Nguồn ảnh: AFP
Cứng rắn với Ấn Độ, Trung Quốc có vẻ như đã mạo hiểm?
Vụ đụng độ đẫm máu tại biên giới với Ấn Độ gần đây đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của người dân lẫn chính quyền Ấn Độ đối với Trung Quốc. Trung Quốc liên tục đổ lỗi và lên án Ấn Độ “cố tình khiêu khích”, với cáo buộc Ấn Độ xây dựng trên khu vực cấm. Thực tế, các công trình Ấn Độ vẫn nằm trong vùng kiểm soát của Ấn Độ.
Ông Andrew Small, thành viên kỳ cựu của Viện Nghiên cứu độc lập Đức cho rằng, “Có vẻ như Trung Quốc mới là bên đẩy mạnh việc lấn chiếm. Các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy các công trình của Ấn Độ đều ở trên đất của họ”.
Lý giải cho việc Trung Quốc khiêu khích Ấn Độ, nhiều ý kiến cho rằng đó là chiêu bài đánh lạc hướng dư luận trong nước của chính phủ Trung Quốc. Bởi lẽ những bất mãn của người dân vì vấn đề đại dịch cũng như tình hình kinh tế trong nước đang trong tình cảnh khốn khó. “Vì dịch bệnh COVID-19 và vì sự xuống cấp rõ rệt của quan hệ Mỹ - Trung, Bắc Kinh càng phải tỏ rõ rằng Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ trước chủ quyền quốc gia", theo ông Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Massachusetts.
Trung Quốc “thừa nước đục thả câu”
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây là mưu đồ “thừa nước đục thả câu” của Trung Quốc. Khi mà cả thế giới đang bận tâm chống dịch thì đây là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc tự do hành động. Bà June Dreyer - Giáo sư Chính trị học tại Viện Đại học Miami nhận xét: “Nhìn vào quan điểm của Trung Quốc, thì tại sao không lấn tới? Nền kinh tế Trung Quốc đang lớn gấp 5 lần Ấn Độ và ngân sách quốc phòng cũng đang vượt trội".
Dù với nguyên nhân nào thì sự kiện này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ của hai quốc gia. Dù làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc ở Ấn Độ có vẻ như không gây tổn hại gì đáng kể cho kinh tế Trung Quốc. Đồng thời cũng chưa thấy mối đe dọa quân sự thực sự nào từ Ấn Độ. Trung Quốc có vẻ như đã đánh giá thấp hậu quả của hành động khiêu khích vừa qua.
Một người lính Ấn Độ giữ cảnh giác tại một trạm kiểm soát trên đường cao tốc dẫn đến Ladakh, gần hiện trường của cuộc đụng độ biên giới. Nguồn ảnh: Rex. |
Trung Quốc đánh giá thấp “người láng giềng khổng lồ”
Ấn Độ đang ngày càng quan trọng hơn với Trung Quốc, với thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với Ấn Độ năm 2019 lên tới gần 90 tỉ USD. Các nhà thầu Trung Quốc cũng đang xây dựng hàng loạt dự án, cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khi mà các công ty công nghệ Trung Quốc đang chịu sự soi xét cực kỳ kỹ lưỡng của Mỹ và châu Âu thì Ấn Độ là chìa khóa cực kỳ quan trọng cho Trung Quốc. Bằng việc đầu tư vào các công ty công nghệ Ấn Độ, các công ty Trung Quốc có thể thoát khỏi sự soi xét đó.
Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc vẫn diễn ra khắp Ấn Độ. Nguồn ảnh: EPA. |
Có vẻ đây không phải là thời điểm để Bắc Kinh gây rối với người láng giềng khổng lồ này. Khi nền kinh tế vẫn còn “choáng váng” vì đại dịch COVID-19. Quan hệ với Mỹ đang ở mức xấu nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập lại vào những năm 1970, với minh chứng là cuộc thương chiến đang chưa có hồi kết.
Gần đây, chính quyền Trung Quốc cũng đã trừng phạt Úc bằng cuộc chiến tranh thương mại để trả đũa việc Úc đề nghị điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và ủng hộ Canada trong việc bắt giữ Giám đốc Điều hành Công ty Huawei.
Trong khi vấn đề Hồng Kông vẫn đang là cái gai trong mắt Trung Quốc thì dư luận quốc tế ngày càng thận trọng hơn trước tham vọng của Bắc Kinh. Điển hình là châu Âu đang xây dựng dự luật bảo vệ các ngành công nghiệp trọng điểm của họ trước bàn tay “khổng lồ” của Trung Quốc.
Với tình cảnh như vậy, dù tỏ ra cứng rắn nhưng Trung Quốc vẫn bày tỏ “không muốn leo thang căng thẳng” và trông đợi một giải pháp hòa bình.
Với hy vọng giải quyết bằng con đường ngoại giao, Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi đã lên tiếng trên đài truyền hình rằng, binh lính Trung Quốc đã không xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ. Điều này trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ấn Độ.
Có thể bạn quan tâm:
► Ấn Độ tẩy chay hàng Trung Quốc: Lợi bất cập hại
► Làn sóng tẩy chay hàng Trung Quốc nổi lên rầm rộ tại Ấn Độ
Nguồn The Guardian