Cuba cải cách kinh tế: Đồng tiền lên tiếng
Phó chủ tịch Cuba Marino Murillo vừa thông báo chính phủ nước này sẵn sàng tiến hành cải cách doanh nghiệp quốc doanh vào năm 2014, bằng cách trao cho các doanh nghiệp này quyền tự quản nhiều hơn nữa.
Ông Murillo cho biết, một trong những thay đổi đó là sẽ bỏ mức hạn định đối với tiền lương và tất cả các công ty quốc doanh có thể sử dụng 50% lợi nhuận sau thuế để chủ động trong đầu tư hoặc phân phối cho người lao động. Ông Murillo nhấn mạnh rằng cốt lõi của hệ thống kinh tế vẫn "tài sản xã hội", nhưng ông cũng đề cập về "tạo ra của cải" và "yếu tố thị trường". "Cuộc sống đã cho thấy rằng nhà nước không thể làm tất cả mọi thứ. Thành công sẽ nằm trong cách đem lại không gian cho thị trường và tạo ra của cải", ông nói.
Kể từ khi tiến hành cải cách đến nay, Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua hơn 300 đường hướng chỉ đạo để nâng cấp mô hình kinh tế xã hội nước này. Trong đó, Chính phủ đã cho thuê gần 1,5 triệu ha đất cho nông dân hoặc hợp tác xã - lực lượng hiện đang giữ 70% đất nông nghiệp thuê gần 1,5 triệu ha đất. Nông dân có thể bán một nửa sản lượng nông nghiệp của họ cho người trả giá cao nhất, chứ không phải bàn giao tất cả cho nhà nước như trong quá khứ.
Khoảng 400.000 người Cuba làm việc trong khu vực tư nhân, tăng từ con số 150.000 ba năm trước đây. Bây giờ người dân Cuba có thể mua, bán nhà, xe hơi và đi du lịch ở nước ngoài. Họ có thể lướt internet mặc dù giá truy cập 4,5 USD mỗi giờ, bằng khoảng một phần tư lương trung bình của viên chức nhà nước. Từ hai mươi năm qua, chính quyền luôn hạn chế sử dụng internet cho các "công năng xã hội" như các trường đại học, cơ quan hành chính và dịch vụ công. Chỉ có một vài nghề nghiệp đặc biệt như bác sĩ và nhà báo mới có thể xin được một đường truyền riêng.
Hệ thống doanh nghiệp và ngân hàng Cuba sẽ không thể hội nhập nền kinh tế thế giới nếu như Cuba không có một đồng tiền có giá trị trao đổi thực sự và sẽ đẩy nền kinh tế nước này tới khả năng đôla hóa trở lại.
Hiến pháp gần đây đã thay đổi, cho phép các hợp tác xã nông nghiệp bên ngoài quốc doanh tồn tại. Tính tới nay đã có 124 hợp tác xã mới được thành lập, đi vào hoạt động, trong đó có 12 đơn vị tư nhân trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải, chợ nông sản và thu gom phế liệu, nhằm thử nghiệm mô hình quản lý kinh tế mà từ trước đến nay mới chỉ được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để khuyến khích làm ăn, ngân hàng nhà nước đã cho phép người dân khi vay tiền được phép thế chấp bằng nhiều loại tài sản khác nhau, từ vàng bạc, đồ trang sức quý giá, các hiện vật có giá trị văn hóa, ôtô, tài sản nông nghiệp cho tới bất động sản. Còn để thu hút đầu tư nước ngoài, Cuba đang xây dựng các quy tắc cho một khu vực tự do thương mại bên cạnh một cảng container mới tại Mariel, 40 km về phía tây Havana, do Công ty Odebrecht của Brazil xây dựng và dự kiến mở cửa vào tháng 12/2013.
Những cải cách này có thể sẽ dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời gian đầu. Chủ tịch Raúl Castro công bố kế hoạch tinh giảm 1,1 triệu lao động vào năm 2014. Mặc dù có những thận trọng nhưng những cải cách trên đang tạo ra những thay đổi xã hội. "Tôi nhìn thấy sự phát triển của một tầng lớp trung lưu", một giáo viên tại Havana cho biết. Nhiều nhà hàng tư nhân, nhà nghỉ và các cửa hàng đã trở thành các doanh nghiệp nhỏ, trong khi nhiều nông dân đang kiếm tiền tốt. Phòng tập thể dục tư nhân, spa và thậm chí cả rạp chiếu phim đang mọc lên để phục vụ cho nhóm này...
Đối với những người chỉ trích tốc độ chậm của cải cách, Raúl Castro đã đúng khi chỉ ra rằng "chúng ta đang di chuyển với tốc độ nhanh" hơn nhiều tưởng tượng. Nhưng cho đến nay, những lợi ích của sự thay đổi vẫn có giới hạn. Tăng trưởng kinh tế dưới 3% một năm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa tăng. Mặc dù vậy, con đường phát triển của Cuba đã mở.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn