Cuộc chiến FDI nơi mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á?
Đất nước Myanmar bắt đầu mở cửa đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên từ rất sớm. Ngày 30/11/1988, Luật đầu tư nước ngoài của Myanmar ra đời, tạo khung pháp lý quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngay sau đó, trong năm tài khóa 1989-1990, tổng vốn FDI vào Myanmar đạt 449 triệu USD. Những tưởng FDI sẽ tiếp tục tăng, nhưng trái lại, suốt từ năm 1991-2005, Myanmar không thu hút được nhiều FDI, năm cao nhất còn chưa bằng một nửa thời điểm sau khi ban hành hành Luật đầu tư nước ngoài.
Sau hơn 20 năm mở cửa Myanmar vẫn không được để ý tới nhiều. Phần lớn các nước có vốn FDI vào nước này thuộc khu vực ASEAN, chiếm 51,64% trong năm 2008, nhưng tổng vốn cũng không lớn.
Tính tới tháng 2/2012, tổng số đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Myanmar đạt hơn 40 tỷ USD với 460 dự án từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao, tỷ lệ giải ngân chỉ khoảng 50 %.
Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Myanmar còn nhiều bất cập, hệ thống dịch vụ ngân hàng yếu kém, hệ thống thông tin lạc hậu, hàng rào thuế quan quá cao và đặc biệt do chịu lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu.
Bước ngoặt lịch sử năm 2011
Mọi điều thế giới biết về Myanmar thời gian qua là sự đổi mới, mở cửa của đất nước này. Tuy nhiên, một sự kiện quan trọng quyết định sự thay đổi thì lại bị bỏ qua: Ngày 31/1/2011, bản Hiến pháp mới chính thức có hiệu lực. Điều 35, Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Myanmar ghi rõ: chế độ kinh tế của Myanmar là kinh tế thị trường.
Tổng thống Thein Sein lên nhậm chức vào tháng 3/2011, cũng mang theo những lời hứa thay đổi chính sách, thuận lợi, thông thoáng hơn với đầu tư nước ngoài. Sau đó mới đến bước ngoặt thực sự thường được nhắc đến là Mỹ và Liên minh châu Âu quyết định dỡ bỏ cấm vận từng phần từ năm 2011.
Hiệu quả đến ngay tức thì. Dòng vốn FDI năm tài khóa 2010-2011 đột nhiên cao bất ngờ, với giá trị lên đến gần 20 tỷ USD, nhiều hơn cả 2 thập niên trước đó cộng lại và thậm chí đã vượt cả Việt Nam.
Tuy nhiên, lệnh cấm vận kéo dài hàng chục năm trước đó, khiến cho Mỹ và EU không phải là những nước giành được "miếng bánh ngon nhất". Vậy hiện tại, nước nào đang nắm thế thượng phong trên thị trường Myanmar?
Miếng bánh ngon lành nhất thuộc về ai?
Trong số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Myanmar, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, với gần 14 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 thị phần.
Xếp thứ 2 là các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, với gần 9,6 tỷ USD, chiếm 23,66%.
Động cơ chủ yếu của các nhà đầu tư nước ngoài đến Myanmar là tìm kiếm nguồn tài nguyên, điều này thể hiện rõ qua cơ cấu lĩnh vực đầu tư khi có đến 47% đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và 34% đầu tư vào khí đốt và dầu mỏ. Chỉ riêng 2 lĩnh vực này đã chiếm hơn 80% tổng vốn FDI, một sự chênh lệch rất lớn so với các lĩnh vực còn lại.
Trung Quốc đang sở hữu miếng bánh lớn nhất trên thị trường Myanmar. Tuy nhiên sắp tới, khi các lệnh cấm vận được gỡ bỏ, những cường quốc như Mỹ hay các nước châu Âu cũng chẳng hề giấu diếm tham vọng đặt chân lên "mảnh đất vàng cuối cùng" của châu Á.
Cuộc cạnh tranh sắp tới không chỉ còn là câu chuyện của riêng các nước ASEAN như hai thập kỷ qua, mà chắc chắn cả thế giới sẽ bị lôi cuốn theo dòng chảy này. Một câu hỏi cũng được đặt ra là liệu Myanmar đã sẵn sàng chào đón tất cả?
Nguồn Dân Việt