Cuộc chiến 'không đường' của Coca và Pepsi
Tuần trước, PepsiCo tuyên bố giảm bớt lượng đường trong hai phần ba sản phẩm xuống dưới 100 calories cho đến năm 2025. Hiện nay, các sản phẩm nhiều đường chiếm đến 40% tổng sản lượng của PepsiCo.
Đây có thể là một tuyên bố gây sốc của một công ty nước giải khát, nhưng nếu nhìn vào tổng quan thị trường thì nhu cầu cho nước giải khát có gas đang sa sút trầm trọng và PepsiCo phải có một chiến lược mới.
Vào năm 2015, sức tiêu thụ nước giải khát có gas tại Mỹ giảm 1,2% so với 0,9% vào năm 2014 theo báo cáo thường niên của Beverage Digest. Riêng sản lượng của Coca Cola tiêu thụ tại Mỹ giảm 1%, trong khi Pepsi giảm 3,2%.
Lý do sức mua nước giải khát có gas giảm là vì ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tác hại của việc tiêu thụ đường thái quá. Người Mỹ hiện nay dùng đường nhiều hơn 30% so với ba thập kỷ trước - theo báo cáo của Obesity Society và xu hướng dinh dưỡng mới hiện nay tập trung vào việc cảnh báo các tác hại của việc hấp thu quá nhiều đường.
Trước xu hướng đó, Pepsi và Coca-Cola phải tìm cách đa dạng hoá sản phẩm của họ và kích cầu các sản phẩm thay thế như trà, cà phê và nước đóng chai.
Vào tháng 4 vừa qua, CEO của PepsiCo - Indra Nooyi tuyên bố doanh số bán hàng của công ty từ các sản phẩm nước có gas thấp hơn 25%. Tỷ lệ này cũng tương ứng với doanh số của hãng với các sản phẩm "dinh dưỡng tự nhiên" bao gồm nước đóng chai và nước giải khát không đường trong tổng doanh số.
Nooyi cho rằng việc phát triển các sản phẩm mới dựa trên nhu cầu ngày càng khắt khe về dinh dưỡng của khách hàng là "đón đầu tương lai" và "tạo nguồn thu từ sự quan tâm lớn của khách hàng đối với sức khoẻ."
Coca Cola cũng đang có những động thái tương tự. "Từ năm 2000, chúng tôi đã tăng tỷ lệ sản lượng các sản phẩm nước giải khát không ga từ 10% lên gần 30%", COO James Quincey của Coca Cola phát biểu vào tháng 7. Hiện nay, hãng này cũng đang đẩy mạnh các sản phẩm nước trái cây, trà, cà phê và nước đóng chai.
Ngay cả với sản phẩm nước có gas truyền thống, cả hai công ty đều mong muốn giảm lượng đường và calories trong sản phẩm này.
Một cách để đối phó với sức tiêu thụ giảm sút của nước giải khát có gas là giảm kích cỡ của lon và chai nước. Một chai đựng nhỏ hơn đồng nghĩa với việc ít calories hơn trong mỗi chai và điều này làm khách hàng cảm thấy hài lòng. Bao bì nhỏ hơn cũng đồng nghĩa với lợi nhuận cao hơn.
Ví dụ, mỗi chai Coca Cola nhôm dung tích 8,5 ounce (khoảng 250ml) mang về 1,6 USD doanh thu, trong khi mỗi chai nhựa 2 lít chỉ mang về 0,18 USD. Như vậy, bao bì nhỏ mang về doanh thu cao hơn khoảng chín lần loại lớn.
Cắt giảm kích cỡ bao bì cũng khiến hai công ty ghi điểm với các tổ chức chống béo phì. Tuy nhiên, cả hai công ty đều không muốn từ bỏ món nước có gas đã làm nên tên tuổi của họ. Có điều, sản phẩm nước giải khát có gas sẽ không còn là sản phẩm chủ lực của họ nữa. Đáp ứng cầu của khách hàng là yếu tố quyết định sự tồn tại của hai doanh nghiệp này, chứ không hoàn toàn là vì lý do sức khoẻ của người tiêu dùng.
Nguồn VnExpress