Cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí lớn nhất Trung Quốc hầu tòa
Trung Quốc hôm nay (13/4) đã tiến hành xét xử ông Tưởng Khiết Mẫn, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC).
Tờ Wall Street Journal cho biết, ông Tưởng Khiết Mẫn - người còn từng có một thời gian ngắn đứng đầu cơ quan quản lý tài sản quốc doanh thuộc Chính phủ Trung Quốc - sáng nay đã ra trước tòa án trung thẩm ở thành phố Hàm Giang.
Tài liệu của tòa án đăng tải trên mạng Internet cho biết, ông Tưởng đối mặt với các tội danh liên quan tới nhận hối lộ, nắm giữ một lượng tài sản lớn không rõ nguồn gốc, và lạm dụng quyền lực khi giữ vai trò lãnh đạo ở doanh nghiệp nhà nước.
Chi tiết của các tội danh này không được công bố cụ thể.
Trong một thông báo ngắn được đưa ra, tòa án cho biết ông Tưởng đã vào phòng xử án cùng với một luật sư chưa được công bố danh tính. Kể từ khi bị bắt cách đây 19 tháng, ông Tưởng chưa hề đưa ra một tuyên bố trực tiếp hay thông qua luật sư.
Vào tháng 9/2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra thông báo nói ông Tưởng bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật - cụm từ thường được dùng để chỉ tội tham nhũng. Thông báo này đánh dấu cú “ngã ngựa” của ông Tưởng, một vị quan chức quyền lực trong đảng. Sau đó, ông Tưởng bị khai trừ đảng và chính thức bị buộc tội hình sự.
Lần xuất hiện trước tòa hôm nay cũng là lần xuất hiện đầu tiên của ông Tưởng kể từ khi bị bắt.
Vụ xét xử ông Tưởng được đánh giá là quan trọng một phần bởi ông Tưởng có mối quan hệ thân cận với cựu Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cựu Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị nước này Chu Vĩnh Khang, người mới đây cũng đã bị buộc tội tham nhũng và đang chờ ngày xét xử.
Chu Vĩnh Khang cũng từng là Chủ tịch CNPC và có thời làm việc cùng với ông Tưởng ở tập đoàn dầu khí này.
Phiên tòa xét xử Chu Vĩnh Khang dự kiến sẽ diễn ra trong vài tháng tới. Trong khi đó, việc đưa Tưởng Khiết Mẫn ra xét xử được cho là bất ngờ, bởi dù tội danh của ông này đã được công bố từ trước, nhưng ngày xét xử của ông chưa hề được công bố.
Theo công bố của tòa án, có tổng cộng 76 người tham dự phiên xét xử ông Tưởng sáng nay, bao gồm một số chính trị gia đại diện cho cơ quan lập pháp trung ương và địa phương, cùng với một ban cố vấn chính phủ, giới truyền thông, và người dân. Tòa án không nói rõ phiên tòa xét xử có thể kéo dài bao lâu.
Nguồn VnEconomy