Cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi tại tiểu vùng sông Mê Kông
Hai nhà sản xuất nước giải khát khổng lồ Coca Cola và Pepsi đang có một trận chiến vừa khốc liệt vừa dai dẳng nhằm chiếm lĩnh thị trường bốn nước tiểu vùng sông Mê Kông: Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Phần thưởng cho người chiến thắng là một thị trường được cho là "biên giới cuối cùng" gần như chưa được khai phá.
Trong diễn biến mới nhất, Coca Cola gần đây đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Lào, nơi Pepsi đang nắm đến 90% thị phần. Tại nhiều quán ăn đường phố ở thủ đô Viêng Chăn (Lào), lượng khách hàng gọi Coca Cola ngày một tăng.
Một nữ công chức 25 tuổi cho biết, Coca Cola là một lựa chọn tốt hiện nay bởi kích cỡ sản phẩm ngày một tăng nhưng giá thì lại giảm đi.
Coca Cola đã đầu tư 30 triệu USD vào một nhà máy đóng chai mới ở vùng ngoại ô Viêng Chăn với công suất có thể đạt 50 triệu lít đồ uống có ga mỗi năm. Nhà máy được vận hành bởi một công ty liên doanh giữa ThaiNamthip - một đối tác đóng chai của Coca Cola tại Thái Lan và một công ty Lào mang tên PT Sole. Nhà máy này đã bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối tháng 8.
Bên cạnh đó, Coca Cola cũng đã tung ra thị trường sản phẩm Coca chai nhựa 450ml với giá 4.000 kip (tương đương 0,5 USD). Trước đây, sản phẩm chủ lực bán tại Lào là loại Coca lon 355ml được nhập từ Thái Lan có giá bán là 5.000 kip.
Sản phẩm mới cùng với mức giá giảm khiến cho mức giá mà người tiêu dùng tại Lào phải trả đã giảm tới 40% so với trước đây.
Trong khi đó, PepsiCo đã có mặt tại Lào từ năm 1971, khi Nhà máy bia Lào, một công ty đồ uống lớn thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu sản xuất nước giải khát bằng cách liên doanh với Pepsi.
Thị phần Coca-cola và Pepsi tại bốn nước Mê Kông. Nguồn: Nikkei |
Ông Pornwut Sarasin, Chủ tịch công ty ThaiNamthip, đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm "lật đổ" PepsiCo để trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong nước trong vài năm tới.
Cuộc đua giành thị trường 1,09 tỷ USD
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường đồ uống có ga tại bốn nước tiểu vùng Mê Kông sẽ có quy mô lên tới 1,09 tỷ USD vào năm 2018, tăng 70% so với năm 2014,
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thúc đẩy gia tăng thu nhập, sức tiêu thụ đồ uống có ga tại các nước này sẽ bùng nổ, đặc biệt là đối với những người tiêu dùng trẻ tuổi.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã dự đoán kinh tế Lào sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, cao hơn mức trung bình 4,6% của 5 nước lớn nhất Đông Nam Á.
Lào là thị trường thứ 207 của Coca Cola. Hãng đang mở rộng mạnh mẽ sự hiện diện tại Lào, vốn được hãng cho là "biên giới cuối cùng".
Tại Campuchia, Coca Cola cũng bắt đầu xây dựng nhà máy đóng chai thứ hai tại Phnôm Pênh trong tháng 8. Hãng bỏ ra 100 triệu USD để đầu tư nhà máy này với công suất gấp đôi nhà máy cũ.
Tại Myanmar, thị trường đồ uống tại nước này chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2011. Trong năm 2013, Coca-cola bắt đầu hoạt động sản xuất khi liên doanh cùng một đối tác tại Myanmar. Hãng đã thâm nhập thị trường thông qua phương pháp tiếp thị truyền thông như tài trợ các sự kiện thể thao cũng như tặng miễn phí tủ lạnh cho các nhà hàng, quán cà phê trưng logo của hãng.
Trong khi đó, PepsiCo mới bắt đầu sản xuất tại Myanmar từ đầu năm 2014 thông qua một liên doanh giữa một công ty Myanmar và tập đoàn Lotte (Hàn Quốc).
Tại Việt Nam, Coca Cola đã bước chân vào thị trường từ năm 1995. Coca Cola hiện diện mạnh mẽ tại miền Bắc, trong khi PepsiCo (liên doanh với Suntory Holdings từ năm 2013) lại đang dẫn đầu thị trường miền Nam.
Nhiều thương hiệu nước giải khát khác cũng đang tìm kiếm chỗ đứng tại thị trường tiểu vùng Mê Kông.
Hòa Bình Group đã tung ra các loại nước giải khát trong đó có V Cola với giá bán thấp hơn 30% so với các sản phẩm của Coca-cola và Pepsi. Công ty này đã tặng 192.000 lon đồ uống các loại trong một chiến dịch tiếp thị hồi tháng 9 năm nay.
Công ty cũng đã chi gần 45 triệu USD để xây nhà máy tại Bắc Ninh. Ngoài V Cola, nhà máy này còn sản xuất bốn loại đồ uống khác, bao gồm đồ uống thể thao và nước tăng lực. Công suất nhà máy có thể đạt 200 triệu lít mỗi năm, ngang bằng với nhà máy Coca Cola và PepsiCo, Hòa Bình Group cho biết.
Ba nhà sản xuất nội địa của Myanmar cũng chiếm đến một phần ba thị phần nước này vào năm 2011. Hai trong số đó đã hình thành liên doanh với hai nhà sản xuất lớn trên thế giới sau khi Myanmar mở cửa thị trường. Công ty còn lại, Loi Hein, đang tìm cách đẩy mạnh việc mở rộng thị trường với loại đồ uống riêng của hãng mang tên Blue Moutain Cola.
Trường Văn
Nguồn Nikkei