Thứ Tư | 16/01/2013 11:12

Cuộc đại phẫu của các ngân hàng Thụy Sĩ (P2)

Giờ đây, cả UBS và Credit Suisse đều phải chứng minh họ có thể tạo ra giá trị cho nhà đầu tư trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.
Xây dựng lại biểu tượng đã sụp đổ

Mặc dù từng là biểu tượng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, giá trị của UBS trong quan niệm của mọi người đã bị sụt giảm đi rất nhiều.

Khoản lỗ mà Kweku Adoboli - cựu nhân viên 32 tuổi - gây ra cho UBS cũng là nguyên nhân lớn khiến ngân hàng này lao đao. UBS cũng bị phát hiện mắc nhiều lỗi trong hoạt động quản lý rủi ro và điều này càng trở nên tồi tệ khi cách đó 3 năm, chính phủ Thụy Sĩ đã bơm 6 tỷ franc để giải cứu UBS.

Cơ quan giám sát dịch vụ tài chính Anh (FSA) đã phạt UBS 29,7 triệu bảng (tương đương 47,6 triệu USD) với tội danh không phát hiện ra các giao dịch bất hợp pháp. Đến tháng 12/2012, UBS lại tiếp tục phải nộp 1,5 tỷ USD tiền phạt vì thâu tóm lãi suất Libor.

Dẫu vậy, trong cái rủi vẫn có cái may. Trong số các ngân hàng lớn ở châu Âu, UBS là ngân hàng có vốn lớn nhất và do đó có thể chi trả cho quá trình cải tổ. Đồng thời, mặc dù mất đi những người chủ chốt, hoạt động của UBS cũng không bị xáo trộn bởi cắt giảm nhân sự là điều thường thấy trong kế hoạch của bất kỳ công ty tài chính nào. Kế hoạch cắt giảm nhân sự còn giúp giảm bớt gánh nặng đối với chính phủ Thụy Sĩ.

Vén màn bí mật

Tuy nhiên, các ngân hàng Thụy Sĩ lại phải chịu 1 cú sốc khác đánh vào lợi thế rất lớn của họ: tính bảo mật. Theo Florian Esterer, chuyên gia quản lý cấp cao tại công ty quản lý tài sản MainFirst Schweiz có trụ sở tại Zurich, các động thái cho thấy UBS đã nhận ra rằng ngành quản lý tài sản đã diễn biến không như mong muốn. Và, đây cũng là sự thực đối với Credit Suisse.

Tính bảo mật chính là bí quyết giúp Thụy Sĩ thu hút được lượng lớn tiền gửi, từ đó cho phép các ngân hàng của nước này mở rộng phạm vi hoạt động ra toàn thế giới cũng như giúp các công ty Thụy Sĩ thịnh vượng ở nước ngoài.

Các ngân hàng Thụy Sĩ cũng được hưởng lợi từ những điều không may mắn đối với nước khác. Hai cuộc chiến tranh thế giới khiến người dân ở các nước láng giềng phải tìm ra nơi trú ẩn an toàn cho tài sản của họ và Thụy Sĩ là 1 nơi lý tưởng. Theo Peter Kurer, cựu chủ tịch của UBS, cuộc khủng hoảng nợ chưa có hồi kết ở eurozone cũng giúp các ngân hàng Thụy Sĩ thu hút được nhiều tiền gửi hơn. "Họ sợ sự bất ổn, quốc hữu hóa, sung công hay mức thuế cao chót vót, Do đó, họ tìm đến Thụy Sĩ", ông nói.

Giờ đây, nhân tố bảo mật bị loại bỏ.

Cuộc điều tra về trốn thuế của giới chức Mỹ khiến UBS lâm vào vòng lao lý. Tệ hơn, các khách hàng giàu có vốn coi Thụy Sĩ là thiên đường trốn thuế ồ ạt rút tiền khỏi đây. Tổng cộng trong 9 quý kết thúc vào ngày 30/6/2010, đã có tổng cộng 239,2 tỷ francs bị rút khỏi các ngân hàng Thụy Sĩ - tương đương với 13% tổng tài sản mà họ đang quản lý. UBS cũng phải giao nộp cho Mỹ dữ liệu về 4.700 tài khoản ngân hàng. Credit Suisse và các ngân hàng khác ở Thụy Sĩ cũng đang phải chịu đựng các cuộc điều tra tương tự.

Theo Tobias Straumann, giảng viên ngành lịch sử kinh tế tại đại học Zurich, các ngân hàng Thụy Sĩ gần như độc quyền. Các khách hàng nước ngoài chuyển tiền đến Thụy Sĩ để trốn thuế và họ sẵn sàng trả chi phí cao hơn để đổi lấy tính bảo mật. Do đó, khi tính bảo mật không còn, mức phí sẽ giảm mạnh.

Chứng chỉ

Cách làm việc xưa cũ đã tỏ ra không hiệu quả và điều tất yếu là các ngân hàng phải giúp nhân viên của họ thích ứng với môi trường hiện tại hoặc thay thế hoàn toàn các nhân viên này. Từ năm ngoái, UBS đã yêu cầu các tư vấn viên phải có chứng chỉ về thị trường và quản lý danh mục. Tất cả các nhân viên tư vấn ở Credit Suisse đều phải mất 2 năm để có được chứng chỉ chứng nhận trình độ hiểu biết về thị trường và sản phẩm. Credit Suisse cũng giới hạn đối tượng khách hàng trong một vài nước để đảm bảo có thể nắm chắc các luật lệ liên quan.

Cùng lúc đó, các ngân hàng cũng có cố gắng thân thiết hơn với khách hàng. Trong năm 2013, UBS có kế hoạch cho ra mắt dịch vụ cho phép khách hàng tự động kiểm tra danh mục đầu tư của họ hàng ngày. Khách hàng cũng có thể tra cứu thông tin về các rủi ro đối với tài sản của họ cũng như có cái nhìn tổng quan về thị trường. Bộ phận quản lý tài sản và bộ phận ngân hàng cá nhân đã được Credit Suisse gộp lại nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm.
Liệu có thể thành công?

Giờ đây, cả UBS và Credit Suisse đều phải chứng minh rằng họ có thể tạo ra giá trị cho nhà đầu tư trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát được rủi ro.

Tuy nhiên, rủi ro đối với UBS là khá lớn: liệu ngân hàng này có thể đóng cửa bộ phận đã tạo nên khoản lỗ khổng lồ hay không? Liệu UBS có giữ được các nhân sự chủ chốt và lấy lại được thị phần hay không? Có thể, những người vốn kỳ vọng rằng UBS sẽ có những thay đổi lớn lao sẽ bị thất vọng. Trong 1 cuộc họp hồi tháng 11 năm ngoái, chính lãnh đạo UBS đã nói rằng sẽ phải mất từ 3 đến 5 năm để hoàn thành quá trình cải tổ.

Nguồn CafeF


Sự kiện