Cục diện mới ở Trung Đông
Tuy nhiên, lần này, mọi thứ không phải như vẻ ngoài, bởi vì Trung Đông đã trải qua một thay đổi đáng kể trong hai năm qua.
Tâm chấn chính trị của khu vực rối ren này đã chuyển từ xung đột giữa Israel và Palestine sang vịnh Ba Tư và cuộc chiến giành quyền bá chủ khu vực giữa một bên là Iran với bên kia là Ảrập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ, và giờ đây còn có thêm xung đột vũ trang tại Syria và xung đột chính trị tại Ai Cập.
Hiện nay, thế đối đầu chính trong cuộc chiến quyền lực này là nội chiến Syria, trong đó tất cả các bên trong khu vực đều tham gia hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, bởi vì đó là nơi mà cuộc chiến giành quyền lãnh đạo khu vực sẽ được quyết định phần lớn.
Một khi chế độ của tổng thống Bashar al-Assad của Syria và nền tảng quyền lực Alawite/Shia của ông sụp đổ, sẽ là một thất bại lớn cho Iran, vì họ sẽ mất đồng minh Ả rập chính. Đồng thời, một biến thể của Anh em Hồi giáo sẽ nắm quyền lực ở Syria, như ở mọi nơi thuộc Trung Đông từ sau “Mùa xuân Ả rập”.
Sự trỗi dậy của Anh em Hồi giáo và các chi nhánh của họ không có lợi cho chủ nghĩa dân tộc Ả rập và chế độ độc tài quân sự ủng hộ chủ nghĩa này. Bên cạnh đó, Anh em Hồi giáo cũng quyết định cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Palestine. Với cuộc chiến gần đây ở Gaza, phong trào dân tộc Palestine sẽ tự sắp xếp phù hợp diễn biến trong khu vực dưới sự lãnh đạo của Hamas.
Diễn biến này rất có thể sẽ chấm dứt triển vọng cho một giải pháp hai quốc gia, bởi vì cả Israel và Hamas cũng như Anh em Hồi giáo đều không quan tâm tới giải pháp này. Hamas và Anh em Hồi giáo bác bỏ thoả thuận về lãnh thổ, bởi vì đối với họ, một nước Palestine có nghĩa là một Palestine kết hợp toàn bộ Israel.
Thành công gần đây của ông Abbas tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc – bảo đảm vị thế nhà nước quan sát viên cho Palestine – sẽ không thay đổi những khía cạnh cơ bản của xu hướng này. Tiến bộ của Palestine là một thất bại ngoại giao đáng báo động cho Israel và thể hiện vị thế quốc tế không được ủng hộ mạnh mẽ của Israel.
Vị thế của Hamas phù hợp quyền lợi chính trị ở Israel, bởi vì tổ chức này cũng ít chú trọng giải pháp hai quốc gia. Và cả người Israel và đảng Fatah đều không đủ mạnh để duy trì giải pháp hai quốc gia. Đối với Israel, một tương lai với một nhà nước hai quốc gia tiềm ẩn rủi ro lớn về lâu dài, trừ phi người ta tìm lại giải pháp một liên minh Bờ Tây – Jordan.
Cùng với Syria, hai vấn đề sẽ quyết định tương lai của Trung Đông mới gồm đường lối của Ai Cập dưới thời Anh em Hồi giáo, và kết quả cuộc đối đầu với Iran về chương trình hạt nhân và vai trò của Iran trong khu vực.
Vấn đề Ai Cập cũng được chú ý, khi người dân ở đây đổ ra đường sau cú đảo chính không bạo lực của Tổng thống Mohamed Morsi. Một ngày sau khi được quốc tế thừa nhận thành công trong nỗ lực làm trung gian hoà giải ngừng bắn ở Gaza, ông Morsi tổ chức một cuộc tấn công vào nền dân chủ mới ra đời ở Ai Cập khi đưa ra tuyên bố hiến pháp gây nhiều tranh cãi.
Câu hỏi phải làm gì đối với chương trình hạt nhân của Iran cũng sẽ trở lại với nhiều mong đợi hơn vào tháng 1, sau lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama và cuộc tổng tuyển cử của Israel, và vấn đề này đòi hỏi một câu trả lời trong vòng vài tháng.
Một Trung Đông mới không hứa hẹn điềm tốt cho năm tới. Nhưng có một điều không thay đổi: đó vẫn là Trung Đông, nơi mà gần như không thể biết được điều gì sắp xảy ra.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị