Cuộc chiến du học: Ai đang giành phần thắng?
Montana Hischowitz nhớ rất rõ ngày mà cô quyết định đi du học: một đêm nọ khi cô lên 10 tuổi, những tên cướp có vũ trang đã đột nhập vào nhà cô ở Johannesburg (Nam Phi), đe dọa khủng bố. Còn Jehanne Aghzadi từ Morocco đã học các trường của Mỹ suốt những năm tháng tuổi thơ và vì thế cô muốn tiếp tục con đường này. Joy Lin thì đang tìm chương trình học chất lượng hơn so với ở Trung Quốc với các hoạt động xã hội tại trường và cơ hội tích lũy kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp.
Điểm đến của 3 sinh viên này là Đại học Miami ở Florida (Mỹ). Họ quyết định du học vì nhiều lý do khác nhau nhưng tựu trung lại tất cả đều vì khí hậu tốt, chương trình học chất lượng, nổi bật về các môn mà họ thích, chương trình hỗ trợ sinh viên, trong đó có việc cấp học bổng.
Hischowitz, Aghzadi và Lin đều là một phần trong một xu hướng đang phổ biến hiện nay: ngày càng có nhiều sinh viên đang học đại học, cao đẳng ở nước ngoài. Sinh viên quốc tế giờ chiếm một tỉ trọng đáng kể tại một số quốc gia. Ở Úc, con số này là 25%, trong khi có khoảng 1 triệu sinh viên nước ngoài đang theo học các trường cao đẳng, đại học tại Mỹ. Trên toàn cầu, hiện có 4,5 triệu sinh viên quốc tế, tăng từ mức 2 triệu của năm 2000 và dự kiến sẽ tăng lên mức 7-8 triệu vào năm 2025, nhờ dân số tăng và thu nhập cao hơn tại các nước đang phát triển, vốn có nền giáo dục chưa hoàn thiện.
Hiện nay các quốc gia nói tiếng Anh có lượng sinh viên sang du học cao nhất, vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế. Pháp thì quá đỗi quen thuộc với học sinh đến từ các trường học tiếng Pháp trên khắp thế giới mà Chính phủ Pháp tài trợ. Đức bắt đầu cung cấp các khóa học sau đại học bằng tiếng Anh và đã miễn học phí thậm chí cho các sinh viên nước ngoài, nhờ đó cũng thu hút lượng lớn sinh viên đến nước này du học.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn dẫn đầu với 975.000 sinh viên nước ngoài trong năm 2014-2015. Các trường đại học tốt nhất của Mỹ từ lâu đã thu hút những bộ óc thông minh nhất từ nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, thường “chiêu dụ” họ với những suất học bổng hào phóng. Nhưng so với tổng số sinh viên, tỉ trọng sinh viên nước ngoài lại không cao: chỉ 5% sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học đến từ bên ngoài nước Mỹ.
Một lý do là các quy định về thị thực được siết chặt hơn từ sau cuộc tấn công khủng bố năm 2001. Một lý do khác là sinh viên phải được đặc cách mới có thể làm việc ở bên ngoài trường trong khi đang đi học và rất khó để ở lại và làm việc quá lâu sau khi tốt nghiệp. Cũng rất khó xin thị thực trong trường hợp ở lại làm việc dài hạn. Vì thế, nhiều sinh viên hầu bao không rủng rỉnh đã chọn sang nước khác để giảm bớt phần nào chi phí.
Mặt khác, hầu hết các trường ở Mỹ từ chối chi hoa hồng cho các công ty tư vấn du học. Theo hãng tư vấn i-graduate, các công ty tư vấn du học xếp Mỹ là điểm đến hấp dẫn nhất, nhưng lại ít “tiến cử” các trường đại học Mỹ cho sinh viên vì họ hầu hết đều sống nhờ vào hoa hồng.
Các sinh viên thường chọn quốc gia muốn đến, sau đó mới quyết định chọn nộp đơn vào trường nào. Điều đó có nghĩa là các chiến lược quảng bá đất nước đóng vai trò rất quan trọng, theo Mark Reid, phụ trách bộ phận tuyển sinh quốc tế thuộc Đại học Miami. Nhưng Mỹ lại không có chiến lược quảng bá nào, buộc các trường đại học phải tự mình quảng bá hình ảnh ra nước ngoài để thu hút học viên.
Reid và các đồng nghiệp thuyết trình tại các trường quốc tế và dự các hội chợ thương mại tại khoảng 65 quốc gia mỗi năm để giới thiệu về trường mình. Nỗ lực này đã có kết quả khả quan: tỉ trọng sinh viên nước ngoài của Đại học Miami gấp 3 lần mức trung bình của nước Mỹ. Sinh viên người Mỹ Latinh thích sống trong một thành phố mà có nhiều người nói tiếng Tây Ban Nha. Sinh viên Trung Quốc trở nên hứng thú với Đại học Miami từ năm 2009 khi Miami đã lọt vào tốp 50 trường đại học hàng đầu của Mỹ do US News & World Report bình chọn.
Ngược lại, Úc đã từ lâu xem sinh viên quốc tế (và các khoản học phí mà họ nộp) là một vấn đề ưu tiên của đất nước. Giáo dục là ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của nước này, chỉ đứng sau ngành khai khoáng, trị giá lên tới 15 tỉ USD vào năm 2015. 25% sinh viên của nước này (trong các khóa quản trị kinh doanh, con số này xấp xỉ 50%) là sinh viên nước ngoài.
Trong khi đó, tại Canada, cách đây một thập niên, chính phủ nước này đã quyết định các trường đại học phải gia tăng năng lực tài chính bằng cách tuyển nhiều sinh viên nước ngoài hơn (trả học phí cao hơn) và sau khi tốt nghiệp, các sinh viên đó sẽ là nguồn lao động trẻ chất lượng, có giá trị. Các quy định nhập cư cũng hoàn toàn thuận lợi, theo Paul Brennan, Phó Chủ tịch bộ phận hợp tác quốc tế của tổ chức giáo dục Colleges and Institutes Canada. Nhưng đó là thời gian gần đây, trong khi lúc trước, không có rõ ràng về con đường học tập và làm việc cũng như định cư lâu dài tại Canada.
Hiện tại, nếu sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, họ có thể ở lại Canada tới 3 năm, phụ thuộc vào độ dài khóa học của họ. Kinh nghiệm việc làm này là một điểm cộng nếu họ nộp đơn xin định cư lâu dài. Sự hợp tác giữa các trường cao đẳng, đại học và văn phòng nhập cư Canada đã giúp giảm tỉ lệ từ chối thị thực đối với sinh viên Ấn Độ, một thị trường mục tiêu của nước này. 25% trong số các sinh viên nước ngoài (và phân nửa trong số đó đến từ Ấn Độ và Trung Quốc) đã được cấp phép định cư.
Nước Anh cũng kết hợp giữa chính sách liên quan đến sinh viên quốc tế với chính sách nhập cư. Các trường đại học của Anh được xem là “đỉnh” đối với sinh viên nước ngoài. 14% sinh viên tại các trường đại học của Anh đến từ bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). Thêm 5% đến từ các nước EU khác. Trong năm 2013-2014 các trường đại học Anh thu về 3,3 tỉ bảng Anh số tiền học phí do các sinh viên không đến từ EU đóng, chiếm 13% tổng doanh thu.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các quy định thị thực của Anh đã được siết chặt hơn, chi phí làm hồ sơ tăng, việc sinh viên làm bán thời gian trong thời gian đi học bị hạn chế, sinh viên muốn ở lại Anh sau khi tốt nghiệp cũng trở nên khó hơn. Kết quả của các chính sách nói trên thể hiện rõ qua các con số. Trong năm 2014-2015 số sinh viên mới từ bên ngoài EU đã giảm 3%, trong khi số sinh viên nước ngoài trên toàn thế giới tăng mạnh.
Ở phía ngược lại, chất lượng đào tạo ở một số quốc gia mà từ lâu đưa nhiều sinh viên ra nước ngoài du học cũng đang tăng lên. Singapore và Hồng Kông, chẳng hạn, đang trở nên được ưa chuộng: trong số các sinh viên châu Á đi học ở nước ngoài, tỉ lệ du học sang các nước châu Á đã tăng từ mức 36% năm 1999 lên mức 42% vào năm 2007. Và ngày càng nhiều sinh viên chọn du học theo kiểu “xuyên quốc gia” hơn là du học quốc tế, theo Michael Peak, Giám đốc Nghiên cứu về giáo dục và xã hội tại British Council. Một ví dụ là kiểu trộn lẫn và kết hợp với các chương trình trong nước và nước ngoài, bằng cách học những năm đầu ở trong nước và chỉ ra nước ngoài học vào năm cuối của chương trình. Xu hướng này thấy rõ nhất ở chương trình đào tạo cấp điều hành, vốn có mục đích học hỏi kinh nghiệm quốc tế hơn là tìm kiếm cơ hội làm việc ở một nước giàu, theo Andrew Crisp, đồng sáng lập CarringtonCrisp, một công ty marketing về giáo dục.
Các nước nói tiếng Anh hưởng lợi rất lớn từ sinh viên quốc tế, không chỉ từ các khoản học phí cao và chi tiêu mà sinh viên bỏ ra trong thời gian du học. Sinh viên quốc tế còn đóng vai trò như đại sứ “phi chính thức” khi trở về nước và xoa dịu tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề trong thời gian còn ở lại. Một số nước đã chớp lấy cơ hội này như Canada, Úc. Một số khác chưa phải là điểm đến được lựa chọn của các sinh viên du học thì nay đang tìm cách giành lấy thị phần. Nhật, chẳng hạn, đặt mục tiêu đạt 300.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2020, cao hơn 60% so với hiện tại. Malaysia thì muốn tăng gần gấp đôi con số hiện nay lên mức 250.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2025.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist