Thứ Hai | 22/04/2013 11:25

Credit Suisse: Yên giảm sẽ không thúc đẩy xuất khẩu Nhật Bản

Về lý thuyết, đồng yên giảm giá sẽ hỗ trợ tích cực cho cán cân thương mại Nhật Bản nhưng điều ngược lại đang xảy ra, Credit Suisse nhận định.
Đồng yên đã giảm mạnh kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên nắm quyền vào tháng 12 ngoái với lời hứa đưa nước này thoát khỏi lạm phát. Đầu tháng 4, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tung ra gói kích thích kinh tế mới khiến cho đồng yên càng giảm.

Một đồng tiền yếu thông thường sẽ làm tăng nhu cầu với hàng hoá xuất khẩu của quốc gia đó khi hàng hoá trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế và khiến nhu cầu tiêu dùng các hàng hoá nhập khẩu giảm. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra tại Nhật Bản.

Tháng 2, thâm hụt thương mại của Nhật Bản là 777,5 tỷ yên, thâm hụt tháng thứ 8 liên tiếp. Kim ngạch xuất khẩu giảm 2,9% và nhập khẩu tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong báo cáo mang tên "Phá giá đồng yên sẽ làm tăng thâm hụt cán cân thương mại", chuyên gia phân tích tín dụng của ngân hàng Credit Suisse cho biết sự mất giá của đồng yên sẽ không thúc đẩy xuất khẩu Nhật Bản đủ trong thời gian một năm để bù đắp những tác động tiêu cực của tình hình thương mại.

Tại sao đồng yên giảm giá không thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu và giảm nhập khẩu? Theo các chuyên gia kinh tế Hiromochi Shirakawa và Takashi Shiono của Credit Suisse, trước hết Nhật Bản hiện đang độc quyền một số sản phẩm như linh kiện điện tử và vật liệu công nghệ cao. Điều này đồng nghĩa những biến động của đồng yên không tác động nhiều lên nhu cầu nước ngoài bởi khách hàng cần những sản phẩm này bất kể giá trị của đồng yên.

Một lý do khác là sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Nhật Bản.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc giảm mạnh trong những tháng gần đây do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý I/2013 và tranh chấp lãnh thổ căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Credit Suisse cũng lưu ý, nhập khẩu khí đốt tự nhiên và dầu tăng mạnh kể từ khi Nhật Bản chuyển sang sử dụng nhiên liệu hoá thạch khi chính phủ đóng của các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011.

Đồng yên giảm giá thúc đẩy các chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao và khiến Nhật Bản tiếp tục rơi vào tình trạng thâm hụt cán cân thương mại.

Joshua Meltzer của Viện nghiên cứu Brookings dự báo thâm hụt thương mại Nhật Bản sẽ vẫn duy trì đến cuối năm 2014. Chuyên gia này cũng cho biết việc Nhật Bản cần làm lúc này là cân bằng lại nền kinh tế để ít phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài và tăng nhu cầu nội địa.

Credit Suisse cũng cảnh báo, trong dài hạn, xuất khẩu máy tính trì trệ có thể gây ra những kỳ vọng về đồng yên tiếp tục giảm giá. Điều này có thể thúc đẩy phong trào tiết kiệm mạnh mẽ gây mất ổn định trong các thị trường tài chính.

Nguồn The Financialist/Khampha


Sự kiện