Ảnh minh họa. Nguồn: Bloomberg
COVID-19: Dấu chấm hết cho thời kỳ vàng son của "vàng đen"?
Thị trường dầu mỏ thế giới đã dần ổn định trong tháng 5 với giá dầu ở mức 30-35 USD/thùng nhưng nguy cơ dịch COVID-19 khép lại thời kỳ vàng son của dầu mỏ đang cận kề.
Vào đỉnh điểm mùa dịch COVID-19, như tất cả các lĩnh vực khác, dầu mỏ cũng lâm vào tình trạng "hàng bán không ai mua". Tháng 3.2020, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Hàn Quốc trong tâm dịch và các nước châu Âu, đầu tiên là Ý rồi tới Pháp, Tây Ban Nha lần lượt "đóng cửa" chống COVID-19 lây lan và sau đó dịch bệnh lan sang Mỹ.
Giá một thùng dầu Brent của châu Âu mất giá hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019 và mất giá hơn 40% so với đúng 1 tháng trước đó. Theo thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế và thống kê quốc gia Pháp (INSEE), đây là mức trượt dốc nhanh nhất trong 60 năm qua.
Tình trạng dầu rẻ sẽ kéo dài
Ngoài tác động của COVID-19 từng bước làm tê liệt kinh tế toàn cầu, cuộc cạnh tranh giữa 2 nhà cung cấp "vàng đen" lớn nhất thế giới là Saudi Arabia và Nga tại Hội nghị thượng định Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối, gọi là OPEC+, ở Vienna ngày 6.3 càng "đổ thêm dầu vào lửa" dẫn đến sự suy sụp giá dầu trên các thị trường quốc tế.
Hơn một tháng sau, khủng hoảng y tế thêm trầm trọng, Mỹ đã thuyết phục Moskva và Riyadh tìm được một sân chơi chung. Nga và Saudi Arabia cùng với các đối tác trong và ngoài OPEC đã đồng ý cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày - tương đương với 10% nhu cầu tiêu thụ của toàn cầu, trong hai tháng 5 và 6.2020.
Trong lịch sử của OPEC, chưa bao giờ các thành viên cùng với các đối tác ngoài OPEC, lại đưa ra một quyết định mạnh tay như vậy. Trước khi có thỏa thuận dầu mỏ "lịch sử" nói trên, trên thị trường Mỹ, giá dầu WTI đã rơi xuống mức âm trong phiên giao dịch 20.4. Nguyên nhân là do các kho chứa dầu đã gần như quá tải. Ngay cả khi nhóm OPEC+ cam kết cắt giảm sản xuất thì chênh lệch về cung và cầu vẫn quá lớn. Thị trường thế giới vẫn "dư thừa" đến 20 triệu thùng dầu/ngày.
Nguồn ảnh: VTV |
Gần một tháng kể từ khi thỏa thuận giữa OPEC và các thành viên ngoài khối có hiệu lực, giá dầu đã khôi phục trở lại mức 30-35 USD/thùng như hồi đầu năm 2020. Ba yếu tố giải thích cho hiện tượng "tạm ổn định" này.
Một là sản lượng dầu thế giới đang từ 42-43 triệu thùng/ngày giảm xuống còn 34 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1.5. Thứ 2 là một số nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã phải lần lượt ngưng hoạt động do tác động của giá dầu thấp. Trong tháng 4, dầu đá phiến Mỹ ghi nhận mức giảm gần 200.000 thùng/ngày. Yếu tố khá bất ngờ thứ 3a góp phần giữ cho giá dầu ổn định đó là khả năng sản xuất của Kazakhstan bị ảnh hưởng đáng kể. Dịch COVID-19 đã tấn công một trong những mỏ dầu lớn nhất của quốc gia Trung Á này với 17.000 nhân viên phải "sơ tán" khỏi mỏ dầu Tengiz.
Chuyên gia về dầu mỏ Francis Perrin từ Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) nhận định, rõ ràng tiêu thụ dầu mỏ giảm trong năm nay và đây là lần đầu tiên hiện tượng này tái diễn kể từ năm 2009. Điều này cho thấy khủng hoảng y tế đã tác động như thế nào tới các hoạt động kinh tế. Kinh tế toàn cầu bị trì trệ. Trong tháng 4 vừa qua, chỉ số tiêu thụ dầu mỏ giảm từ 20-30% trên toàn cầu so với cùng kỳ năm 2019. Trong lịch sử của ngành năng lượng dầu mỏ, đây là mức tệ hại chưa từng thấy kể từ năm 1945. Trong 6 tháng cuối năm, tình hình dự kiến sẽ khả quan hơn.
"Cỗ máy kinh tế" của Trung Quốc không khởi động lại một cách nhanh chóng như mong đợi, còn châu Âu "đang chứng kiến khủng hoảng kinh tế ở trước mặt". Nhiều nghiên cứu cho thấy với giá dầu ở mức trên dưới 35 USD/thùng, ngay cả Saudi Arabia cũng "điêu đứng". Gần như hoàn toàn lệ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ, Riyadh chỉ có thể cân bằng ngân sách chi - thu với giá dầu khoảng 80 USD/thùng. Tại Mỹ, nếu dầu mỏ thấp hơn ngưỡng 65 USD/thùng, tất cả các nhà sản xuất dầu đá phiến đều thua lỗ. Nga cần bảo đảm xuất khẩu dầu mỏ với giá trên dưới 50 USD/thùng.
Theo chuyên gia Francis Perrin, tất cả các nhà sản xuất đều bị thiệt hại trong tình hình hiện nay, do giá dầu và tiêu thụ sụt giảm. Có điều mức độ nghiêm trọng tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà quan trọng nhất là khả năng tài chính của từng quốc gia. Khi dầu mỏ mất giá, nguồn thu nhập của các nước xuất khẩu dầu qua đó giảm theo, ngân sách nhà nước bị thu hẹp. Câu hỏi đặt ra, liệu có đủ sức để chống chọi với tình huống khó khăn đó hay không và bao lâu? Phần lớn các quốc gia dầu mỏ Trung Đông, như Saudi Arabia, Qatar, Kuwait hay là Nga có một khoản dự trữ ngoại tệ rất lớn. Những nước như Iran hay Venezuela hoặc Algeria không có được lợi thế đó. Trong bối cảnh hiện tại, dịch COVID-19 làm tê liệt một phần các hoạt động kinh tế, ngay cả những nhà sản xuất lớn cũng bị lao đao. Do đó, giải pháp thiết thực duy nhất là hợp tác quốc tế.
COVID-19 thách thức vương quốc dầu mỏ Saudi Arabia
Trong số các nước xuất khẩu dầu mỏ, Saudi Arabia tuy không còn "một mình một chợ", nhưng luôn được xem là đối tác quan trọng nhất với khả năng "khóa hay mở van dầu" dễ dàng nhất và có gói dự trữ ngoại tệ an toàn nhất. Dù vậy, vương quốc dầu mỏ này tại Trung Đông bắt đầu phải đối mặt với thực tế.
Phóng viên báo Le Figaro, Georges Malbrunot chuyên về khu vực Trung Cận Đông nêu lên viễn cảnh COVID-19 đe dọa "thời kỳ hoàng kim" của vương quốc dầu mỏ này. Theo đó, năm 2016 Thái tử Mohammed Bin Salman đề xuất kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Theo kế hoạch Tầm nhìn 2030 này, năm nay là thời điểm Saudi Arabia thu hoạch được những thành quả kinh tế đầu tiên và quan trọng nhất trong số những mục tiêu của Riyadh là đem lại việc làm cho thanh niên. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại, Saudi Arabia vẫn còn nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và có khả năng đi vay trên thị trường với lãi suất thấp.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Saudi Arabia có thể giảm 2,3% trong năm 2020. Riyadh thông báo cắt giảm ngân sách 25 tỉ USD, thuế trị giá gia tăng từ 5% nhảy vọt lên 15%. Dịch COVID-19 càng làm lộ rõ những bất cập của "cỗ máy kinh tế" Saudi Arabia hoàn toàn bị "vàng đen" chi phối.
Pascal Boniface, Giám đốc Viện quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS), nhận xét Saudi Arabia không còn độc quyền trên thị trường dầu mỏ, nhưng vẫn là một mắt xích then chốt và đủ sức để áp đặt luật chơi. Saudi Arabia đã tư hữu hóa một phần Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Aramco và đã không thu hút được chú ý của các nhà đầu tư như mong đợi.
Dầu mỏ rớt giá gây khó khăn cho Saudi Arabia và khiến các nước phương Tây đau đầu, bởi Riyadh là một trong những khách hàng quan trọng nhất mua vũ khí của châu Âu, Mỹ và Nga. Năm 2019, Saudi Arabia mua hơn 57 tỉ USD trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Saudi Arabia tương đương với 8% GDP. Với giá dầu dưới ngưỡng 40 USD/thùng, vương quốc này có thể phải xem xét lại các ưu tiên. Các nhà cung cấp vũ khí trên thế giới lo ngại rằng, một số hợp đồng đã ký với Riyadh sẽ bị hủy bỏ.
Nguồn TTXVN/VTV