Croatia gia nhập EU: Xuyên qua cơn bão
Hôm nay là một ngày trọng đại trong lịch sử quốc gia vùng Balkan: 1/7/2013 là ngày Croatia chính thức trở thành thành viên thứ 28 Liên minh châu Âu (EU). Nhưng đây cũng là thời điểm cuộc tranh luận về tương lai đất nước hậu gia nhập EU đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết.
Tại thủ đô Zagreb, Croatia, đúng nửa đêm 30/6 (5 giờ ngày 1/7, giờ Việt Nam), sau màn đếm ngược "năm, bốn, ba, hai, một", pháo hoa đã bay ngập trời ở thủ đô Zagreb, khi nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ chính thức trở thành thành viên EU.
Nhiều người đã khóc trong thời khắc ấy, người dân Croatia nâng cao ly sâm banh chúc mừng đầy hứng khoải như màn pháo hoa rực sáng trên các tòa nhà lớn và quảng trường Jelacic.Không phải đếm ngược chào đón năm mới trong đêm giao thừa. Thay vào đó, chiếc đồng hồ điểm đúng nửa đêm ngày 1/7, Croatia chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 28 của EU.Sau đó, mặc cho các lễ hội đang diễn ra trên đường phố chính của Zagreb, vẫn có những người Croatia ít vui mừng hơn trước sự kiện gia nhập lần này.
Đất nước bờ Tây vùng Balkan đã đi một chặng đường dài, kể từ ngày sụp đổ đẫm máu của quốc gia Nam Tư cũ và chiến tranh liên tiếp. Khi phần lớn người dân Croatia ăn mừng thì một số người Croatia lại có suy nghĩ khác và không phải không có lý. Họ cho rằng, việc trở thành một phần của Liên minh châu Âu có vẻ giống như sự quay trở về quá khứ và từ bỏ quyền tự do mà họ phải vất vả lắm mới giành được.
Doris Vucic, một sinh viên 21 tuổi tại Zagreb phát biểu đầy phẫn nộ rằng: "Nếu chúng ta đã dành hàng trăm năm để đấu tranh cho độc lập với Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia, thì giờ tôi không hiểu tại sao chúng ta có thể bán sự tự do ấy đi một lần nữa. Hai mươi năm sau khi giành được chủ quyền, một tổ chức lớn hơn và mạnh mẽ hơn sẽ đẩy chúng ta ra ngoài lề". Cô còn nói thêm: "Đó là một hành động ngu ngốc”.
Chắc chắn Doris Vucic là một trong số 34% người dân Croatia không ủng hộ việc gia nhập EU, một cuộc trưng cầu dân ý đã được chính phủ nước này tiến hành hồi năm 2012.
Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1996, đất nước đã bị tàn phá. Cảnh các thành phố và thị trấn trở thành đống đổ nát trở nên phổ biến. Croatia phải vất vả trải qua gần 20 năm xây dựng lại và cải cách. Kể từ đó, đất nước đã xây dựng lại nền kinh tế từ đống đổ nát, cùng với việc thực hiện cải cách dân chủ và tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn trong đó có du lịch.
Trở thành một phần của liên minh mạnh như EU, chắc chắn mục tiêu hướng đến là sự phát triển và củng cố độc lập cho quốc gia nhỏ bé vùng Bankal, chứ không phải là ném đi tự do từng giành được. Hội nhập hơn, nhiều mối liên kết hơn không phải là phụ thuộc.
Tuy nhiên hiện nay, Croatia vẫn vật lộn với các vấn đề nghiêm trọng chưa được giải quyết, đồng thời sẽ càng trầm trọng hơn bởi khủng hoảng đồng euro dường như vẫn chưa đến hồi kết. Croatia đang vật lộn với nền kinh tế đang ngày càng thu nhỏ lại, lạm phát và thuế cao, nạn tham nhũng và chảy máu chất xám trở nên phổ biến.
Tăng trưởng kinh tế của Croatia giảm 2% trong năm 2012, trong khi tỷ lệ lạm phát tăng 1,8%. So sánh với 27 quốc gia EU, Croatia là nền kinh tế nhỏ, tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn.
Vấn đề kinh tế quan trọng mà Croatia phải đối mặt chính là tỷ lệ thất nghiệp lên 18,1% trong quý I, năm 2013. Đặc biệt, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp lên tới 51,8%, theo số liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat).
Nỗi ám ảnh về sự kiện hồi tháng 11/2012 quay trở lại khi nghĩ về Croatia trong thời khắc gia nhập. Cựu Thủ tướng Ivo Sanader đã bị kết tội nhận hối lộ với số tiền lên đến 13 triệu euro, trong phiên tòa xử tội phạm tham nhũng chính trị lớn nhất trong lịch sử Croatia. Sau đó, ông đã bị kết án 10 năm tù giam.
Một vài năm trước đây, nhiều người Croatia nhìn sang EU như một cách để hướng đến một tương lai thịnh vượng hơn. Nhưng kể từ khi cuộc khủng hoảng đồng euro nổ ra 5 năm trước, một số người Croatia tin rằng, mối quan tâm của EU chỉ là tập trung giải quyết các vấn đề khủng hoảng của riêng mình và các nước Balkan sẽ tìm thấy ít triển vọng phát triển ở đó.
Andrej Ivan Nuredinovic, một sinh viên 22 tuổi ở Zagreb cho biết: "Tôi lo lắng về những ảnh hưởng to lớn từ EU, khiến cho luật pháp và các chính sách xã hội của Croatia phải thay đổi”.
EU luôn nổi tiếng với những quy định hà khắc chi phối tất cả mọi thứ, từ xúc xích tới thuốc lá, và Croatia lo lắng rằng các quy định mới của EU sẽ phá hủy nhiều ngành công nghiệp truyền thống của mình như sản xuất pho mát thủ công ở địa phương, hay đồ uống có cồn truyền thống có tên “Rakia” được ủ tại nhà và các đặc sản như "Kolinje" được làm thịt lợn ở các trang trại địa phương vào mùa thu hàng năm, nhân dịp mùa các lễ hội.
Những lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở, bởi kể từ 1/7, các nhà sản xuất địa phương sẽ bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn của EU, có nghĩa các nhà sản xuất rượu rakia rất có thể sẽ có thể bán rượu lậu dọc những con đường cao tốc hoặc tại các thị trường, nếu không đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng.
"Nền kinh tế địa phương sẽ đi xuống dốc từ thời điểm này, do sự quan tâm rất lớn của các đổi thủ đến từ nước ngoài đối với thị trường của chúng tôi," Krunoslav Blazicevic, nhà quản lý của ABC Interijeri, hãng thiết kế nội thất ở thủ đô Zagreb cho biết.
Trong khi đó, Croatia đang đối mặt với lạm phát. Giá các mặt hàng chủ lực như thực phẩm (bánh mì và sữa) sẽ tăng mạnh giống như thuốc lá hoặc rượu, được dự báo sẽ tăng 25-30% trong vài năm tới, theo tính toán của các nhà phân tích.
Chỉ có 45% người dân Croatia ủng hộ việc trở thành một phần của Liên minh châu Âu, theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây.
Josip Virovac, sinh viên 20 tuổi của một trường kỹ thuật thì vẫn lạc quan cho rằng: "Gia nhập EU là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể sống trong sự cô lập và bỏ qua cơ hội của quá trình toàn cầu hóa. Nền kinh tế thế giới đang hướng đến một thị trường toàn cầu và nếu muốn tồn tại, chúng ta cần phải là một phần trong liên minh này".
Sinh viên này còn chia sẻ: "Tôi muốn Croatia gia nhập EU bởi vì sẽ dễ dàng hơn cho tôi, có thể được đi du lịch và làm việc tại nước ngoài". Có thể thấy, EU không chỉ là thị trường tiềm năng về kinh tế và vị thế thương mại, vai trò trở nên quan trọng hơn đối với giới trẻ.
Tất nhiên, điều kiện đi kèm là một mức giá mà hệ thống chính trị và xã hội Croatia cần phải thay đổi, để trở nên dân chủ hơn, trách nhiệm hơn, minh bạch hơn đối với mọi người dân.
Trong đêm lịch sử đón những giây đầu tiên của ngày 1/7, một nhóm sinh viên Croatia đang ngồi ở Quảng trường Ban Jelacic chờ đợi chiếc đồng hồ đếm ngược, cũng bày tỏ hy vọng về một tương lai tốt đẹp cho đất nước và cho chính thế hệ thanh niên như họ, thời hậu gia nhập Liên minh châu Âu.
Bất chấp khó khăn hiện tại, EU vẫn là một chuyến tàu của hội nhập, Croatia đã trở thành một trong những quốc gia Balkan đầu tiên giành được tấm vé lên chuyến tàu ấy. Một khởi đầu mới và EU sẽ không phải hồi kết đối với Croatia, như nhiều người vẫn lo ngại.
Nguồn Dân Việt