Thứ Bảy | 30/08/2014 13:24

Cuộc khủng hoảng thực ở Trung Đông

Xung đột liên miên ở Trung Đông đang đẩy khu vực này tách ra khỏi nền kinh tế thế giới.
Khu vực này hiện chỉ chiếm trên 4% trong tổng lượng nhập khẩu toàn cầu, ít hơn khối lượng nó thực hiện năm 1983. Trong khi đó, riêng Đức con số này chiếm 6,4%.

Sự trì trệ kinh tế của Trung Đông được minh họa một cách sinh động bằng phép so sánh với các nền kinh tế châu Á. Theo Ngân hàng thế giới, năm 1965, GDP tính theo đầu người của Ai Cập là 406 USD, trong khi của Trung Quốc chỉ là 110 USD.

Ngày nay (vẫn lấy đồng đôla làm chuẩn), GDP của Ai Cập tăng gấp bốn lần lên 1.566 đôla, nhưng ngược lại con số này của Trung Quốc đã tăng gấp 30 lần, đạt 3.583 đôla. Tương tự như vậy, Iran và Hàn Quốc có GDP đầu người xấp xỉ nhau năm 1965, giờ số liệu này của Hàn Quốc là 24.000 USD so với chỉ 3.000 USD của Iran.

Các nền kinh tế của Trung Đông không chỉ bị tách ra khỏi kinh tế toàn cầu, mà còn bị tách ra khỏi nhau. Hầu hết kim ngạch xuất khẩu ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á vẫn còn trong các khu vực này. Hai phần ba xuất khẩu sang châu Âu cũng là từ châu Âu. Ở Trung Đông, chỉ 16% lượng xuất khẩu tới khu vực nói chung là từ các quốc gia Trung Đông khác.

Trong khi các nhà quan sát phương Tây tập trung vào những vấn đề chính trị ở Trung Đông, người dân trong khu vực lại bận tâm nhiều đến những vấn đề kinh tế. Một cuộc khảo sát gần đây do New York Times tiến hành cho thấy đa số cư dân ở dải Gaza thèm muốn sự bình yên với Israel và mong có cơ hội tìm việc làm ở đó. Một cuộc thăm dò khác phát hiện danh sách ưu tiên chính trị hàng đầu của người Iran là “mở rộng cơ hội tìm việc làm”, cao hơn nhiều so với ưu tiên “tiếp tục chương trình làm giàu hạt nhân của chúng tôi”.

Nhưng trong khi người Gaza hy vọng chấm dứt bị phong tỏa, người Iran muốn kết thúc cấm vận, không có bên nào sẵn lòng thực hiện điều này. Nỗi khốn khó về kinh tế đeo đẳng khu vực, ngay cả ở những nơi không gánh chịu trừng phạt hay phong tỏa.

Các phân tích gia cho rằng những nhà hoạch định chính sách phương Tây nên quan tâm đến điều này. Họ nói phân biệt giữa các vấn đề kinh tế và chính trị là không đúng. Giống như bất kỳ nơi nào, kinh tế và chính trị gắn bó chặt chẽ. Phát triển kinh tế là chìa khóa để giảm bớt sự bất ổn kinh niên đe dọa các lợi ích trong khu vực.

Trong số những nhà nhập khẩu dầu lửa, các lĩnh vực công cồng kềnh là tâm điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ở những nơi như Ai Cập, nơi lĩnh vực công tuyển khoảng 30% công nhân, các chính phủ thời hậu cách mạng mùa xuân đang tìm cách đẩy nhanh nền kinh tế đã tăng mạnh số lượng công chức và tiền lương. Các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ cộng với bảng lương công chức lớn hơn đã dẫn đến thâm hụt ngân sách, làm tăng chi phí tín dụng.

Tuy nhiên, những vấn đề kinh tế này có thể sửa chữa được. Ngược lại, những tình thế chính trị khó xử của khu vực mới là khó và phương Tây không thể giúp đỡ.

Thật ngây thơ nếu nghĩ tăng trưởng kinh tế sẽ giải quyết được mọi vấn đề nan giải của Trung Đông, nhưng cũng sẽ là như vậy nếu tin rằng mọi tình huống gai góc có thể giải quyết mà không có phát triển kinh tế.

Nguồn Công An TPHCM


Sự kiện