Cuộc chiến kim tiền
Cuộc chiến thương mại của Trung Quốc nhằm vào Mỹ đã diễn ra nhiều năm qua. Chúng tôi quyết tâm giành chiến thắng”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu, khi trả lời phỏng vấn Fox News ngày 23.9 về vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Trung Quốc cũng không chịu nhún nhường và đột ngột hủy đàm phán thương mại với Mỹ. Lý giải cho sự việc đó, một quan chức Trung Quốc cho biết: “Trung Quốc sẽ không đàm phán trong tình trạng bị dí súng vào đầu”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp gỡ cử tri tại bang Missouri. Ông Trump tự tin cho biết “vẫn còn dư đạn” trong cuộc chiến tranh thương mại và sẵn sàng để đối đầu. “Nếu họ (Trung Quốc) trả đũa, chúng ta sẽ đáp trả còn mạnh tay hơn nữa. Rồi họ sẽ muốn thương lượng và lúc đó chúng ta sẽ xem xét”, ông Trump nói.
Từ ngày 24.9, nhập khẩu các sản phẩm trong năm 2017 trị giá tới 189 tỉ USD, bao gồm đồ nội thất, máy tính và phụ tùng xe hơi, sẽ bị đánh thuế 10%. Những người am tường kế hoạch của chính quyền Mỹ nói rằng ông Trump dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố chính thức để thực thi một đợt áp thuế quan tiếp theo, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ bao gồm hầu như tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, tổng cộng 505 tỉ USD trong năm ngoái.
Điều gì khiến cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cứng rắn như vậy? Câu trả lời chính là dòng vốn đầu tư mạnh mẽ tại thị trường nội địa Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh những thế mạnh nội tại kinh tế khác. Theo báo cáo “dòng vốn đầu tư” tháng 9 của Công ty Chứng khoán SSI, dù việc chiến tranh thương mại leo thang đã trở thành hiện thực, song diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc lại không quá tiêu cực, khi chỉ số Shanghai Composite Index và CNY đều đi ngang.
Nguyên nhân cho xu thế ấy là sự rót vốn (inflow) liên tục vào các quỹ đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc. Tính thời điểm, tuần ngay sau khi Mỹ áp thuế đợt 1 (tháng 6) và đe dọa áp thuế đợt 2 (tháng 9), inflow lại tăng mạnh lên trên 1 tỉ USD, gấp nhiều lần những tuần liền trước. Theo nhiều chuyên gia, xu thế inflow có thể không nhất thiết phải đến từ thị trường tư nhân.
Dù xuất phát từ nguyên nhân gì, sự ổn định của dòng vốn và dự trữ ngoại hối dồi dào giúp thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ khó có xu hướng đảo chiều tiêu cực. Trong 3 tháng vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc luôn đi ngang và đứng trên 3.000 tỉ USD.
Về phía Mỹ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và tỉ lệ thất nghiệp thấp, dòng vốn vào thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng cao. Theo báo cáo của SSI, trong 4 tuần gần nhất, Mỹ có inflow 3 tuần và inflow ròng trong 4 tuần là 9,1 tỉ USD. Tính chung từ lúc chiến tranh thương mại nổ ra, tổng inflow vào các quỹ cổ phiếu của Mỹ là 20,7 tỉ USD - điều khiến chứng khoán Mỹ tăng và các thị trường mới nổi giảm.
Trong tháng 9.2018, chỉ số S&P 500 đạt hơn 105 điểm từ mức 99 điểm hồi tháng 6.2018. Thị trường Mỹ đang có sức hút với dòng vốn rõ nhất khi so sánh với các nhóm thị trường còn lại. Trong các thị trường phát triển, thị trường Tây Âu bị rút vốn liên tục còn thị trường Nhật thêm bớt không đáng kể từ tháng 4.
Aleksandr Losev, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Sputnik, cho rằng sau các cuộc chiến tranh thương mại sẽ là các cuộc chiến tiền tệ. Theo ông Losev, điều này rất dễ đẩy thế giới vào tình trạng hỗn loạn, nhưng sau đó sẽ khôi phục sự cân bằng. Ông Losev nhắc lại rằng Trung Quốc đang xem xét hạ giá đồng nhân dân tệ như là vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại. Về phần mình, ông Trump, người vận động cho đồng USD mạnh trong chiến dịch bầu cử Tổng thống, cũng đã bắt đầu làm suy yếu đồng tiền này kể từ khi lên nắm quyền.
Tình hình này cũng đặt ra bài toán cho chính sách tiền tệ của Việt Nam.Sự kiện nhân dân tệ sụt giảm vào giai đoạn đầu của chiến tranh thương mại đã kéo hàng loạt đồng tiền sụt giảm theo, trong đó có tiền đồng của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu so với các đồng tiền trong khu vực, tiền đồng lại có mức sụt giảm khá ít khi neo với nhân dân tệ, sự sụt giảm chỉ tiệm cận mức 2,5%. Nhiều chuyên gia đánh giá, sự sụt giảm ấy là xu thế phù hợp, khi tiền đồng bám đuổi xu thế đi xuống chung của thị trường.
Đến thời điểm hiện tại, tài khoản vãng lai của Việt Nam ước tính thặng dư hơn 8,2 tỉ USD. Thêm vào đó, ngân sách Việt Nam cũng ước tính thặng dư hơn 15.000 tỉ đồng cho 7 tháng đầu năm 2018. Những yếu tố trên tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định đồng nội tệ.
Về xuất khẩu, khi sản phẩm Trung Quốc bị áp mức thuế quan cao hơn, đồng nghĩa sản phẩm Việt Nam trở nên rẻ hơn khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chẳng hạn, theo Công ty Chứng khoán ACBS, căng thẳng thương mại có thể giúp ngành cá da trơn Việt Nam chiếm thêm 5,2% thị phần tại thị trường Mỹ. Tính đến hiện tại, kim ngạch xuất khẩu cá da trơn của Việt Nam đến Mỹ đạt hơn 255,3 triệu USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn nhất nhì của Việt Nam. Tỉ giá VND/USD không thể đứng yên khi tỉ giá USD/nhân dân tệ lên xuống vì Việt Nam đang nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Nếu tiền đồng không giảm giá so với USD một cách tương đối so với mức độ giảm giá của nhân dân tệ đối với USD, thì hàng hóa Trung Quốc sẽ vào Việt Nam dễ dàng hơn. Để bảo vệ nền sản xuất trong nước, tỉ giá hối đoái sẽ bắt buộc phải biến động hợp lý.
→Nợ bất hợp pháp của Trung Quốc tăng mạnh vì chiến tranh thương mại
→Khi Mỹ-Trung hành động bất chấp luật lệ
→Ông Trump thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc