Ảnh: CNBC
Covid-19: Mỹ vượt Trung Quốc trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới
Tính tới lúc 7h ngày thứ Sáu (27/03), thế giới ghi nhận 529.614 ca nhiễm, 23.976 ca tử vong và 123.380 ca phục hồi.
Đáng chú ý, số ca nhiễm ở Mỹ đã lên hơn 83.000 ca, vượt qua Trung Quốc. Châu Âu là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19 với số ca tử vong đã vượt qua 15.000 ca.
Mỹ ghi nhận thêm gần 15.000 ca nhiễm mới
Vào lúc 6h10 sáng 27-3, số ca nhiễm ở Mỹ đã tăng thêm 14.995 ca, lên tổng cộng 83.206 ca. Còn số ca tử vong do Covid-19 ở nước này tăng thêm 174 ca, lên 1.201 ca tử vong.
Hiện Mỹ có số ca nhiễm cao nhất thế giới. Trung Quốc đứng số 2 với 81.285 ca nhiễm, còn đứng thứ 3 là Italy với 80.589 ca nhiễm.
Hãng tin AFP dẫn nghiên cứu mới ngày 26-3 của Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) tại Trường Y thuộc Đại học Washington dự báo COVID-19 có thể dẫn tới khoảng 81.000 cái chết ở Mỹ trong 4 tháng tới và khiến các bệnh viện Mỹ quá tải vào đầu tháng 4.
"Chúng tôi hi vọng những dự báo này sẽ giúp các nhà lãnh đạo trong hệ thống y tế tìm ra được các cách mới để có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao cho những ai cần trong các tuần tới" - giám đốc IHME Christopher Murray chia sẻ.
Đồng thời ông nhấn mạnh: "Quỹ đạo của đại dịch sẽ thay đổi và đột ngột tệ hơn nếu người dân xem nhẹ biện pháp cách ly xã hội hay không thực hiện nghiêm các biện pháp đề phòng khác".
Italy: Thêm 712 ca tử vong, 6.203 ca nhiễm mới
Hãng tin Reuters cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở Ý đã tăng thêm 712 ca trong ngày 26-3, lên tổng cộng 8.215 ca tử vong. Lúc đầu có một số tính toán nhầm khi số ca tử vong ở vùng Piedmont không được tính vào.
Trước đó, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này trong ngày 25-3 là 683, trong ngày 24-3 là 743, trong ngày 23-3 là 602, trong ngày 22-3 là 650, trong ngày 21-3 là 793 (số ca tử vong cao nhất trong một ngày kể từ hôm 21-2 khi dịch lan nhanh).
Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Ý đã tăng từ 74.386 lên 80.589, sau khi ghi nhận 6.203 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, đã có 10.361 ca hồi phục.
Tây Ban Nha vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Âu
Tây Ban Nha ghi nhận 57.786 ca nhiễm và 4.365 người chết, tăng lần lượt 8.271 và 718 ca so với một ngày trước đó. Tình hình dịch tại Tây Ban Nha chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, dù chính quyền đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3. Các quan chức cảnh báo tình hình sẽ đặc biệt tồi tệ trong tuần này.
Đức ghi nhận thêm 6.615 ca nhiễm
Đức có thêm 6.615 ca nhiễm và 61 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết lên lần lượt là 43.938 và 267. Bộ Y tế Đức cho biết đã thực hiện nhiều xét nghiệm và người nhiễm tại nước này khá trẻ, nhưng cảnh báo không nên quá chú ý đến tỷ lệ tử vong 0,5% vì tình hình có thể thay đổi.
Số ca tử vong ở châu Âu vượt 15.000
Theo thống kê của Hãng tin AFP, đại dịch Covid-19 đã khiến khoảng 15.500 người ở châu Âu thiệt mạng tính đến ngày 26-3.
Trong đó, Italy ghi nhận số ca tử vong nhiều nhất và chiếm tới một nửa (8.215 ca tử vong). Kế đến là Tây Ban Nha và Pháp. Châu Âu cũng là châu lục chịu ảnh hưởng nặng nhất do Covid-19.
FED thừa nhận kinh tế Mỹ suy thoái
Ngày 26-3, trả lời phỏng vấn kênh NBC News, chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng Mỹ rất có thể đã rơi vào suy thoái, đồng thời cảnh báo thời gian để dỡ bỏ các hạn chế xã hội vốn gây thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch Covid-19 - trái với mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc quay lại cuộc sống bình thường vào lễ Phục sinh tháng 4.
Dịch Covid-19 đang giáng đòn thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Mỹ, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân phải ở tại nhà và sự mơ hồ bao trùm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính.
Có thể bạn quan tâm:
* Nguy cơ gì từ tình trạng các quốc gia tích trữ thực phẩm?
Nguồn Tổng hợp