Ảnh: Bloomberg.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 26/05/2023 08:52

Cuộc chiến kinh tế của Nga và phương Tây lên mức căng thẳng mới

Điện Kremlin đã bắt đầu leo thang trả đũa và tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm tạm thời quốc hữu hóa tài sản của nước ngoài tại nước này.

Cuộc đối đầu kinh tế của Nga với phương Tây sau cuộc tấn công Ukraine của điện Kremlin đang bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới. Cho đến nay, Moscow chủ yếu tập trung các biện pháp trả đũa nhằm siết chặt thị trường năng lượng châu Âu. Nhưng sau một loạt phán quyết của tòa án tại châu Âu về việc đóng băng tài sản của Nga tại châu lục này, điện Kremlin đã bắt đầu leo thang trả đũa và tạo ra khuôn khổ pháp lý nhằm tạm thời quốc hữu hóa tài sản của nước ngoài tại nước này.

Các dự án tiêu tốn hàng tỉ USD và mất nhiều năm gầy dựng của phương Tây đang bị đe dọa, và có khả năng chính phủ Nga sẽ có cách tiếp cận "theo hướng cá nhân hóa" đối với các bên liên quan của nước ngoài và cố gắng châm ngòi cho sự chia rẽ mới ở phương Tây, đồng thời giúp các nhóm lợi ích tại Nga hưởng lợi. Những nạn nhân đầu tiên của chính sách mới - tài sản tại Nga của 2 công ty năng lượng châu Âu gồm Fortum của Phần Lan và Uniper của Đức - gần đây đã được quản lý tạm thời theo một sắc lệnh của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Những động thái của điện Kremlin dường như được châm ngòi bởi phán quyết của tòa án hành chính liên bang tại thành phố Leipzig (Đức) liên quan tới công ty dầu khí nhà nước Rosneft của Nga, do ông Igor Sechin, một đồng minh lâu năm của Tổng thống Putin, đứng đầu. 

Vào tháng 9 tòa án Đức đã đưa tài sản tại Đức của Rosneft vào diện giám sát của cơ quan quản lý năng lượng quốc gia. Trước đó, Rosneft là công ty lọc dầu lớn thứ 3 tại Đức, chiếm hơn 12% tổng công suất lọc dầu của nước này.

Hành động của Đức bắt nguồn từ một số hậu quả ngoài ý muốn của các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga kể từ cuộc chiến với Ukraine. Nhà máy lọc dầu của Rosneft tại Schwedt ở Đông Bắc nước Đức đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của khu vực Berlin. Nhưng với việc cổ đông lớn nhất của Rosneft, ông Igor Sechin, nằm trong diện bị trừng phạt, công ty không thể hoạt động bình thường: các giao dịch liên quan đến các thực thể bị trừng phạt là bất hợp pháp và có nguy cơ bị rút vốn.

 

Ở Moscow, những hành động như vậy của chính quyền châu Âu ngày càng bị coi là hành động “ăn cướp giữa ban ngày”, và những người có lập trường ở điện Kremlin sẽ không chỉ ngồi yên và nhìn. Các quy định về việc rút khỏi thị trường Nga dành cho các công ty phương Tây được đưa ra vào tháng trước chỉ là một phần trong chiến lược trả đũa của Nga. Các quy định này chỉ cho phép doanh nghiệp phương Tây bán cổ phần trong các dự án hợp tác cùng đối tác Nga với giá 50 USD. Ngoài ra, họ cũng phải “tự nguyện đóng góp” cho ngân sách của Nga từ 5-10% giá trị tài sản.

Sắc lệnh của ông Putin trao cho cơ quan quản lý tài sản liên bang quyền kiểm soát các tài sản của phương Tây bị ảnh hưởng bởi yêu cầu ngừng hoạt động ở Nga. Nhiệm vụ của cơ quan này là định giá các tài sản này và sau đó bán chúng cho người Nga. 

Với cơ chế pháp lý mới, nhiều khả năng điện Kremlin sẽ không áp dụng cách tiếp cận thống nhất với các nhà đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, điện Kremlin sẽ giảm giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài tùy thuộc vào mối quan hệ của họ ở Nga. Một ví dụ điển hình cho việc này là Moscow đã trả cho công ty dầu khí Shell của Anh hơn 1 tỉ USD để mua lại cổ phần của họ tại mỏ dầu khí Sakhalin-2.

Kết quả là, các công ty phương Tây có thể rơi vào tình trạng lấp lửng. Ở phương Tây, họ đang chịu áp lực phải cắt đứt quan hệ với Nga, nhưng lệnh trừng phạt cấm họ bán cổ phần của mình cho phần lớn các doanh nghiệp Nga. Trong khi đó, việc tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Nga có thể được xem là ủng hộ cuộc chiến của ông Putin. Do đó, ngày càng có nhiều công ty như vậy dường như mất trắng khoản đầu tư của họ vào Nga.

Có thể bạn quan tâm:
 YouTube đóng góp 35 tỉ USD vào nền kinh tế Mỹ

Nguồn FT