Bệnh viện Island ở Penang. Tiểu bang phía bắc Malaysia đã trở thành điểm nóng về du lịch y tế. Ảnh: IHH Healthcare.

 
Hải Miên Thứ Ba | 24/09/2024 15:09

Cuộc đua du lịch y tế tại Đông Nam Á dần tăng tốc

Du lịch y tế phát triển ở Đông Nam Á sau đại dịch, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe không ngừng cạnh tranh để thu hút bệnh nhân.

Trong hơn một thập kỷ qua, IHH Healthcare của Malaysia đã xây dựng mạng lưới bệnh viện trên khắp châu Á thông qua các thương vụ mua lại, trở thành một trong những tập đoàn bệnh viện tư nhân lớn nhất khu vực với hơn 80 bệnh viện tại 10 quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Singapore.

Trong thương vụ mua lại mới nhất được công bố vào đầu tháng này, công ty đã thể hiện tham vọng thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài hơn đến quê nhà Malaysia bằng cách chi hơn 900 triệu USD cho một bệnh viện lớn tại điểm nóng du lịch y tế của quốc gia này, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

"Bệnh viện Island là cơ hội chuyển đổi cho chúng tôi tại Malaysia", ông Ashok Pandit, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn IHH cho biết, đề cập đến bệnh viện 600 giường mà công ty đang mua từ Affinity Equity Partners với giá 3,92 tỉ ringgit (920 triệu USD).

"Thương vụ cho phép chúng tôi mở rộng vị thế dẫn đầu của mình tại Penang và tăng cường sự tham gia vào lĩnh vực du lịch y tế của Malaysia", ông nói, giải thích rằng thỏa thuận trị giá gần 1 tỉ USD này hấp dẫn do đội ngũ chuyên gia y tế và tiềm năng tăng trưởng của Island Hospital.

Được biết đến với thành phố di sản thế giới Geroge Town, Penang là một trong những điểm đến phổ biến đối với khách du lịch y tế, bao gồm cả những người từ nước láng giềng Indonesia. Theo Trung tâm Du lịch Y tế Penang, 214.100 bệnh nhân nước ngoài đã đến Penang trong nửa đầu năm 2024, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

 

Island Hospital tiếp nhận khoảng 1/3 tổng số bệnh nhân nước ngoài đến Malaysia, IHH cho biết. Năm 2023, bệnh viện đã công bố doanh thu tăng 50% lên 574 triệu ringgit, trong khi lợi nhuận ròng tăng vọt 154% lên 73 triệu ringgit, theo CIMB Securities của Malaysia.

Bệnh viện Island bổ sung thêm dấu ấn hiện có của IHH tại Penang, nơi tập đoàn này đã điều hành các bệnh viện dưới thương hiệu Gleneagles và Pantai, nâng tổng công suất giường bệnh của tập đoàn tại tiểu bang này lên hơn 1.000. 

"Bệnh viện Island được định vị là bệnh viện lớn thứ hai tại Penang và có chỗ đứng vững chắc trong phân khúc du lịch y tế có lợi nhuận cao, trong đó 60% doanh thu đến từ bệnh nhân nước ngoài, so với 20-30% của Bệnh viện Gleneagles Penang thuộc IHH", báo cáo của CIMB cho biết.

Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh ngành du lịch y tế - trong đó, thông thường, những người giàu có ở các quốc gia đang phát triển sẽ đến các bệnh viện lớn như IHH để điều trị đang phát triển ở Đông Nam Á sau đại dịch, với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đang cạnh tranh để thu hút những bệnh nhân như vậy.

Bà Yennie Tan, đối tác và lãnh đạo mảng chăm sóc sức khỏe tại PwC Malaysia, cho biết: "Malaysia đang có vị thế tốt và ngày càng được công nhận là một trong những điểm đến chăm sóc sức khỏe tốt nhất tại Đông Nam Á, cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế tiên tiến với chi phí rất cạnh tranh", đồng thời dự đoán sẽ có thêm nhiều vụ sáp nhập và mua lại trong lĩnh vực này.

Đối thủ cạnh tranh địa phương của IHH là KPJ Healthcare, có mạng lưới 28 bệnh viện trên toàn quốc, cũng có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh du lịch y tế, hãng truyền thông địa phương New Straits Times đưa tin vào tháng 6 sau cuộc họp chung thường niên của công ty.

Có thể bạn quan tâm: 

Nông dân Nhật Bản bỏ nuôi bò sữa vì dân số giảm

Nguồn Nikkei Asia