Thứ Bảy | 03/11/2012 14:04

Cuộc cách mạng lặng thầm của IMF

IMF đang ngày càng cởi mở hơn, chuyển mình trước những thay đổi cốt lõi trong kinh tế, tài chính toàn cầu.
"Không bao giờ bỏ phí một cuộc khủng hoảng" đã trở thành câu nói quen thuộc khi nhắc tới tầm quan trọng của cải cách sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chắc chắn không bỏ lỡ cơ hội, Stephan Richter viết.

Tổ chức này đang thay đổi cơ chế ra quyết định của mình để tương xứng với ảnh hưởng ngày càng lớn của các thị trường đang phát triển - và những nguyên lý cơ bản cũ kỹ của chính sách Washington, đã góp phần đầu tiên tạo ra khủng hoảng tài chính, cũng đang được xem xét lại.

IMF, sau hết, đang trở thành tổ chức ngày càng mở hơn. Đã qua rồi những ngày mà tổ chức này hành động như một trợ thủ của kinh tế chính thống phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Nó thậm chí đang thách đấu với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hùng mạnh, hoài nghi về những tác động của việc liên tục thúc đẩy tiền tệ tới phần còn lại của thế giới.

Việc IMF trở thành trọng tài phân xử chủ chốt trong nhiều vấn đề tài chính và kinh tế toàn cầu, và vì thế cũng trở thành tổ chức công bằng, thẳng thắn toàn cầu rất được hoan nghênh. Trong thập kỷ qua, cuộc tranh luận cải cách đã tập trung chủ yếu vào việc trao thêm quyền bỏ phiếu cho các nước thị trường đang phát triển, bằng cách giảm tương ứng quyền bỏ phiếu của thế giới giàu có.

Chính vì sự đa dạng của kinh tế toàn cầu, sự điều chỉnh đó dĩ nhiên chậm chạp và lâu dài. Trong những năm gần đây, nhân sự cấp cao của quỹ cũng giảm số người châu Âu và cả người Mỹ. Những kết quả thực sự đầu tiên của sự thay đổi đó giờ đây bắt đầu rõ ràng.

Tiên phong trong cuộc chiến này là cơ quan nghiên cứu của IMF, nơi các quý ông cổ hủ (đúng vậy, hầu hết là các quý ông) và chính phủ các nước giàu chiến đấu với những người mang tư tưởng mới. Chẳng hạn, thông báo của Fed trong tháng 9 về chương trình nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3). Từ quan điểm của Mỹ, việc tăng mạnh cung tiền là để kích thích tăng trưởng kinh tế và vì thế tạo thêm việc làm tại nước này.

Đánh giá xem liệu các biện pháp này có thực sự đạt mục tiêu đề ra hay không tiếp tục là chủ đề của hầu hết tranh cãi, thậm chí ngay tại chính nước Mỹ. Điều không cần tranh cãi là các biện pháp này có thể mang tới ảnh hưởng tiêu cực cho các nước thị trường mới nổi.

Các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đều đồng ý rằng một nền kinh tế Mỹ định hướng tăng trưởng là quan trọng. Nhưng có những lo ngại ngày càng lớn về việc liệu nhà chức trách Mỹ có ngày càng mò mẫm trong bóng tối với các biện pháp chính sách của mình. QE3 chủ yếu thúc đẩy thị trường chứng khoán chứ không phải nền kinh tế thực, và thậm chí tác động tới thị trường chứng khoán đang yếu dần.

Trong khi đó, các thị trường mới nổi không còn muốn đồng thuận. Brazil đã bước lên dẫn đầu cuộc chiến - và điều này khiến nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ lo ngại. Có thể không quá ngạc nhiên, nó cũng sẽ tạo ra sự chèn ép tiêu cực đối với nước này trên truyền thông Mỹ.

Hãy xem một IMF giờ đây cởi mở hơn. Như giáo sư trường đại học Boston Mỹ, Kevin P.Gallagher dẫn chứng, IMF phát hành rất nhiều báo cáo đều với quan điểm chỉ trích tác động quá lớn của nới lỏng định lượng tại Mỹ tới các nền kinh tế thị trường mới nổi.

Chẳng hạn IMF thấy rằng lãi suất thấp hơn tại Mỹ gắn liền với khả năng ngày càng lớn của dòng vốn tràn vào các nước thị trường mới nổi. Và IMF chứng minh rằng những dòng vốn chảy vào có thể làm tăng giá đồng tiền và gây ra bong bóng tài sản. Điều đó có thể khiến hàng hóa xuất khẩu đắt hơn và gây bất ổn hệ thống tài chính của các thị trường mới nổi.

Để tránh những vấn đề đó, IMF đang ủng hộ quan điểm rằng có thể thích hợp để đưa ra các quy định tài khoản vốn ngược chu kỳ, như Brazil, Đài Loan và Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện.

Hình ảnh hội nghị thường niên của IMF 2012 tại Tokyo, Nhật Bản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa. (nguồn IMF)
Hình ảnh hội nghị thường niên của IMF 2012 tại Tokyo, Nhật Bản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu đe dọa. (nguồn IMF)

Động thái này "qua mặt" những nguyên tắc cơ bản cũ kỹ của IMF. Phần lớn theo yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời bộ trưởng Bob Rubin và Larry Summers trong chính phủ Clinton, IMF đã thuyết giảng về tự do thị trường vốn không ràng buộc với các nền kinh tế mới nổi mới.

Điểm sáng trong tất cả những luận điểm mang tính kỹ thuật đó là những gánh nặng điều chỉnh không còn tự động áp đặt lên các nước nhận viện trợ ở phương Nam. Các nước ở phương Bắc, chủ yếu là Mỹ, có thể cần điều chỉnh vốn từ chính phía mình.

Những tiếng nói mới mạnh mẽ, như Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam, người giữ vai trò chủ tịch Ủy ban điều hành chính sách chủ chốt của IMF, và người đồng nhiệm Brazil Guido Mantega nhìn nhận rằng quan điểm "cai quản toàn cầu" cuối cùng đang có được một vài ý nghĩa thực tế.

Cải cách quản lý toàn cầu không chỉ là thay đổi quyền bỏ phiếu tại ban điều hành IMF hay Ngân hàng Thế giới (World Bank). Nó liên quan tới một quá trình rất tích cực để đảm bảo một sự chia sẻ công bằng trong gánh nặng điều chỉnh kinh tế, tài chính toàn cầu.

Thành công của chiến dịch này phụ thuộc nhiều vào sự thật rằng các nước giàu hơn từ phương Nam giờ đây cũng hành động nhiều hơn với vai trò lãnh đạo toàn cầu. Kết quả là giờ đây người ta không thể nói rằng vai trò lớn hơn cho các nước thị trường mới nổi đồng nghĩa với việc đưa quyền kiểm soát tổ chức cho những người đi vay, thay vì những người cho vay như đúng ra phải thế.

Thế giới nói chung có lý do để quay lại với sự thật rằng IMF đang cởi bỏ tư tưởng mù quáng tự áp đặt của mình. Nếu xu hướng hiện nay tiếp tục ( và tất cả các dấu hiệu đều cho thấy sẽ như thế), điều này sẽ đại diện cho một bước lớn tới sự quản lý toàn cầu tốt hơn.

Điều này xảy ra trong nền tài chính toàn cầu khiến nó ý nghĩa hơn nhiều. Đây là một bước quan trọng để kiểm soát nền công nghiệp đang mất hoàn toàn sự tập trung vào phục vụ nền kinh tế thực, chứ không phải ảo, và những mưu đồ của nó đã chứng minh có tác động tương tự như bức xạ hạt nhân.

Theo Globalist

Nguồn Khampha/Globalist


Sự kiện