Lạm phát ở Anh giảm trong tháng 10 nhưng Ngân hàng Trung ương Anh cho biết còn quá sớm để nghĩ đến việc cắt giảm lãi suất. Ảnh: Shutterstock.
Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu đã sang trang mới
Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến kéo dài 2 năm của các Ngân hàng Trung ương trước tình trạng giá cả tăng cao.
Mức tăng trưởng giá tiêu dùng giảm xuống dưới 5% ở Anh vào tháng trước và khoảng 3% ở Mỹ và khu vực đồng Euro, bước ngoặt này đang làm tăng kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương có thể chuyển sang cắt giảm lãi suất vào năm tới.
Tức nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn sẽ được cứu trợ, khả năng “hạ cánh mềm" sẽ dễ xảy ra hơn sau một loạt đợt tăng lãi suất lịch sử, mà không làm tăng tỉ lệ thất nghiệp. Đặc biệt là tại châu Âu, nơi đang trên bờ vực suy thoái.
Trong phần lớn thời gian của năm nay, các nhà kinh tế học đã băn khoăn tại sao tăng trưởng và lạm phát không giảm tốc mạnh hơn dưới áp lực của lãi suất cao. Giờ đây, ngày càng có nhiều bằng chứng rõ ràng rằng lãi suất cao đã bắt đầu phát huy mạnh tác dụng bị trì hoãn đối với tăng trưởng và lạm phát.
Ông Stefan Gerlach, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ireland, cho biết: “Đây chắc chắn là một bước ngoặt đối với lạm phát. Các nhà đầu tư có thể ngạc nhiên về tốc độ cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương trong năm tới, có thể là 1,5 điểm phần trăm”.
Sự thay đổi của giá tiêu dùng so với năm 2022 (theo %). Ảnh: WSJ. |
Việc lạm phát đồng loạt giảm ở các châu lục nói lên một điều rằng nguyên nhân ban đầu đẩy lạm phát tăng cao tại các quốc gia khác nhau là giống nhau, như đại dịch COVID-19 và cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Những yếu tố đó đã thắt chặt chuỗi cung ứng toàn cầu, làm giảm lực lượng lao động và khiến giá năng lượng tăng cao, đặc biệt là ở châu Âu. Khi những nguyên nhân đó thuyên giảm, áp lực giá cả tự nhiên sẽ giảm theo.
Lạm phát cũng được thúc đẩy bởi các yếu tố liên quan đến nhu cầu, chẳng hạn hàng ngàn tỉ USD tiền kích cầu của Chính phủ Mỹ, cũng như nhu cầu bị dồn nén và tiền tiết kiệm mà người tiêu dùng tích lũy được trong đại dịch. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là lý do vì sao lạm phát vẫn ở mức cao sau gần 4 năm đại dịch, và vì sao lãi suất cần tăng để kéo lạm phát xuống.
Ông Gerlach cho biết, lạm phát thấp hơn “cho thấy tác động của việc tăng lãi suất thêm 4 hoặc 5 điểm phần trăm. “Những người cho rằng lạm phát cao sẽ tự giảm đã sai”, ông nhấn mạnh. Trước đây, ông Gerlach thuộc phe cho rằng lạm phát đã tự giảm. “Ý tưởng của chúng tôi trước đây là lạm phát sẽ tự giảm mà không cần tăng lãi suất”, ông nói.
Ngay cả những quốc gia nơi lạm phát dai dẳng nhất, chẳng hạn như Anh, cũng bắt đầu có sự cải thiện. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này trong thág 10 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 6,7% ghi nhận trong tháng 9 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Trước khi số liệu này được công bố, giới chuyên gia kinh tế dự báo CPI tháng 10 của Anh tăng 4,8%. Số liệu mới nhất của Anh được công bố sau khi mức giảm lạm phát của Mỹ lớn hơn dự kiến, xuống 3,2% trong tháng 10. Khu vực đồng Euro cũng báo cáo lạm phát giảm xuống 2,9% trong tháng 10 từ mức 4,3% trong tháng 9. Giá tiêu dùng thấp hơn một năm trước ở Bỉ và Hà Lan.
Việc giảm giá tiêu dùng đã thuyết phục một số nhà hoạch định chính sách châu Âu rằng, cuộc chiến nhằm kiềm chế lạm phát đã giành chiến thắng và trong một khoảng thời gian ngắn hơn so với những năm 1970, khi giá cả tăng vọt ở mức tương đương.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley kỳ vọng Ngân hàng Anh sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất bắt đầu từ tháng 5 tới, tiếp theo là Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương châu Âu vào tháng 6. Bất kể thời điểm chính xác, ngày càng có nhiều sự đồng thuận rằng, lạm phát đang giảm dần và lãi suất sẽ thấp hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Hồng Kông "thách thức" Nhật Bản trên đấu trường công nghệ ngành F&B
Nguồn WSJ