Uớc tính khoảng 8.600 máy bay toàn cầu phải nằm im lìm ở các trung tâm hàng không quốc tế. Nguồn ảnh: Reuters.
COVID-19 khiến gần một nửa máy bay toàn cầu không thể cất cánh
Theo Nikkei Asian Review, ngành công nghiệp hàng không đã phải hứng chịu một đòn giáng trực tiếp từ COVID-19, với ước tính khoảng 8.600 máy bay tương đương 1/3 đội bay toàn cầu phải nằm im lìm ở các trung tâm hàng không quốc tế.
Theo công ty phân tích hàng không Cirium của Vương quốc Anh, có tổng cộng 383 máy bay đã đứng yên tại Trung tâm Hàng không Quốc tế Roswell ở New Mexico - nơi được biết đến như một xưởng máy bay. Nhiều công ty hàng không Mỹ đang buộc phải đậu những chiếc Boeing 737 và 777 tại Roswell với mức phí từ 10-14 USD/ngày. Khi các công ty hàng không trên thế giới giảm chuyến bay, họ buộc phải cất giữ máy bay tại các xưởng máy bay như Roswell.
Tháng 8 là mùa cao điểm cho các kỳ nghỉ nhưng có tới 1/3 đội bay toàn cầu buộc phải ngưng hoạt động. Nguồn ảnh: Cirium. |
Hơn nữa, nhu cầu đi lại không thể phục hồi nhanh chóng. Dữ liệu từ công ty thông tin hàng không Anh OAG cho thấy: Ở châu Âu, nơi hạn chế về di chuyển đã được nới lỏng, các chuyến bay quốc tế trong tuần thứ 3 của tháng 8 vẫn ít hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng hàng không lớn nhất châu Âu Lufthansa đã cắt giảm một nửa số chuyến bay trong tháng 4. Giám đốc Điều hành hãng Lufthansa, ông Carsten Spohr cho biết 200 trong tổng số 760 máy bay của Hãng vẫn buộc phải nằm im vào năm 2022. Những công ty khác phục vụ các thị trường nội địa nhỏ và dựa vào kết nối toàn cầu có thể phải đóng cửa hoàn toàn.
Số lượng chuyến bay quốc tế so sánh giữa các thị trường vào năm ngoái. Nguồn ảnh: OAG. |
Số lượng chuyến bay nội địa so sánh giữa các thị trường vào năm ngoái. Nguồn ảnh: OAG. |
Nhiều ông chủ hãng hàng không vẫn kỳ vọng lượng hành khách toàn cầu sẽ đi theo quỹ đạo giống như sau những gián đoạn trước đó. Chẳng hạn như các cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 hoặc cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Sau một vài tháng rối loạn, mô hình đi lại sau đó trở lại bình thường và tiếp tục tăng trưởng trở lại. Nguồn ảnh: Airbus. |
Tình trạng dư thừa máy bay sẽ tiếp tục là gánh nặng cho ngành hàng không. Công ty tư vấn và dữ liệu hàng không IBA của Anh cho biết: 34 hãng hàng không đã thất bại và con số cuối cùng trong năm nay có thể lên tới 70. Con số thua lỗ năm 2019 là 27 hãng hàng không.
Ngoài ra, các công ty cho thuê máy bay cũng đang bị ảnh hưởng bởi các công ty hàng không khi nhận được yêu cầu giảm chi phí cho thuê. Đại diện một công ty cho thuê máy bay tại Nhật cho biết: “Tất cả các công ty hàng không trên thế giới đang yêu cầu mức giá thuê thấp hơn”. Các hãng hàng không cũng đang yêu cầu các công ty cho thuê, vốn đã phát triển nhanh chóng trong những thập kỷ qua và hiện sở hữu khoảng 50% đội bay toàn cầu, thể hiện sự kiên nhẫn đối với các khoản thanh toán.
Các đơn đặt hàng chế tạo máy bay mới cũng giảm. Hơn 500 đơn đặt hàng máy bay Boeing và Airbus đã bị hủy kể từ tháng 3 năm nay. Hợp đồng lớn bị hủy là của công ty cho thuê máy bay Avolon do Bohai Leasing của Trung Quốc sở hữu 70% và Tập đoàn Orix của Nhật sở hữu 30%. Công ty này đã hủy hơn 100 máy bay kể từ khi đại dịch bùng phát.
Hiện tại, hầu hết các hãng hàng không cố gắng bảo toàn tiền mặt. Bên cạnh việc cắt giảm chuyến bay, nhiều hãng yêu cầu hoặc ép buộc nhân viên nghỉ không lương. Hãng hàng không giá rẻ Norwegian Air Shuttle đang mắc nợ trong quá trình tái cơ cấu, cũng tạm thời sa thải một nửa trong số 11.000 công nhân của mình. SAS của Scandinavia sa thải 10.000 công nhân, chiếm 90% lực lượng lao động, vì hầu hết các chuyến bay của Hãng đều bị hủy bỏ. Lufthansa cũng tạm dừng chia cổ tức cho năm 2019 và có nguy cơ phải bán một số máy bay.
Thông thường, giá dầu giảm mạnh đáng lẽ sẽ có ích. Tuy nhiên, nhiều hãng hàng không sẽ cảm thấy việc giảm giá dầu chỉ có lợi về sau. Bởi lẽ, trước đó họ đã chốt việc mua với giá cao hơn để phòng ngừa rủi ro về nhiên liệu đắt hơn.
Năm ngoái, 4,5 tỉ lượt người đã đi du lịch trên toàn cầu, đánh dấu mức tăng gấp 3 lần trong 2 thập kỷ qua. Tạo tiền đề cho sự tăng trưởng đó là quá trình tư nhân hóa các hãng vận tải quốc doanh và bãi bỏ quy định trong ngành hàng không.
Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng hiện tại có thể thúc đẩy các chính phủ trên khắp thế giới cứu trợ các hãng hàng không. Điều này có khả năng dẫn đến ảnh hưởng và quyền kiểm soát của nhà nước nhiều hơn đối với ngành này và gây nguy hiểm cho nền tảng tăng trưởng trong quá khứ.
Nhà phân tích Mark Manduca tại Citigroup cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng phần lớn các hãng hàng không đường dài toàn cầu sẽ trải qua quá trình quốc hữu hóa dần dần, để lại một tập hợp các hãng hàng không hoàn toàn phục vụ các mục đích của chính phủ”.
Có thể bạn quan tâm: