Cuộc giải cứu chứng khoán Trung Quốc
Trong tài chính, những gì đến nhanh thì đôi khi ra đi còn nhanh hơn. Thị trường chứng khoán Trung Quốc là một minh chứng mới nhất cho điều này. Mất gần 3 tháng để chỉ số chứng khoán Shanghai Composite leo lên đến mức kỷ lục 5.166 điểm vào ngày 12.6, nhưng chỉ mất gần 3 tuần sau đó để chỉ số này lại quay về mức đáy 3.507 điểm.
Giới phân tích chưa rõ nguyên nhân ban đầu vì sao chứng khoán Trung Quốc bỗng nhiên giảm điểm, nhưng đà bán tháo liên tiếp chính là do các công ty môi giới liên tục bán giải chấp cổ phiếu khi thị trường đi xuống.
Bong bóng phát nổ
Phần lớn các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Trung Quốc là nhà đầu tư tư nhân. Nhiều người trong số đó chỉ mới tham gia trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc nới lỏng hơn các điều kiện giao dịch cầm cố từ năm ngoái. Kể từ đó, chứng khoán Trung Quốc liên tục tăng vọt, nhất là trong gần 6 tháng đầu năm nay. Tại mức đỉnh điểm được ghi nhận vào tháng 6, chỉ số Shanghai Composite đã tăng trưởng đến 150% so với cùng kỳ. Trong cơn say với chứng khoán, các nhà đầu tư hồ hởi đi vay tiền đầu tư chứng khoán bằng cách cầm cố tài sản là bất động sản, hoặc chính cổ phiếu.
Giá trị các khoản cho vay cầm cố để mua cổ phiếu lên đến 12% tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên thị trường, trong khi ở Mỹ thường là 2,5%. Theo nhận định của Goldman Sachs, đó là “con số cao nhất, một cách dễ dàng, trong lịch sử thị trường vốn trên toàn cầu”.
Cuối cùng, bong bóng chứng khoán đã vỡ, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng trưởng đến 92%. Tuy nhiên, các nhà điều hành nước này không lấy đó làm điều an ủi.
Sự lo lắng là có cơ sở bởi quy mô của thị trường Trung Quốc quá lớn. Có thời điểm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 3.900 tỉ USD, tương đương 41% giá trị GDP của nước này vào năm 2014 và gấp hơn 16 lần GDP của Hy Lạp - quốc gia đang chìm trong khủng hoảng nợ và hệ thống ngân hàng tê liệt.
Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu về tiền tệ tại Forex.com, cho rằng diễn biến bán tháo ở Trung Quốc khiến cho những biến động gần đây ở Mỹ và châu Âu chỉ giống như việc “đi dạo bộ trong công viên”.
Ngân hàng Trung ương ra tay
Trong quá khứ, những đợt bán tháo mạnh như vậy thường là tín hiệu cho cuộc khủng hoảng kinh tế. Và cơ quan quản lý buộc phải tung ra nhiều biện pháp can thiệp mạnh tay. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngay lập tức giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và giảm lượng dự trữ bắt buộc ở vài ngân hàng. Đây cũng là lần cắt giảm lãi suất thứ 4 kể từ tháng 11.2014. Động thái này có hai ảnh hưởng: kích thích kinh tế và kích thích thêm dòng tiền đổ vào chứng khoán.
Tất nhiên, khi công bố chính sách tiền tệ mở rộng này, cơ quan quản lý không hề đá động đến thị trường chứng khoán, nhưng giới quan sát cho rằng đó là động thái hỗ trợ trực tiếp cho thị trường. Trên thực tế, đây cũng là lần đầu tiên Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sử dụng cả 2 công cụ cùng lúc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Động tác thứ hai của Chính phủ là tạo ra những quỹ hỗ trợ mua lại cổ phiếu, trong đó tiền được chi bởi các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Hiệp hội Chứng khoán Trung Quốc thông báo rằng 21 công ty môi giới hàng đầu nước này sẽ đầu tư ít nhất khoảng 19,3 tỉ USD mua lại các mã chứng khoán có giá trị vốn hóa lớn. Thậm chí, Bộ Tài chính Trung Quốc cho phép Quỹ hưu trí quốc gia tham gia vào chiến dịch này.
Theo thông tin mới nhất, hiện có 17 ngân hàng đã cung cấp khoản vay trị giá 209 tỉ USD cho China Securities Finance Corp - (CSF). Công ty này được thành lập năm 2011 nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những công ty môi giới cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố cho nhà đầu tư.
Để kích thích giao dịch, ngoài việc cắt giảm lãi suất, Chính phủ còn nới lỏng các quy định về biên độ và chi phí giao dịch, thậm chí xem xét giảm thuế và nới lỏng những quy định cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.
Tuy nhiên, các phản ứng này dường như không mang lại hiệu quả tức thì. Sự sốt ruột có thể thấy rõ qua những động thái khác của cơ quan chức năng. Sau những nỗ lực thực hiện các biện pháp thị trường không thành công và đà bán tháo vẫn ngày một tăng cao, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp phi thị trường, nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau đợt giảm kỷ lục kéo dài trong suốt hơn 3 tuần.
Thuốc đắng giã tật?
Nguyên tắc của biện pháp hành chính sau này là hạn chế nguồn cung cổ phiếu bán ra trên thị trường. Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) ban hành lệnh cấm các cổ đông lớn, các nhà điều hành doanh nghiệp và thành viên hội đồng quản trị bán ra cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong vòng 6 tháng. Các hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng bị ngưng lại. Cụ thể, CSRC trì hoãn 10 đợt IPO trên sàn Thượng Hải và 18 công ty khác tại Thâm Quyến.
Bản thân các công ty niêm yết cũng đua nhau nộp đơn xin ngừng giao dịch. Cao điểm có hơn 50% mã cổ phiếu trên thị trường bị đóng băng, theo đúng nghĩa đen, đồng nghĩa 1.429 công ty tạm ngừng giao dịch ở cả hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Trong khi các biện pháp thị trường không hiệu quả, các quy định hành chính dường như có tác dụng tốt hơn. Theo thống kê của The Economist, trong 7 ngày giao dịch đầu tiên sau khi lãi suất được cắt giảm, chỉ số CSI 300 (chỉ số của các công ty lớn nhất Trung Quốc) giảm gần 10%, trong khi ChiNext (chỉ số về những công ty có tốc độ tăng trưởng cao) lại giảm 25%. Ở phía bên kia, ngay sau lệnh cấm bán cổ phiếu của cổ đông lớn, chỉ số Shanghai Composite đã bật tăng trở lại với mức tăng 5,76%.
Cho đến hôm nay, đà rơi cổ phiếu đã tạm ngừng và hồi phục được một phần. Tính đến ngày 17.7, chỉ số Shanghai Composite chỉ còn giảm hơn 23% so với mức đỉnh, đồng thời vẫn duy trì đà tăng trưởng 18% so với hồi đầu năm.
Truyền thông nước ngoài nói nhiều về những mâu thuẫn đằng sau giải pháp giải cứu thị trường chứng khoán Trung Quốc. Về việc cấm giao dịch cổ phiếu, tờ Wall Street Journal nhận định: “Các cổ phiếu ngưng giao dịch sẽ khiến cho nhà đầu tư đau đầu, những người không thể bán cổ phiếu để lấy tiền mặt hay cố gắng tối đa hóa giá trị cổ phiếu của mình”. Hơn nữa, một khi các cổ phiếu được cho phép mua bán trở lại, chuyện tiếp tục suy giảm là có khả năng xảy ra.
Các biện pháp mạnh tay mà chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng để ngăn đà bán tháo cũng có thể làm suy giảm niềm tin vào cam kết cải tổ thị trường của Trung Quốc. Cuối năm 2013, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng các lực lượng thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, những hành động trong thời gian qua lại cho thấy con đường khác, theo nhận định của tờ The Economist.
Li Gang Liu, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ cho rằng thị trường sẽ tự điều chỉnh và Chính phủ Trung Quốc không nên có những tác động can thiệp. “Nếu những công ty niêm yết cho rằng cổ phiếu của họ đang bị định giá thấp, họ có thể mua lại”, vị này nhận định. Còn The Economist cho rằng vấn đề của Trung Quốc là cổ phiếu tăng giá liên tục trong khi nền tảng cơ bản thì không theo kịp. Ở khía cạnh khác, các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn bán ròng cổ phiếu trên thị trường.
Sau khi lên tới đỉnh điểm, bong bóng chứng khoán Trung Quốc đã vỡ. Nhưng cơn ác mộng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc dường như mới chỉ đang bắt đầu. Kinh tế học có 2 quan điểm quản lý thị trường, đó là bàn tay vô hình và hữu hình. Bàn tay ở Trung Quốc không những hữu hình, mà đó còn là bàn tay sắt.
Thiên Phong