Cuộc chiến tiền tệ được châm ngòi như thế nào?
Dù bề ngoài chỉ là biện pháp nhằm đối phó với giảm phát và tăng trưởng trì trệ nhưng việc nới lỏng chính sách lại "tình cờ" châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ thế giới, theo nhà kinh tế học Mohamed A. El-Erian, đồng thời Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của Tổng thống Barack Obama.
Hai tháng đầu năm 2015 được xem là đỉnh điểm của cuộc chiến tiền tệ thế giới khi hàng loạt ngân hàng trung ương (NHTW) tuyên bố hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ.
Những nước đang tham gia làn sóng nới lỏng tiền tệ trên thế giới |
Ngày 1/1, NHTW Uzbekistan khơi mào cuộc chiến tiền tệ năm 2015 với quyết định hạ 100 điểm cơ bản lãi suất xuống 9%.
Ngay sau đó ngày 2/1, NHTW Romania cũng hạ lãi suất cơ bản xuống thấp kỷ lục ở 2,25% (giảm 50 điểm cơ bản).
Ngày 15/1, NHTW Thụy Sĩ hạ 50 điểm cơ bản trong lãi suất mục tiêu xuống mức -1,25% trong nỗ lực làm suy yếu đồng franc sau quyết định "gây sốc" bỏ trần tỷ giá euro/franc. (Franc đã tăng 41% so với euro ngay sau khi quyết định được công bố).
Cùng ngày, NHTW Ai Cập và Ấn Độ cũng ra quyết định tương tự. Ai Cập đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi qua đêm và lãi suất cho vay lần lượt xuống 8,75% và 9,75%. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hạ lãi suất cơ bản từ 8% xuống 7,75%. Một điều bất ngờ là chỉ chưa đầy 2 tháng sau, RBI tiếp tục hạ thêm 25 điểm cơ bản trong lãi suất cơ bản xuống còn 7,5% vào ngày 4/3.
Ngày 16/1, Ngân hàng Dự trữ Trung ương Peru hạ lãi suất cơ bản từ 3,75% xuống 3,5%.
Đến ngày 21/1, NHTW Canada lại khiến thị trường tài chính bất ngờ với quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn 0,75%.
Cùng ngày, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cũng hạ lãi suất cơ bản từ 8,25% xuống 7,75%. Tuy nhiên hơn 1 tháng sau, các nhà hoạch định chính sách nước này lại tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống 7,5% vào ngày 25/2.
Một ngày sau đó (22/1), Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố triển khai gói nới lỏng định lượng hay chương trình mua trái phiếu (gồm cả trái phiếu chính phủ, trái phiếu có đảm bảo bằng tài sản và bằng đồng euro) với quy mô lên tới 1,1 nghìn tỷ euro.
Ngày 24/1, Ngân hàng Nhà nước Pakistan hạ lãi suất cơ bản xuống 8,5% (giảm 100 điểm cơ bản so với trước đó).
Ngày 28/1, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore cho biết sẽ hạ biên độ giao dịch của đồng đôla Singapore, nhằm kéo giảm tốc độ tăng giá của nội tệ so với giỏ tiền tệ mục tiêu.
Cùng ngày, NHTW Albania quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục ở 2%.
Ngày 30/1, NHTW Nga mạnh tay hạ 2 điểm % trong lãi suất cơ bản xuống 15% sau đợt nâng lãi suất khẩn cấp lên 17% hồi tháng 12/2014.
Sang tháng 2, Ngân hàng Dự trữ Australia hạ lãi suất cơ bản xuống 2,25% (giảm 25 điểm cơ bản so với trước đó) vào ngày 3/2.
Ngày 4/2, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với khối ngân hàng nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay trong hệ thống tài chính. Chưa đầy một tháng sau vào ngày 28/2, PBOC đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi cơ bản và lãi suất cho vay lần lượt xuống 2,5% và 5,35%.
Gây bất ngờ cho thị trường tài chính quốc tế nhất là NHTW Đan Mạch với 4 lần hạ lãi suất liên tiếp chỉ trong 3 tuần. Theo đó, NHTW Đan Mạch quyết định hạ lãi suất vào ngày 19/1, 22/1, 29/1 và ngày 5/2. Hiện tại, lãi suất cơ bản của Đan Mạch đang ở -0,75%.
Ngày 13/2, NHTW Thụy Điển (Riksbank) hạ lãi suất chủ chốt từ 0% xuống mức thấp kỷ lục -0.1%. Đồng thời, Riksbank cũng phát động chương trình nới lỏng định lượng (QE) với việc mua vào 10 tỷ krona (1,2 tỷ USD) trái phiếu chính phủ để bơm tiền mặt vào nền kinh tế.
Ngày 17/2, NHTW Indonesia lần lượt hạ lãi suất cơ bản và lãi suất tiền gửi xuống 7,5% và 5,5%.
Ngày 18/2, NHTW Botswana hạ lãi suất cơ bản từ 7,5% xuống 6,5%.
Cùng ngày, NHTW Nhật Bản quyết định duy trì cam kết bơm khoảng 80 nghìn tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế hàng năm thông qua chương trình mua trái phiếu chính phủ và các tài sản rủi ro khác.
Ngày 23/2, NHTW Israel hạ 0,15 điểm % trong lãi suất cơ bản xuống còn 0,1%.
Sang tháng 3, NHTW Ba Lan cũng quyết định hạ lãi suất xuống 1,5% vào ngày 4/3.
Ngày 11/3, NHTW Thái Lan hạ lãi suất cơ bản từ 2% xuống 1,75%. Đến sáng nay ngày 12/3, NHTW Hàn Quốc cũng tuyên bố hạ 0,25 điểm % trong lãi suất cơ bản xuống thấp kỷ lục ở 1,75%.
Như vậy tính đến ngày 12/3, đã có 24 NHTW trên toàn thế giới tham gia vào làn sóng nới lỏng tiền tệ nhằm ngăn chặn nguy cơ giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nguồn DVO/ Market Watch