Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ III, thế giới sẽ thay đổi
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới được bắt đầu ở nước Anh hồi cuối thế kỷ 18, với sự cơ giới hóa ngành dệt may.
Những công việc vốn trước đó được thực hiện bằng bàn tay của hàng trăm thợ thủ công giờ thay thế bằng một máy quay sợi duy nhất, và khái niệm nhà máy cũng ra đời từ đó.
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai lại được khởi xướng từ đầu thế kỷ 20, khi ông trùm Henry Ford nắm bắt được công nghệ của dây chuyền sản xuất lắp ráp và mở đường cho cả một kỉ nguyên sản xuất hàng hóa khổng lồ.
Hai cuộc đại cách mạng công nghiệp toàn cầu đã sản sinh ra những công dân giàu có hơn và thành thị hơn cho thế giới.
Và giờ đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 cũng đang rậm rịch, với ngành công nghiệp chế tạo ngày càng được số hóa.
Trong bài phân tích đặc biệt , thời báo Economist dẫn ra luận điểm: cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 sẽ không chỉ thay đổi bộ mặt ngành kinh doanh, mà còn nhiều hơn thế nữa.
Đây chính là thời điểm mà vô vàn các ứng dụng công nghệ đang nở rộ: sự ra đời của những phần mềm thông minh hơn, những vật liệu độc đáo hơn, những chú robot được chế tạo ngày càng tinh vi, những quy trình mới được đưa vào ứng dụng (đáng chú ý là kỹ thuật in ấn ba chiều) cùng hàng loạt dịch vụ sử dụng hệ thống website.
Nhà máy của thời trước chỉ có năng lực sản xuất hàng tỉ sản phẩm giống hệt nhau, theo như câu nói hài hước nổi tiếng của hãng Ford: khách mua oto muốn xe màu gì cũng có, miễn là chúng sơn đen.
Nhưng, nhà máy của tương lai sẽ chú trọng tới tính tùy biến của hàng hóa, đưa ra các mặt hàng đa dạng làm hài lòng nhiều đối tượng khách hàng.
Hướng tới không gian ba chiều
Cách thức sản xuất hàng hóa xưa cũ bao gồm việc bắt vít và hàn nối nhiều bộ phận lại với nhau.
Ngày nay, một sản phẩm có thể được thiết kế trên máy tính và “in chụp” qua một máy in 3D, tạo nên hình hài vật thể bằng các lớp vỏ vật liệu chuyên dụng. Dễ dàng thực hiện một thiết kế được số hóa như thế này chỉ với vài thao tác click chuột.
Máy in 3D có thể cho chạy tự do không cần người kiểm soát và có thể biến những thiết kế tưởng chừng quá phức tạp trở nên đơn giản và dễ xử lý cho các nhà máy truyền thống.
Vào thời điểm hiện nay, những cố máy kì diệu này có thể tạo ra gần như mọi thứ, từ garage nhà bạn cho tới cả một ngôi làng ở châu Phi.
Những ứng dụng của kĩ thuật in 3D thực sự kì vĩ. Thậm chí, người ta đã có thể “in” ra cả dụng cụ trợ thính và nhiều bộ phận tinh vi của chiếc máy bay phản lực vũ trang dưới những hình dạng khác nhau.
Vào thời điểm hiện nay, máy in 3D có thể tạo ra gần như mọi thứ, từ garage nhà bạn cho tới cả một ngôi làng ở châu Ph
Và từ đó, sự bố trí của chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ thay đổi. Ngay cả một kĩ sư đang làm việc giữa vùng sa mạc cũng có thể download bản thiết kế của một công cụ anh ta cần và “in” nó ra, thay vì chờ đợi người ta vận chuyển công cụ đó tới cho mình.
Bên cạnh đó là sự ra đời của những vật liệu mới: nhẹ hơn, chắc hơn và bền hơn trước. Sợi cacbon đang dần thay thế nhôm và thép trong các ngành sản xuất xe đạp leo núi hay máy bay.
Những công nghệ mới được ứng dụng giúp các kĩ sư chế tác các vật thể với kích thước rất nhỏ.
Công nghệ nano đang cho ra đời những sản phẩm tân tiến với nhiều tiến bộ trong tính năng, như chiếc băng gạc giúp vết thương mau lành, những đầu máy vận hành ngày càng hiệu quả và bát đĩa giúp việc lau rửa nhanh sạch hơn.
Còn phải kể tới ứng dụng trong kĩ thuật di truyền gien xử lý virus, biến chúng trở thành thứ nguyên liệu phát triển nhiều loại sản phẩm như chiếc pin chẳng hạn.
Và cùng với sự phát triển của mạng internet, rào cản tiếp nhận bị xóa bỏ và các nhà kiến tạo của thế kỉ 21 có thể dễ dàng hợp tác với nhau để cùng xây dựng nhiều sản phẩm mới.
Hãng Ford đã cần tới nguồn vốn khổng lồ để cho xây dựng nên nhà máy River Rouge của mình, nhưng công xưởng tương lai của Ford có thể được “khởi công” ngay từ chính chiếc laptop bé nhỏ cùng khát khao phát minh vô tận.
Song cũng như mọi cuộc cách mạng khác, cuộc cách mạng công nghiệp thứ 3 chắc chắn sẽ mang tới những hệ lụy.
Công nghệ số hóa đã làm khuynh đảo giới truyền thông và các ngành công nghiệp bán lẻ, cũng như chiếc máy xe sợi khổng lồ đã xóa sổ những công đoạn sản xuất thủ công.
Và cũng chính vì lẽ đó, nhiều người sẽ phải giật mình khi nhìn vào những nhà máy của tương lai. Sẽ không còn những máy móc dính đầy dầu mỡ do công nhân điều khiển, chúng sẽ sạch bong và gần như bị xếp xó.
Ngay lúc này, đã có những hãng oto sản xuất được lượng xe nhiều gấp đôi số nhân công của mình so với 10 năm về trước.
Hầu hết các công việc do con người thực hiện sẽ không còn xuất hiện trong khu vực công xưởng, mà là trong các văn phòng gần đó, với ngập tràn các nhà thiết kế, các kĩ sư, các chuyên gia công nghệ, các nhân viên marketing và hàng loạt chuyên viên khác.
Những thao tác đều đặn, lặp đi lặp lại trong nhà máy sẽ biến mất: bạn đâu cần người thợ tán đinh khi không còn chiếc đinh tán nữa.
Thích nghi với thay đổi
Những vị khách hàng sẽ không gặp chút khó khăn trong việc thích ứng với thời kì mới của những sản phẩm chất lượng cao được chuyển tới tận tay họ.
Tuy nhiên, nhiều chính phủ sẽ gặp khúc mắc trong vấn đề này.
Bản năng của giới cầm quyền các quốc gia là bảo vệ cơ chế công nghiệp và các công ty nhà nước trước sự phất lên của nền công nghiệp mới.
Họ bảo hộ cho những nhà máy kiểu cũ với những nguồn tiền trợ cấp và những ông chủ hách dịch lúc nào cũng chỉ chăm chăm đưa sản xuất ra nước ngoài.
Họ chi bạc tỷ vào việc phát triển những công nghệ tự họ cho là tối ưu và duy trì cái ảo tưởng rằng sản xuất chế tạo luôn vượt trên ngành công nghiệp dịch vụ, chưa nói tới lĩnh vực tài chính.
Rõ ràng, những ảo tưởng đó là phi lý. Lằn ranh giới giữa sản xuất và dịch vụ đang ngày càng mờ đi. Roll-Royce đâu còn bán những đầu máy máy bay nữa, hãng này bán chính lượng thời gian mà mỗi đầu máy vận hành giúp máy bay bay êm ru qua các vùng trời. Khi cuộc cách mạng công nghiệp này khởi động, điều các chính phủ nên làm chính là phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực lành nghề chất lượng cao, đưa ra các điều luật quy chế rõ ràng và tạo lập một sân chơi bình đẳng cho mọidoanh nghiệp đến từ các ngành nghề khác nhau. Phần còn lại sẽ do chính cuộc cách mạng giải quyết.
Nguồn DVT