Theo công ty tư vấn Oxera, lệnh cấm các chuyến bay dài tới 500km trong EU sẽ chỉ giảm được từ 1-2% tổng lượng khí thải hàng không của khu vực. Ảnh: Getty Images.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 08/03/2024 19:00

Cuộc chiến giữa hàng không giá rẻ và ngành đường sắt châu Âu

Khi tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không chậm lại vì nhiều thách thức liên quan đến môi trường, liệu ngành đường sắt có thể nở rộ?.

Tại châu Âu, các cuộc biểu tình vì môi trường vẫn kéo dài, chống lại ngành hàng không vì tác động đến môi trường của ngành này. Sự tình leo thang đến mức giới chức hoạch định chính sách taị khu vực bắt đầu cân nhắc về việc giảm số lượng chuyến bay để làm giảm tốc độ tăng trưởng khí thải.

Ông Jo Dardenne, Giám đốc hàng không của tổ chức phi chính phủ về môi trường có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Cho đến gần đây, chủ đề này mới trở lại trong các cuộc tranh luận công khai và chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng ngành hàng không phải đối mặt với thực tế là tăng trưởng đang đi ngược lại với mục tiêu về khí hậu của họ ”.

Tuần trước, Tây Ban Nha đã theo chân Pháp công bố lệnh cấm có giới hạn đối với các chuyến bay chặng ngắn. Hà Lan, Đan Mạch và Pháp đã thúc đẩy kế hoạch tăng thuế đối với các chuyến bay, trong khi chính phủ Hà Lan trước đó đã cố gắng áp đặt giới hạn số lượng chuyến bay tại Schiphol.

Nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng cần thừa nhận rằng các chặng bay giá rẻ rất phổ biến với công chúng và họ không có nhiều lựa chọn thay thế. Tòa án Kiểm toán châu Âu, cơ quan đánh giá chính sách của EU, cho biết trong một báo cáo năm 2018 rằng “EU không có kế hoạch dài hạn thực tế nào cho đường sắt cao tốc”.

Cụ thể, theo cơ quan này, cần có 54 tỉ euro cho 8 dự án "khủng" vận tải xuyên biên giới, nhưng EU chỉ chi 3,4 tỉ euro. “Hệ thống đường sắt này khó có thể đi vào hoạt động vào năm 2030”, cơ quan kết luận, mặc dù những nỗ lực cải thiện việc triển khai đã được thực hiện kể từ đó.

 

Tuy nhiên, bất chấp những lợi thế đáng kể mà việc bay so với đường sắt mang lại, nhiều nhà điều hành hàng không lo lắng rằng họ sẽ phải đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý nếu họ không đạt được tiến bộ trong quá trình khử carbon.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, hàng không hỗ trợ gần 5 triệu việc làm ở EU và đóng góp 300 tỉ euro, tương đương 2,1% GDP khu vực. Nhưng ngành cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 4% lượng khí thải carbon của EU. Đây là một trong những nguồn ô nhiễm phát triển nhanh nhất và phải đối mặt với thách thức lớn về mặt công nghệ trong việc khử carbon.

Các hãng hàng không và sân bay châu Âu đã vạch ra một kế hoạch chi tiết vào năm 2021 để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hầu hết điều đó sẽ đạt được thông qua việc chuyển sang nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Các hãng hàng không ở châu Âu cho biết họ đã phải tuân theo các quy định môi trường khắc nghiệt nhất trên thế giới do thuế carbon áp dụng cho các chuyến bay nội châu Âu và 6% nhiên liệu trên mỗi chuyến bay phải là nhiên liệu bền vững tính đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo công ty tư vấn Oxera, lệnh cấm các chuyến bay dài tới 500km trong EU sẽ chỉ giảm được từ 1-2% tổng lượng khí thải hàng không của khu vực.

Ngành này cho biết chi phí ngày càng tăng của cơ chế phát thải của EU sẽ đẩy giá vé lên cao hơn và ngăn cản một số khách đi máy bay. Mức giá mới tương đương với việc khách đi máy bay sẽ đóng góp khoảng 15% vào chi phí giảm lượng khí thải carbon ròng trong lộ trình không có khí thải của ngành. Nói đến phương tiện di chuyển thay thế, chi phí không phải là vấn đề duy nhất cản trở việc đi lại bằng đường sắt. 

Một cuộc khảo sát của Eurobarometer được công bố vào năm 2020 cho thấy rằng mặc dù trở ngại chính đối với các hình thức du lịch xanh hơn là chi phí nhưng 40% số người được hỏi cũng cho rằng tốc độ khá quan trọng. Ngay cả khi tính đến thời gian di chuyển đến và đi qua các sân bay, các chuyến bay hầu như luôn nhanh hơn tàu hỏa hiện nay.

 

Giao thông vận tải cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Quỹ Phục hồi và Chống chịu trị giá 723 tỉ euro của EU, trong khi đường sắt chiếm phần lớn các dự án trong số 25,8 tỉ euro do Quỹ Kết nối châu Âu của EU (CEF) cung cấp cho ngành vận tải.

Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường sắt mới rất tốn kém, thường bị chậm trễ và mất nhiều thời gian để hoàn vốn đầu tư, khiến nó kém hấp dẫn hơn đối với tài chính tư nhân.

Ông Philippe Citroën, tổng giám đốc của Union des Industries Ferroviaires Européennes (Unife), một cơ quan công nghiệp cung ứng đường sắt, cho biết việc thông tuyến các chặng đường sắt quốc tế là cách duy nhất để ngành cạnh tranh với hàng không.

Unife ước tính rằng việc chi 550 tỉ euro cho mạng lưới đường sắt cao tốc “toàn diện” ở châu Âu có thể tăng thêm 750 tỉ euro giá trị kinh tế vào năm 2070. Nhưng những nỗ lực triển khai một hệ thống mới mang tính bước ngoặt trên toàn EU cho đến nay vẫn được triển khai một cách chắp vá và đã tiêu tốn hàng thập kỷ.

Có thể bạn quan tâm: 

Trung Quốc tạo ra 28% tổng tiết kiệm toàn cầu vào năm 2023

Nguồn FT