Thứ Ba | 24/09/2013 16:04

Cuộc chiến ngân sách Mỹ

Đằng sau cuộc chiến chính trị về trần nợ công, chương trình cải cách y tế ObamaCare là cuộc sống của hơn 310 triệu người dân Mỹ.

Mỹ cam kết trong tuần này sẽ ban hành một quy định ngân sách mới để đảm bảo cho những chi tiêu của chính phủ sau ngày 1/10/2013. Nếu cả hai viện của Quốc hội nước này không đạt được một thỏa thuận như vậy, nhiều dịch vụ do nhà nước cung cấp có khả năng phải ngừng hoạt động, như tình cảnh nước Mỹ đã từng trải qua dưới thời Tổng thống Bill Clinton hồi tháng 12/1995 và tháng 1/1996.

Cuộc đàm phán về ngân sách giữa các thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa chứa đựng nhiều xung đột về quan điểm đối với chương trình cải tổ hệ thống chăm sóc y tế của Tổng thống Barack Obama, thường gọi là ObamaCare.

Hạ viện Mỹ, dưới quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa đã thông qua kế hoạch ngân sách tạm thời trong giai đoạn 1/10 - 15/12 năm nay trị giá 986 tỷ USD. Tuy nhiên, đáng chú ý là không có khoản ngân sách nào cho ObamaCare.

Như vậy, đã có tất cả 42 lần Đảng Cộng Hoà bỏ phiếu chống lại chương trình của Tổng thống Obama.

Tham vọng của ông Obama là cung cấp bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người trước năm 2014, tài trợ cho chương trình này, Obama đề nghị tăng thuế 5% đối với nhóm người giàu có thu nhập trên 1 triệu USD/năm.

Có thể đặt ra câu hỏi, liệu rằng nhóm thượng lưu tại Mỹ có đang phải làm vậy hay không khi chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed từ sau khủng hoảng đang không ngừng làm giàu cho lợi ích nhóm của tầng lớp thượng lưu, nhưng không một chút dù chỉ là “nhỏ giọt” – xuống những người dân Mỹ có thu nhập trung bình.

Thêm nữa, đằng sau tỷ lệ thất nghiệp giảm trong nhiều tháng gần đây là những hợp đồng lao động mới với mức lương ít ỏi hơn.

Từ hơn 9 tháng nay, trên các đường phố từ Manhattan cho đến Chicago, St.Louis, Kansas, Detroit hay Washington,... đâu đâu cũng có thể bắt gặp những cuộc biểu tình của người lao động tại các cửa hàng ăn nhanh của Mỹ, những người chỉ nhận được mức lương tối thiểu 7,25 USD/giờ, chỉ bằng 70% so với năm 1968 (tính theo ngang giá sức mua).

Tổ chức Dự án luật Người lao động Quốc gia Mỹ (NELP) nhấn mạnh rằng, trong quá trình hồi phục kinh tế hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, những việc làm lương thấp đã tăng nhanh gấp 2,7 lần so với những công việc tầm trung và những công việc được trả lương cao và Mỹ là một trong số đó.

Chính Tổng thống Obama cũng đồng ý với mức lương tối thiểu cao hơn cho người lao động, khoảng 9 USD/giờ. Tuy nhiên, cũng như ObamaCare và trần nợ công,...tất cả vẫn đang rơi vào bế tắc.

Những tranh đấu chính trị sẽ trở thành vô nghĩa nếu những vấn đề của người dân không được giải quyết. Bản thân người phát ngôn viên sau cuộc bỏ phiếu chống lại ObamaCare lần thứ 42 cũng phát biểu, đây là chiến thắng cho người Mỹ, những người không muốn nước Mỹ vỡ nợ vừa phản đối chương trình cải cách y tế của Tổng thống Mỹ. Chắc chắn, phần đông trong số đó là tầng lớp thương lưu tại Mỹ.

Nhưng nên nhớ 46,5 triệu người (tức khoảng 15% dân số Mỹ) vẫn đang phải sống với thu nhập dưới ngưỡng nghèo. Đồng thời trong năm 2012, cũng có khoảng 48 triệu người vẫn không có bảo hiểm y tế, tương đương 15,4% dân số, một tỷ lệ gần như không được cải thiện so với những năm trước.

Chuyện nước Mỹ như thế nào sau tháng 10 đang nằm trong tay các nhà lãnh đạo Mỹ. Thời khắc quyết định đang tới gần bởi đến giữa tháng 10 tới, nợ công của Mỹ sẽ chạm trần 16.700 tỷ USD. Bên cạnh câu chuyện kinh tế và khả năng vỡ nợ, chính là cuộc sống của hơn 310 triệu người dân Mỹ nhưng cái khó nằm ở chỗ, phải lựa chọn giữa quyền lợi của các nhóm lợi ích, giữa tài khoá nghiêm ngặt với nguy cơ vỡ nợ và liệu lần này Mỹ sẽ làm gì để tránh khỏi sai lầm đã mắc phải 13 năm trước?

Nguồn Dân Việt


Sự kiện