư China Capital, Zhao Yang, cho rằng, nhu cầu tái cấp vốn các khoản nợ doanh nghiệp đang giảm, các khoản nợ dài hạn giảm trong khi xu hướng tiêu thụ hàng tồn kho tăng.

Trong bối cảnh gánh nặng nợ nần chồng chất ở khối doanh nghiệp Trung Quốc, xu hướng trả nợ này một mặt là dấu hiệu tốt, nhưng mặt khác cũng làm chậm đà tăng trưởng của Trung Quốc.

Sau khi tăng trưởng 9,1% trong quý I, kinh tế Trung Quốc có xu hướng chậm lại trong quý này. Do đó, Chính phủ Trung Quốc không nên để doanh nghiệp tự xoay sở với gánh nặng nợ nần lên. Khi các doanh nghiệp học cách để kiểm soát chi tiêu, đã đến lúc Chính phủ Trung Quốc phải mở hầu bao của mình để hỗ trợ.

Nguồn FT/DVT


Sự kiện