Thứ Ba | 16/10/2012 15:21

Cuộc cách mạng tiêu dùng sẽ bùng nổ ở các thị trường mới nổi

Theo HSBC, cuộc cách mạng tiêu dùng sẽ diễn ra trong vài thập kỷ tới với cán cân quyền lực chuyển sang các nền kinh tế mới nổi.
Theo hai nhà kinh tế Karen Ward và Frederic Neumann thuộc ngân hàng HSBC, cuộc cách mạng tiêu dùng sẽ diễn ra khi gần 3 tỷ người gia nhập tầng lớp trung lưu trong 4 thập kỷ tới.

Kết quả là khi cuộc cách mạng tiêu dùng này nổ ra vào năm 2050, các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm gần 2/3 tổng lượng tiêu thụ toàn cầu so với tỷ lệ gần 1/3 trong năm nay.

Cán cân quyền lực sẽ chuyển dần sang các nền kinh tế mới nổi, những nước có tốc độ phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong hoạt động kinh doanh cửa hàng và siêu thị. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển như Mỹ và nhiều nước châu Âu đang chậm dần.

Sức mua toàn cầu hiện đang được thúc đẩy do các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc, đồng thời một số nền kinh tế khác sẽ tiếp tục nổi lên như Philippines, Malaysia và Peru, các nhà kinh tế của HSBC cho biết.

Dân số trẻ ở Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Hy Lạp và Ảrập Xêút - những nước có độ tuổi trung bình của dân số dưới 25 đang tăng trưởng theo cấp số nhân trong giai đoạn năm 2012 - 2050 sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.

Dân số trẻ hơn, giàu hơn sẽ làm tăng nhu cầu mua sắm quần áo và giày dép ở các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Malaysia với tốc độ tăng trưởng tổng hợp hàng năm gần 5% từ năm nay đến năm 2050, HSBC cho biết.

Xu hướng gia tăng tầng lớp trung lưu sẽ làm bùng nổ nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa mới khiến doanh số bán các mặt hàng này có thể tăng nhanh, thậm chí nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đã rất ấn tượng của các nền kinh tế mới nổi", 2 nhà kinh tế cho biết.

Trao đổi thương mại "Nam - Nam" sẽ tăng khi các nước phía Nam bán cầu phát triển mạnh. Các nền kinh tế phát triển cần phải tập trung vào sản xuất do các nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành thị trường tiêu thụ mạnh nhất vào năm 2050, HSBC cho biết.

Cách tốt nhất để thoát ra khỏi những khó khăn kinh tế hiện tại là hoán đổi vai trò tiêu dùng cũ (của phương Tây) với vai trò sản xuất (của phương Đông). Hoạt động xuất khẩu phương Tây có thể khiến họ dễ trả nợ hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng tồi tệ, các nhà kinh tế cho biết.

Khi thị trường tiêu thụ và trình độ công nghệ ở các nước mới nổi phát triển mạnh, họ có thể chuyển đổi từ nền kinh tế định hướng xuất khẩu và sản xuất hướng sang các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ, HSBC cho biết.

Ngoài ra, trong bài viết của mình, 2 nhà kinh tế của HSBC cũng nêu ra một số khó khăn đối với các nước như nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị hủy hoại khiến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất chậm lại.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện