Thứ Hai | 26/11/2012 22:23

Cuộc đàm phán cứu trợ Hy Lạp vẫn chưa có kết quả khả quan

Các bộ trưởng tài chính eurozone và IMF đang nỗ lực đạt thỏa thuận viện trợ khẩn cấp cho Hy Lạp đồng thời bác bỏ khả năng giảm nợ cho Athens.
Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm nay 26/11 bắt đầu bước vào vòng đàm phán thứ 3 nhằm đạt thỏa thuận cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp.

Trong khi đó, bộ trưởng tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras đã bày tỏ niềm tin rằng các bộ trưởng trong Eurogroup sẽ đạt được thỏa thuận cứu trợ, sau khi Hy Lạp hoàn thành một phần thỏa thuận bằng cách tiến hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách kinh tế.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính, ông Olli Rehn, cho biết trọng tâm của hội nghị lần này là làm sao để thông qua gói giải ngân trị giá 31 tỷ euro cho Hy Lạp. Ông Rehn kêu gọi các bên nên nhanh chóng xóa bỏ những bất đồng để tiến tới thỏa thuận cuối cùng.

"Hy Lạp đã đáp ứng đủ các điều kiện của các chủ nợ quốc tế, và giờ là lúc Eurogroup và IMF nên đưa ra quyết định cuối cùng", ông Rehn nói.

Vấn đề khiến các nhà lãnh đạo tài chính eurozone và IMF vướng mắc nhiều nhất đó là lộ trình để giải quyết núi nợ của Hy Lạp, được dự báo sẽ tăng lên 190% so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Eurogroup và IMF hiện vẫn tranh cãi về biện pháp giảm nợ Hy Lạp xuống 120% GDP trong vòng từ 8 tới 10 năm nữa.

Nếu không đạt được thỏa thuận về giảm nợ, IMF sẽ không giải ngân cho Athens do lo ngại Hy Lạp sẽ tiếp tục phải cầu cứu viện trợ khẩn cấp khi vẫn còn nợ nhiều.

Trong một động thái nhằm giải quyết vướng mắc, IMF lập luận rằng nợ Hy Lạp có thể giảm xuống mức bền vững nếu chính phủ các nước trong khối đồng tiền chung châu Âu đồng ý giảm nợ cho Athens. Ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).

Theo đề xuất chung giữa IMF và ECB, chính phủ các nước eurozone sẽ cắt giảm 50% nợ danh nghĩa cho Hy Lạp. Với kế hoạch này, nợ Hy Lạp có thể giảm từ mức dự kiến 144% GDP xuống còn 70% GDP trong năm 2020. Trước đó, Hy Lạp từng được các chủ nợ giảm khoảng 100 tỷ euro nợ. Tuy nhiên, biện pháp này đã không thể ngăn chặn tốc độ gia tăng nợ cho Hy Lạp do nền kinh tế bị suy giảm mạnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các nước Bắc Âu, dẫn đầu là Đức - nhà tài trợ chính trong các chương trình cho vay đối với Hy Lạp. Từ trước đến nay, Đức luôn là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất ý tưởng xóa bỏ một phần nợ cho Hy Lạp.

Sau khi đề xuất xóa một phần nợ bị loại khỏi vòng đàm phán, một số tùy chọn khác cũng được đưa ra bàn bạc. Một trong số đó là cắt giảm lãi suất cho vay song phương và gia hạn thời gian thanh toán lãi suất các khoản vay từ Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) của Hy Lạp lên 10 năm.

Cho đến thời điểm này, các nước eurozone, ECB và IMF vẫn chưa thể đi đến quyết định cuối cùng về cách giải quyết núi nợ 300 tỷ euro cho Hy Lạp, hãng Reuters cho biết.

Nguồn Reuters, Ria Novosti, Der Spiegel/Khampha


Sự kiện