Ảnh minh hoạ
Cuộc chiến "Danh sách đen" Mỹ-Trung
Mỹ-Trung “ăn miếng trả miếng”
Trong khi đó, theo Reuters, ngày 22.5, Bộ Thương Mại Mỹ đã thông báo bổ sung 33 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách đen bị Mỹ trừng phạt kinh tế.
Trước đó, ngày 15.5, chính quyền Tổng thống Donald Trump ra quyết định áp đặt lệnh trừng phạt mới cho tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc là Huawei, yêu cầu các doanh nghiệp dùng phần mềm hoặc thiết bị của Mỹ để sản xuất và bán chip cho hãng viễn thông Trung Quốc phải có giấy phép.
Xem thêm: Người Mỹ muốn "đánh chìm" Huawei!
Chính quyền Mỹ mở rộng “danh sách đen” vào lúc Quốc hội Trung Quốc đang thảo luận về luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông. Trong đó có nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phần mềm nhận diện, vẫn phải mua các chi tiết công nghệ Mỹ. Các đối tượng bị đưa vào danh sách đen sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ hoặc các sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài theo công nghệ Mỹ.
Để trả đũa, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đang được cho là chuẩn bị một “Danh sách đen”, bao gồm các cá nhân, tổ chức và các công ty nước ngoài hạn chế hoặc chặn hoàn toàn các chuỗi cung ứng với Trung Quốc hay thực hiện các hành vi phân biệt đối xử vì lý do phi thương mại hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các công ty Trung Quốc cũng như người tiêu dùng, công ty khác trên toàn cầu.
Những công ty nằm trong “danh sách đen” của Trung Quốc sẽ phải đối mặt một số biện pháp hành chính và pháp lý cần thiết. Nhiều thông tin cho thấy, các công ty này gồm: Apple, Qualcomm, Cisco và Boeing.
Trung Quốc chuyển chủ thuyết mới?
Dù gần như khống chế được dịch bệnh, nhưng những hậu quả đối với kinh tế sẽ Trung Quốc dự báo sẽ còn kéo dài và rất khó dự báo. Lần đầu tiên trong lịch sử của Trung Quốc, nền kinh tế nước này trong quý I đã sụt giảm 6,8% do dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động gần như bị ngưng trệ.
Ngoài khủng hoảng Covid-19 đang làm tê liệt toàn thế giới, Trung Quốc còn đang đối đầu với đe dọa của tổng thống Mỹ Donald Trump áp các thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt Bắc Kinh, mà ông tố cáo là đã che giấu dịch bệnh, khiến cho hiện nay đã có hơn 300 ngàn người chết trên thế giới vì virus corona.
Vì thế, trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không đề ra một mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo lời Thủ tướng Lý Khắc Cường, để hỗ trợ nền kinh tế, Nhà nước Trung Quốc sẽ để cho thâm thủng ngân sách năm nay tăng lên thành 3,6% GDP (so với mức 2,8% năm ngoái), tức là sẽ tăng thêm 1.000 tỉ nhân dân tệ. Ông Lý Khắc Cường cũng loan báo việc phát thành trái phiếu “Coronabonds”, huy động 1.000 tỉ nhân dân tệ để khắc phục hậu quả kinh tế của dịch Covid-19.
Tổng cộng 2.000 tỉ nhân dân tệ sẽ được dùng để hỗ trợ việc làm và toàn bộ sẽ được chuyển cho các chính quyền địa phương, được yêu cầu phải thắt lưng buộc bụng và giành ưu tiên cho chính sách tạo công ăn việc làm, vào lúc mà tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 6%.
Đáng chú ý, theo Asia Times, tài liệu chuẩn bị cho Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc gồm 33 điểm. Trong đó, sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (BRI) không còn là một trong những ưu tiên hàng đầu nữa, mà ưu tiên được dành cho việc xóa nghèo đói, duy trì trật tự xã hội và mở rộng phát triển các cảng nước sâu ở Trung Quốc và nước ngoài
Chiến lược này hướng nhiều hơn vào trong nước và đề cao khái niệm “Thời đại mới” trong bối cảnh thế giới đang cố tìm ra một mô hình phát triển mới. Có vẻ như chủ thuyết chính của Trung Quốc đã chuyển từ “Giấc mơ Trung Hoa” sang chủ thuyết về một “Thời đại mới”, bao gồm một khái niệm mới về an ninh quốc gia, dựa nhiều vào công nghệ cao.