Cuộc sống ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Giá để thuê một chiếc ôtô tự lái thường sẽ là 90 USD/ngày, còn với dòng xe SUV (được khuyến cáo dùng do tình trạng đường xá không tốt ở nước này) sẽ phải mất tới 200 USD.
Đắt không tưởng
Khi Wina Miranda chuyển từ Indonesia sang Luanda vào năm 2008, cô đã biết rằng giá cả ở đây sẽ đắt đỏ hơn nhưng không biết rằng sẽ đến mức nào. Wina cho biết phí sinh hoạt của gia đình chủ yếu là hàng hóa cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
"Gia đình tôi tiêu khoảng 2.000 USD mỗi tháng mặc dù chúng tôi không hề uống rượu", cô còn than phiền rằng thịt và rau củ là hai loại có giá đắt nhất. Chúng tôi là người châu Á nên ăn rất nhiều giá đỗ nhưng ở đây 1 túi có giá tới 6 USD còn thịt bò có khi giá tận 45 USD/kg và toàn là hàng đông lạnh chứ không phải đồ tươi", cô nói.
Kỹ sư viễn thông người Bồ Đào Nha Fernando Azvedo, đã cùng vợ sinh sống ở Luanda từ năm 2010 cho biết chỉ có vài thứ là có giá hợp lý như bia (60 cent 1 chai), thuốc lá (1,5 USD/bao) và nhiên liệu - 40 cent/lít dầu diesel.
Hàng tháng anh phải trả 5.000 USD tiền thuê nhà - số tiền này được công ty trợ cấp, ngoài ra anh cho biết có thể dễ dàng tiêu tốn đến 200 USD chỉ để có một bữa ăn bình thường với vợ ở ngoài cùng với một chút đồ uống.
Sao một thành phố như Luanda lại đắt đỏ đến vậy?
Lý do chính là Angola vừa phải trả qua một thời kỳ nội chiến dài từ năm 1975, khi đất nước dành quyền tự chủ từ Bồ Đào Nha và kéo dài tới tận năm 2002.
Trong suốt thời gian đó hầu hết các ngành công nghiệp, nông nghiệp trong nước đều phải tạm ngưng sản xuất và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường xá, đường sắt, hệ thống điện nước đều bị hư hỏng nặng.
Từng là một nước xuất khẩu cà phê và vải lớn và tự cung tự cấp trong lương thực, nhưng hiện tại Angola phải nhập khẩu hơn 80% hàng tiêu dùng.
Mỗi hộp thực phẩm được mua ở Angola đều bao gồm rất nhiều chi phí liên quan để có thể đưa hộp thực phẩm đó vào Angola và nằm trên kệ bán của siêu thị.
Jose Severino, chủ tịch Hiệp hội công nghiệp (AIA), nhận xét, "Chúng ta có nguồn điện không ổn định nên cần máy phát điện, hệ thống giao thông lạc hậu và nguồn nhân lực yếu kém tất cả các vấn đề đó đã đẩy giá hàng nội địa tăng cao, có nghĩa là hàng nhập khẩu vẫn còn có giá thành rẻ hơn so với hàng trong nước".
"Cho đến khi việc này còn tiếp diễn và thuế vẫn cao và nạn quan liêu còn diễn ra thì không thể thúc đẩy việc sản xuất trong nước và giá cả sẽ không thể giảm".
Quay lại thời kỳ tự cung tự cấp
Wina Miranda, cũng là một kỹ sư môi trường như chồng cô nhưng không làm việc tại Luanda, cho biết cô cũng như những người khác phải học cách tự xoay xở để đối mặt với giá cả ở đây. Cô luôn mang về một thùng thức ăn có thể để lâu sau mỗi lần về thăm nhà và gần đây cô còn phát hiện một trang trại của người Trung Quốc bán rau củ ngon với giá rẻ.
Nguồn VEF