Thứ Ba | 16/12/2014 18:34

Cuộc khủng hoảng mới của thị trường mới nổi

Khối thị trường mới nổi dường như đang lặp lại cuộc khủng hoảng năm 1998 khi đối mặt với tình trạng giá dầu và tiền tệ đồng loạt lao dốc.

Năm 1998, khối thị trường mới nổi từng rơi vào khủng hoảng khi giá dầu liên tục bắt đáy và thị trường tiền tệ rớt giá tự do. Trong khi Venezuela rơi vào khủng hoảng tài chính thì kinh tế Nga cũng chẳng khá hơn khi phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do ruble lao dốc.

16 năm sau (tức năm 2014), lịch sử dường như đang quay lại với khối thị trường mới nổi khi giá dầu thô và thị trường tiền tệ liên tục mất giá.

Giá dầu lao dốc

Kể từ đầu năm nay, giá dầu thô Brent đã giảm 45% đẩy các nước xuất khẩu lớn, từ Venezuela tới Nga và Nigeria, vào tình cảnh túng quẫn do ngân sách suy giảm mạnh.

Trong đó, có đến 97% khả năng Venezuela sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu trong vòng 5 năm tới, theo kết quả khảo sát của Bloomberg. Kinh tế Nga, vốn đang chật vật với loạt đòn trừng phạt từ phương Tây, cũng sẽ suy yếu sâu với tăng trưởng GDP giảm 4,7% trong năm tới nếu giá dầu duy trì ở 60 USD/thùng, theo ước tính của ngân hàng trung ương Nga.

Tiền tệ mất giá

Chỉ số mà Bloomberg dùng để theo dõi tỷ giá của 20 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất của khối thị trường mới nổi đã xuống mức thấp nhất 11 năm trong ngày 15/12.

Trong đó phải kể đến đồng ruble của Nga khi giảm 49% so với USD kể từ đầu năm đến nay. Hôm qua, ruble đột ngột lao dốc thẳng xuống thấp kỷ lục ở 64,4455 ruble đổi 1 USD. Đồng rupiah của Indonesia mới đây cũng xuống thấp nhất kể từ năm 1998 trong khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chịu chung số phận.

Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997 - 1998, các nước, từ Thái Lan đến Malaysia, đều phải tiến hành can thiệp nhằm kìm hãm đà lao dốc của nội tệ. Điển hình là đồng baht khi giảm 50% so với USD chỉ trong 6 tháng. Trong khi đó, người dân Hàn Quốc đã phải quyên góp trang sức vàng để giúp chính phủ phục hồi kho dự trữ ngoại hối trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ.

Chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)

Sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu khổng lồ, Fed đang tiến tới bình thường hóa chính sách tiền tệ với kế hoạch nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Động thái thắt chặt chính sách của Fed có thể sẽ kéo giảm dòng vốn đang chảy vào các nước đang phát triển, theo nhận định của giới chuyên gia. Năm 2013, Ngân hàng Thế giới ước tính rằng, dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển có thể giảm 50% nếu lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng 1 điểm %.

Những quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Brazil, đang ngày càng dễ bị tổn thương trước những động thái chính sách của Fed, theo nhận định của ngân hàng Credit Agricole. Những nước khác phụ thuộc lớn vào đầu tư nước ngoài như Malaysia cũng chịu chung số phận. (Giới đầu tư nước ngoài hiện sở hữu 30% trái phiếu chính phủ Malaysia).

Giữa những năm 1990, việc Fed liên tục nâng lãi suất đã dấy lên làn sóng bán tháo trên thị trường tiền tệ châu Á, đẩy Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm khác giữa khủng hoảng năm 1998 với cuộc khủng hoảng hiện tại của khối thị trường mới nổi.

Tỷ giá ngoại tệ linh động hơn

Các nền kinh tế đang phát triển hiện nay cho phép tỷ giá ngoại tệ biến động linh hoạt hơn, khác với trước đây khi áp dụng cơ chế cố định tỷ giá trong suốt cuộc khủng hoảng vào những năm 1990. Mặc dù nội tệ suy yếu có thể đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao nhưng các nền kinh tế đang phát triển vẫn có thể kích thích tăng trưởng nhờ giá xuất khẩu giảm.

Dự trữ ngoại hối tăng

Kho dự trữ ngoại hối của các nước đang phát triển ngày càng tăng mạnh so với cuối những năm 1990. Theo đó, dự trữ ngoại hối của khối thị trường mới nổi tăng lên 8,1 nghìn tỷ USD từ mức 659 tỷ USD vào năm 1999, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Dự trữ ngoại hối tăng sẽ thúc đẩy khả năng chống đỡ trước những biến động tài chính của khối thị trường mới nổi.

Nợ định giá bằng nội tệ tăng

Thay vì vay nợ bằng USD, chính phủ nhiều nước hiện nay đều huy động vốn bằng nội tệ. Điều này đồng nghĩa rằng, các chính phủ có thể trả nợ mà không cần sử dụng đến kho dự trữ ngoại hối. Năm 2013, tổng nợ ngoại tệ của các nước đang phát triển chỉ tương đương 26% GDP, thấp hơn nhiều so với mức 40% vào năm 1999, theo số liệu của IMF.

Một điều đáng lưu ý là, thay vì nợ chính phủ thì hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp lại trở thành mối lo ngại tại nhiều nước. Khối doanh nghiệp tại các nước đang phát triển đã bán khoảng 375 tỷ USD trái phiếu định giá bằng ngoại tệ trong giai đoạn 2009 - 2012, gấp hơn 2 lần số liệu của 4 năm trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế.

Lãi suất thấp

Mặc dù một số nước đang phát triển đã nâng lãi suất nhưng mức lãi suất hiện tại vẫn thấp hơn con số ghi nhận được trong năm 1998. Điển hình là Brazil với lãi suất cơ bản hiện là 11,75%, chưa bằng 1/2 mức lãi suất của năm 1998. Hôm qua 15/12, Nga cũng vừa nâng lãi suất lên 17%.

Hiện nay, giới đầu tư cũng như chính của các thị trường mới nổi đang hồi hộp chờ đợi quyết sách của Fed trong ngày 17/12. Nếu Fed tuyên bố nâng lãi suất, các nền kinh tế mới nổi chắc chắn sẽ gặp nhiều rủi ro trong năm tới.

Nguồn DVO/ Bloomberg