Cuộc chiến tiền tệ toàn cầu: Đi tìm nho và hoa hồng
Hình ảnh nho và hoa hồng đã được dùng để ví von với việc cần một sự hợp tác giữa các cường quốc kinh tế và các trung tâm tài chính năng động, đóng vai trò phong vũ biểu trong một chính sách tiền tệ hoàn chỉnh, tránh một cuộc chiến tiến tệ toàn cầu.
Hình ảnh này khởi nguồn do Thống đốc ngân hàng trung ương Đức Karl Otto Poehl sử dụng, trong lúc ông phác thảo ra các nội dung chính của thỏa ước Plaza, nhắm đến mục đích làm suy yếu đồng USD để vực dậy kinh tế Mỹ sau khủng hoảng.
Theo đó, một sự thống nhất về chính sách tiền tệ trên toàn thế giới sẽ giúp kinh tế toàn cầu vượt qua khó khăn trong những giai đoạn khủng hoảng.
Nhưng biểu tượng đó đang ngày càng vô nghĩa ở thời điểm hiện tại, khi cuộc chiến tiền tệ có vẻ như đã bùng nổ và lan ra khắp toàn cầu.
Ai là nho, ai là hoa hồng?
Sở dĩ ông Poehl sử dụng hình ảnh nho và hoa hồng để so sánh với tình trạng tiền tệ thế giới, là vì người ta thường trồng các bụi hồng xung quanh các ruộng nho như một hệ thống cảnh báo, hoa hồng là loại cây rất dễ bị dịch bệnh tấn công và dựa vào đó những người trồng nho sẽ có biện pháp bảo vệ vườn nho của mình.
Sự kết hợp giữa hoa hồng và nho vì thế là một sự hợp tác cần thiết, các nền kinh tế trên thế giới cũng cần làm như vậy để bảo đảm kinh tế toàn cầu ổn định và phát triển.
Đó cũng là nội dung chính của Thỏa ước Plaza, khi đồng USD được làm yếu đi để vực dậy nền kinh tế Mỹ vốn vừa trải qua khủng hoảng, trong khi đồng Yen Nhật được làm mạnh lên, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng dẫn đến hai thập kỷ giảm phát sau đó của đất nước mặt trời mọc.
Đến tận bây giờ, người Nhật vẫn còn cay đắng khi nhớ lại thỏa ước Plaza năm 1985, khi mà họ bị ép buộc phải nâng giá đồng Yen, khiến cho nền kinh tế xuất khẩu rất mạnh lúc bấy giờ của Nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các doanh nghiệp Nhật đua nhau phá sản, thất nghiệp tràn lan và chẳng mấy chốc bong bóng kinh tế của Nhật vỡ tung, nhấn chìm nước Nhật vào cơn giảm phát kéo dài 2 thập kỷ.
Tất cả chỉ vì người Nhật đã bị ép phải trở thành bụi hoa hồng, phải chấp nhận chịu thiệt hại để vườn nho Mỹ khỏe mạnh. Sự hợp tác giữa nho và hoa hồng, hóa ra lại không phải là sự hợp tác hai bên đều có lợi.
Ở thời điểm hiện tại, hơn lúc nào hết người ta lại nhắc tới thỏa ước Plaza và kêu gọi một thỏa ước tương tự tái hiện.
Trước tình thế "thân ai nấy lo"
Chưa khi nào tình hình tài chính tiền tệ của các nước trên thế giới lại trở nên lộn xộn hơn thời điểm hiện nay, Nhật và EU đang ghìm giá đồng Yen và đồng Euro xuống một cách chưa từng thấy để vực dậy nền kinh tế đang bị đe dọa bởi giảm phát.
Những nước đóng vai trò trung tâm tài chính như Thụy Sĩ hay Singapore cũng đang can thiệp trực tiếp vào đồng nội tệ của mình, với Thụy Sỹ là nâng giá đồng Franc còn với Singapore là sụt giá đồng Dollar Singapore.
Cùng lúc ấy, Trung Quốc đang phân vân giữa ngã ba đường khi không biết nên tiếp tục duy trì chính sách tỉ giá Nhân dân tệ và USD yếu để phục vụ xuất khẩu hay hướng tới một đồng nội tệ mạnh để thu hút đầu tư. Còn Mỹ thì đang nhìn tất cả mớ bòng bong trên với con mắt lo ngại, nhưng làm lơ vì không còn cách nào khác.
Sở dĩ xảy ra tình trạng lộn xộn như thế, là vì hầu hết các cường quốc kinh tế đều đang lâm vào cảnh “thân ai nấy lo”, mỗi nước đều đang phải đối mặt với những vấn đề khó khăn của riêng mình và đang buộc phải tìm cách lo cho bản thân trước.
Nếu như vào năm 1985, châu Âu vào hùa với Mỹ để ép Nhật Bản phải nâng tỉ giá đồng Yen, thì giờ đây điều đó không thể tái diễn. Nếu như vào năm 1985, sự hồi phục mạnh của Mỹ và Nhật giảm xuất khẩu sẽ khiến châu Âu được lợi, giờ đây EU và Nhật lại đứng chung trên một con thuyền.
Nguy cơ giảm phát khiến cả 2 đều ra sức ghìm giá đồng tiền của mình để tăng cường xuất khẩu, cuộc chạy đua làm suy yếu đồng nội tệ này lập tức tác động hàng loạt đến các quốc gia khác, chỉ trong tháng 1.2015 đã có tới 9 quốc gia tiến hành chính sách này, nếu không tính Thụy Sĩ dù bề ngoài là tăng giá đồng Franc nhưng thực tế lại đang trợ giúp mạnh cho sự ghìm giá đồng Euro từ phía EU.
Người Mỹ, không còn cách nào khác ngoài việc đứng nhìn một cách lo ngại, nhưng bất lực. Việc các nước thi nhau ghìm giá đồng nội tệ của mình, đe dọa thâm hụt thương mại của Mỹ tăng mạnh và gián tiếp ảnh hưởng đến sự hồi phục của kinh tế Mỹ.
Cuộc chiến tiền tệ là cần thiết?
Nhưng người Mỹ cũng không còn cách nào khác, bản thân kinh tế Mỹ vẫn đang trong giai đoạn hồi phục và chưa thể đủ ảnh hưởng lên EU hay Nhật Bản để buộc các nền kinh tế này hợp tác với mình.
Thậm chí, Mỹ đang có phần buộc phải chấp nhận điều này, khi việc ghìm giá đồng nội tệ sẽ góp phần đưa kinh tế EU hay Nhật hồi phục, khi đó thì kinh tế Mỹ sẽ có lợi.
Vì vậy, gần như không thể tái hiện một thỏa ước Plaza ở thời điểm hiện tại. Và cũng khó có nhà kinh tế học nào đưa ra được một lộ trình thống nhất về chính sách tiền tệ cho tất cả các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.
Nếu như ở thỏa ước Plaza năm 1985, Nhật phải chấp nhận thiệt thòi để nền kinh tế cả thế giới được vực dậy, thì giờ đây mọi chuyện đã không còn đơn giản như thế nữa.
Cách tốt nhất vì thế là thân ai nấy lo và một cuộc chiến tiền tệ quy mô toàn cầu ở thời điểm hiện tại là điều cần thiết.
Hoa hồng được xem là vật hy sinh cần thiết để giữ vườn nho khỏe mạnh, nhưng khi mà cả vườn nho đều đã mắc bệnh thì có trồng thêm vài bụi hồng cũng chẳng khiến bệnh từ vườn nho chuyển sang bụi hồng được.
Nguồn Một Thế Giới